24/09/2017 12:23 GMT+7

Singapore hướng đến không xài tiền mặt

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Thương mại điện tử và kinh tế kỹ thuật số sẽ là ưu tiên của Singapore, khi nước này giữ vai trò chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2018.

Singapore hướng đến không xài tiền mặt - Ảnh 1.

Thương mại điện tử đang bùng nổ và tạo thời cơ lớn cho tiến trình hợp tác và hội nhập của các nước ASEAN - Ảnh: AFP

Giữa tuần qua, thư ký Quốc hội Singapore Lưu Yến Linh đã tham dự một cuộc họp cấp cao ASEAN tại Singapore. Nước này đang có những bước chuẩn bị tích cực cho vai trò chủ tịch ASEAN năm sau, trong bối cảnh rào cản thuế quan trong khối sẽ được tháo gỡ và sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử (e-commerce).

“Doanh nghiệp cần tiếp tục linh hoạt, thích nghi và bắt nhịp với những xu hướng mới từ đột phá về công nghệ và sự phát triển toàn cầu

Thư ký Quốc hội Singapore Lưu Yến Linh

Chủ động phát triển thương mại điện tử

Phát biểu tại sự kiện trên, bà Lưu Yến Linh cho biết trong nhiệm kỳ của mình, Singapore sẽ nỗ lực cải cách chính sách thương mại để giúp các công ty mở rộng thị trường quốc tế. Và trước hết, ASEAN chính là thị trường đầy tiềm năng của Singapore.

Từ khi thành lập năm 1967, thị phần của ASEAN trong tổng sản phẩm toàn cầu đã tăng gấp đôi từ 3,3% lên 6,2% tính tới cuối năm ngoái. Bản thân ASEAN cũng là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới với GDP đạt 2,55 ngàn tỉ USD. Đặc biệt, ASEAN vẫn là đối tác thương mại lớn nhất đối với Singapore, chiếm 1/4 tổng giá trị thương mại quốc tế của nước này, theo The Straits Times.

Trong đường hướng phát triển của Singapore, thương mại điện tử và kinh tế kỹ thuật số được đặt làm trọng tâm. Điều này được Thủ tướng Lý Hiển Long nhắc tới trong bài diễn văn mừng Quốc khánh Singapore hồi tháng 8, trong đó nhấn mạnh Singapore đang phấn đấu thành quốc gia không tiền mặt. Hiện nay, 6/10 giao dịch tại Singapore vẫn là tiền mặt hoặc séc. Đây là tỉ lệ còn thấp so với các nước phát triển khác, theo nhận định của Thủ tướng Lý Hiển Long.

Bà Lưu Yến Linh cho biết Singapore, trong tư thế đã chủ động phát triển thương mại điện tử và kinh tế kỹ thuật số, sẽ nỗ lực cùng các thành viên ASEAN khác trong việc đẩy mạnh sáng kiến, xây dựng cầu nối kỹ thuật số và nền tảng thương mại điện tử để đạt kết quả phát triển chung đặc biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đòn bẩy cho ASEAN

Sự phát triển về công nghệ là nòng cốt giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể đột phá trong tiến trình hội nhập quốc tế. Tại một phần trong chuỗi sự kiện Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở TP.HCM tháng 9 này, các đại biểu cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại điện tử, vì kinh doanh trực tuyến tháo gỡ được gánh nặng tài chính, tiết kiệm thời gian cho các doanh nghiệp nhỏ vươn tầm quốc tế.

Tính kết nối cao của thương mại kỹ thuật số cũng là chất xúc tác để triển khai những kế hoạch hợp tác chiến lược của ASEAN, đơn cử là một Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến nay vẫn chưa có đột phá đặc biệt nào. "Doanh nghiệp ở ASEAN sẽ dẫn dắt AEC, trong lúc chính phủ các nước thành viên ASEAN đóng vai trò chất xúc tác để hỗ trợ hội nhập quốc tế" - bà Lưu nói.

Năm 2018 cũng là thời điểm rào cản thuế quan trong khu vực ASEAN được tháo gỡ. Chính phủ các thành viên ASEAN đã cam kết thực hiện sáng kiến Cửa sổ ASEAN (ASEAN Single Window - ASW), thông qua Cửa sổ Quốc gia (National Single Windows - NSWs), một cách thức để các doanh nghiệp giải quyết vấn đề liên quan tới quản trị hành chính và biên giới. Cam kết của sáng kiến này từng gặp trục trặc về thời gian thực hiện, nhưng sẽ tái sinh mạnh mẽ trong năm 2018.

"Trong thời gian tới, các thành viên ASEAN phải nâng cao nhận thức về ASW và NSWs, tăng cường năng lực của các cơ quan hữu trách ở quốc gia và xem xét thành lập một đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trong nền kinh tế của mình để thực hiện chức năng của NSWs. Họ cũng nên đảm bảo đào tạo nhân lực và nguồn tài chính tương xứng cho ASW được hoạt động trôi chảy trong Ban thư ký ASEAN" - theo bà Sanchita Basu Das, nhà nghiên cứu về quan hệ kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu và hợp tác ASEAN, Singapore.

Đứng đầu về khởi nghiệp

Báo cáo về xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2017 hồi tháng 3 năm nay cho thấy Singapore đã vượt Thung lũng Silicon (Mỹ) để đứng đầu thế giới về khởi nghiệp.

Với nghề kỹ sư phần mềm, mức lương trung bình ở Singapore hiện khoảng 35.000 USD, thấp hơn mức lương trung bình toàn cầu là 49.000 USD. Điều này cho thấy chi phí phải bỏ ra của doanh nghiệp thấp hơn, từ đó thuận lợi phát triển hơn.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên