​“Sao thầy không lượm mà kêu em lượm?”

LÊ ĐỨC ĐỒNG (Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, Sóc Trăng)
LÊ ĐỨC ĐỒNG (Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, Sóc Trăng)

TT - Câu chuyện xảy ra cách đây tròn một năm (năm học 2013 - 2014) nhưng vẫn làm tôi nhớ mãi khi mỗi lần nhắc lại (Nhân đọc bài viết “Khi lớp học đầy rác”, Tuổi Trẻ ngày 21-3)

Các bạn trẻ đeo trên ngực áo chiếc nơ thắt bằng ruy băng xanh trong chương trình cam kết không xả rác vì một Việt Nam xanh hơn - Ảnh: Trung Uyên

Hôm ấy vào thứ bảy, tôi đang đứng bên cầu thang tầng trệt để kiểm tra, nhắc nhở học sinh ra về trật tự thì gặp thầy T. nên dừng lại cùng trao đổi.

Vừa lúc đó có một nhóm học sinh đi tới. Thầy T. chỉ tay vào vỏ hộp bánh trên nền hành lang và nói với một học sinh nam: “Em lượm vỏ bánh lên bỏ vô thùng rác!”. Không những không cúi xuống lượm rác, em học sinh còn hỏi lại: “Sao thầy không lượm mà kêu em lượm?”. Thầy T. nói: “Vỏ bánh là của các bạn của em liệng xuống thì các em phải tự giác lượm chứ”. Tôi nói tiếp theo: “Thì em cứ lượm giùm đi, làm sạch chung cho trường mình mà”. Rồi em học sinh đó miễn cưỡng lượm vỏ hộp bánh bỏ vào thùng rác kế bên...

Thiệt tình là hơn 30 năm đi dạy học, tôi chưa từng nghe một học trò nào lại dám nói với thầy như vậy! Tôi tự nhủ sẽ có dịp tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của em Q. - tên của em học sinh hôm đó - như thế nào.

Dịp tốt đã tới. Khi Q. vừa ở lớp ra về một mình, tôi làm như tình cờ gặp em ở nhà xe của trường. Sau khi thăm hỏi chuyện học hành, tôi nói: “Hình như Q. là con út trong nhà phải không?”. Q. ngạc nhiên: “Làm sao thầy biết được vậy?”.

Tôi nói đại ý vì là con út thường được ba mẹ cưng chiều, khi có lỗi trong nhà thường được ba mẹ thương tình bỏ qua. Khi đến trường cũng tưởng những xử sự trong trường như ở nhà nên có khi mắc lỗi mà không biết. Q. tỏ ra hối hận vì câu trả lời với thầy T. hôm trước và em hứa sẽ gặp để xin lỗi thầy.

Chúng ta đều biết quy mô gia đình chỉ có một, hai con nên các bậc phụ huynh luôn chăm bẵm, chiều chuộng, không cho làm động tay động chân một việc gì trong nhà. Nhiệm vụ của các em là chỉ học và học mà thôi! Tất cả mọi việc (trừ tắm rửa, vệ sinh thân thể là tự làm) đều được phục vụ đầy đủ. Ăn xong đã có người dọn. Quần áo mặc dơ thảy vào góc nhà đã có người giặt... Vì vậy, khi đến lớp các em ăn, uống xong ở đâu là xả ngay chỗ đó vì cứ theo nếp sinh hoạt thường ngày ở nhà.

Trước thực trạng xả rác trong lớp học, tôi tham mưu thầy hiệu trưởng là ngoài việc vệ sinh lớp hằng ngày, quy định đổ rác cuối mỗi buổi học là vào cuối tuần, sau giờ sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn các em làm vệ sinh cuối tuần bao gồm quét lớp, lau sàn lớp, lau cửa sổ, vệ sinh quạt treo tường, vệ sinh hộc bàn, sắp xếp bàn ghế gọn gàng, ngăn nắp. Công việc này đưa vào tiêu chí thi đua hằng tuần, hằng tháng và nhà trường phối hợp Đoàn trường kiểm tra đột xuất, kiểm tra định kỳ việc vệ sinh trường lớp xanh, sạch, đẹp.

Ngoài việc học chữ, việc học giữ gìn vệ sinh, tôn trọng nếp sống nơi tập thể, nơi cộng đồng cũng là điều mà học sinh phải biết, phải tạo thành kỹ năng sống để vững vàng hơn khi bước vào đời...

LÊ ĐỨC ĐỒNG (Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, Sóc Trăng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên