30/11/2015 10:50 GMT+7

Sếp tình báo thừa nhận Mỹ “quá ngu ngốc” để IS trỗi dậy

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - Cựu giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) Michael Flynn thừa nhận chiến tranh Iraq đã mở đường cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy và cho rằng Washington “quá ngu ngốc”.

Cựu giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) Michael Flynn - Ảnh: The Daily Beast
Thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện như một giáo hoàng - Ảnh: Al Jazeera

Ông Flynn từng phục vụ trong quân đội Mỹ trong hơn 30 năm. Trước khi giữ chức giám đốc DIA, ông là phó giám đốc tình báo quốc gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Từ năm 2004-2007, ông là tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Afghanistan và Iraq. Lực lượng của ông săn lùng trùm khủng bố Al-Qaeda Abu Musab al-Zarqawi thành công vào tháng 6-2006.

Zarqawi là một trong những kẻ đứng trên Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tối cao của IS hiện nay. Trả lời phỏng vấn Der Spiegel, ông Flynn đã có những thừa nhận rất thẳng thắn về những sai lầm chiến lược của Mỹ dẫn tới sự trỗi dậy của IS ở Syria và Iraq.

Trong vài tuần qua, IS không chỉ tấn công Paris mà cả Libăng và đánh bom máy bay Nga ở Ai Cập. Tại sao IS lại chuyển hướng sang tấn công khủng bố ở nước ngoài?

- Trước đó IS từng nhiều lần đe dọa sẽ tấn công khủng bố ở nước ngoài và các nước đã đánh giá thấp tổ chức này.

Khi lần đầu tiên nghe tin về vụ khủng bố Paris, tôi đã nghĩ: “Trời ơi, lại là bọn chúng. Chúng ta đã không để ý đến chúng”.

Sự thay đổi lớn nhất của IS mà tôi lo ngại là chúng đã hình thành một cơ cấu lãnh đạo ở châu Âu, thậm chí là ở từng nước châu Âu, để lên kế hoạch thực hiện các chiến dịch khủng bố.

Osama Bin Laden từng đề cập việc tổ chức các mạng lưới khủng bố quy mô nhỏ, dễ hành động, khó bị phát hiện.

IS liệu có thể tổ chức các vụ tấn công quy mô lớn như Paris mà không cần đến sự điều phối của tầng lớp thủ lĩnh tối ca tại Syria?

- Chắc chắn rồi. IS không có tổ chức và trật tự quy củ từ trên xuống dưới như hệ thống của chúng ta. Chỉ cần một kẻ cực đoan 30 tuổi, được đào tạo ở Syria và nhận lệnh từ cấp trên rằng: “Hãy làm điều gì đó để thể hiện tư tưởng của chúng ta”. Rồi hắn sẽ tự chọn các mục tiêu tấn công, chiêu mộ những kẻ cực đoan khác và thực hiện cuộc tắm máu.

Thủ lĩnh tối cao của IS là Abu Bakr al-Baghdadi. Hắn là kiểu thủ lĩnh như thế nào?

- Cần phải phân biệt phong cách của Osama Bin Laden với Baghdadi. Bin Laden hay kẻ kế nhiệm Ayman al-Zawahiri ở Al-Qaeda thường xuất hiện trong các đoạn video tuyên truyền với lá cờ phía sau, súng AK-47 đặt trên đùi.

Hai kẻ này thể hiện chúng là chiến binh. Ngược lại Baghdadi xuất hiện trong một nhà thờ Hồi giáo ở Mosul (Iraq), đứng trên bancông nói chuyện giống như giáo hoàng.

Hắn thể hiện mình là đấng linh thiêng và tuyên bố lập nhà nước Hồi giáo. Đó là hành động mang tính biểu tượng cao, nâng tầm cuộc xung đột quân sự địa phương ở Syria và Iraq lên thành một cuộc chiến tôn giáo toàn cầu.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Baghdadi bị tiêu diệt?

- Chúng ta thường nói rằng hãy tiêu diệt những kẻ cầm đầu, kẻ kế nhiệm sẽ không có ảnh hưởng ngang bằng. Nhưng cách đó không hiệu quả. Bởi Baghdadi hiện tại có uy tín lớn hơn Zawahiri, kẻ đang lãnh đạo Al-Qaeda. Và Zawahiri còn được đánh giá cao hơn Bin Laden.

Giết Baghdadi sẽ không thay đổi được điều gì. Gần đây hắn không  hề xuất hiện, thậm chí có thể đã chết nhưng IS vẫn hoạt động dữ dội. Tôi muốn bắt sống Bin Laden hơn là biến hắn thành tử sĩ.

Đâu là sự khác biệt giữa Baghdadi và Zarqawi, kẻ lãnh đạo Al-Qaeda ở Iraq từ năm 2003-2006?

- Zarqawi tìm cách tuyển mộ nhiều binh sĩ nước ngoài nhưng không thể hiệu quả như Baghdadi. Trong thời kỳ đỉnh cao của Zarqawi, Al-Qaeda tại Iraq tuyển mộ khoảng 150 tay súng nước ngoài mỗi tháng.

Trong khi đó Baghdadi chiêu dụ được 1.500 tay súng nước ngoài mỗi tháng từ hơn 100 quốc gia. Hắn dùng công nghệ hiện đại của thời kỳ kỹ thuật số để quảng bá hình ảnh và tư tưởng cực đoan. Sự khác biệt thứ hai là cách chúng lựa chọn mục tiêu.

Zarqawi cực kỳ tàn bạo, hắn giết người bừa bãi. Còn Baghdadi thông minh hơn nhiều và lựa chọn mục tiêu chính xác hơn.

Kẻ nào đang lãnh đạo quân đội của IS?

- Baghdadi là thủ lĩnh tối cao của IS và phụ trách lực lượng vũ trang của chúng, nhưng đây là một tổ chức hình phẳng. Ở Syria và Iraq, hắn có một số phó tướng phụ trách các chiến dịch quân sự, hậu cần, tài chính…

Từ thông tin tình báo, chúng tôi biết IS tổ chức lực lượng thành từng khu vực riêng do rào cản ngôn ngữ. Chúng triển khai phiên dịch viên ở các khu vực này để liên lạc. Ví dụ có khoảng 200 công dân Úc trong hàng ngũ IS. Tại thủ đô Raqa chúng có khu vực riêng cho người Úc, kết nối với các nhóm nói tiếng Anh khác.

Phương Tây nên chống IS như thế nào?

- Thực tế đáng buồn là chúng ta phải triển khai bộ binh ở Syria. Chúng ta không thể thắng kẻ thù này chỉ bằng chiến dịch không kích. Nhưng giải pháp quân sự không phải là tất cả.

Chiến lược chung phải là giành lại các vùng lãnh thổ đã bị IS chiếm đóng, đảm bảo an ninh và sự ổn định, rồi đưa người tị nạn quay trở lại quê hương. Điều đó sẽ không diễn ra nhanh chóng.

Đầu tiên chúng ta cần tiêu diệt hoàn toàn đội ngũ lãnh đạo của IS, phá vỡ mạng lưới của chúng, chặn đứng dòng tiền của chúng và duy trì lực lượng bảo vệ hòa bình ở Syria. Chiến lược đó đòi hỏi nhiều năm thực hiện.

Phương Tây có cần phải hợp tác với Nga?

- Chúng ta phải hợp tác một cách xây dựng với người Nga. Dù muốn hay không, Nga đã can thiệp quân sự vào Syria. Họ hiện diện ở đó, làm thay đổi tình thế. Chúng ta không thể nói rằng người Nga hành động sai lầm và phải về nhà. Điều đó sẽ không xảy ra.

Sau vụ tấn công Paris, tổng thống Pháp kêu gọi Mỹ giúp đỡ. Lẽ ra Mỹ phải hỗ trợ Pháp ngay từ đầu. Và bây giờ Pháp cầu viện sự hỗ trợ của Nga.

Chiến dịch can thiệp của phương Tây liệu có bị xem là một cuộc xâm lược mới ở Trung Đông?

- Do đó chúng ta cần các đối tác Ả Rập. Họ phải là gương mặt đại diện của chiến dịch chống IS. Mỹ không muốn xâm chiếm hay làm chủ Syria. Thông điệp của chúng tôi phải là muốn hỗ trợ và sẽ rời đi sau khi chấm dứt được xung đột. Thế giới Ả Rập phải đứng bên cạnh phương Tây trong cuộc chiến chống IS.

IS không thể trỗi dậy nếu không có cuộc chiến Iraq. Ông có hối tiếc không?

- Chắc chắn là có rồi. Chúng tôi đã quá ngu ngốc. Sau vụ 11-9, phản ứng vội vã của chúng tôi là: “Bọn khốn đó ở đâu, hãy giết chúng”. Thay vì đặt câu hỏi tại sao khủng bố tấn công Mỹ, chúng tôi lại đặt câu hỏi chúng ở đâu. Và chúng tôi đã đi sai đường.

Nhưng Saddam Hussein không hề có liên quan đến vụ 11-9

- Đầu tiên chúng tôi tấn công Afghanistan, nơi Al-Qaeda đặt đại bản doanh. Rồi chúng tôi xâm chiếm Iraq. Thay vì đặt câu hỏi tại sao hiện tượng khủng bố xảy ra, chúng tôi lại chú ý vào các địa điểm. Đó là bài học quá lớn. Cuộc chiến Iraq là một sai lầm khổng lồ.

Việc loại bỏ Saddam Hussein là một sai lầm. Việc loại bỏ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi cũng vậy, bởi hiện Libya là một quốc gia hỗn loạn, bị IS lợi dụng. Lịch sử sẽ phán xét sai lầm của Mỹ khi tấn công Iraq.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên