Bà Nguyễn Thị Hải Hà và ông Phạm Quang Chính, hai thành viên ban giám khảo, trao đổi tại buổi chấm giải - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Dí dỏm, sáng tạo, đầy thú vị và "chuyên nghiệp không thua kém các copy-writer" là những cảm nhận mà các thành viên ban giám khảo cuộc thi "Sáng tạo khẩu hiệu (slogan) Ngày không tiền mặt" có được sau nhiều giờ làm việc để chọn ra những câu slogan xuất sắc nhất trao giải.
Từ gần 2.000 câu khẩu hiệu, tác phẩm được bạn đọc khắp cả nước gửi về, năm thành viên ban giám khảo, trong đó có hai chuyên gia lĩnh vực, đã phải làm việc, thảo luận sôi nổi, thậm chí có cả tranh cãi thẳng thắn để chọn ra 7 câu khẩu hiệu phù hợp với tiêu chí cuộc thi nhất.
Bà Nguyễn Thị Hải Hà - giám đốc điều hành Click Media, thành viên ban giám khảo cuộc thi - đánh giá chất lượng các slogan của tác phẩm dự thi rất cao. Gần 2.000 câu slogan để chọn ra 7 kết quả cuối cùng là một quyết định không hề đơn giản.
Qua mỗi bước lọc các câu slogan, các giám khảo lại phải đắn đo "chọn" hay "bỏ" và có cả nỗ lực thuyết phục thành viên giám khảo khác cùng về phía mình. "Sự dí dỏm, sáng tạo của các tác phẩm đã đưa ban giám khảo đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Bên cạnh đó, các câu slogan vẫn phải đảm bảo đầy đủ thông tin thì mới đáp ứng các tiêu chí của ban giám khảo" - bà Hà chia sẻ.Với tiêu chí hay, dễ nhớ và đầy đủ thông tin, rất nhiều câu slogan rất "chất" nhưng đành "phải dừng cuộc chơi" vì chỉ nói về thẻ.
Điều này cũng phản ánh thực tế là hầu hết người dân vẫn đang có suy nghĩ "không tiền mặt" đồng nghĩa với "xài thẻ".Ông Phạm Quang Chính - giám đốc sáng tạo Dentsu One, thành viên ban giám khảo - cũng chia sẻ sự tiếc nuối vì phải loại một số câu slogan rất hay, có vần điệu, độ dài vừa đủ để dễ nhớ nhưng chỉ nhắc thông điệp về thẻ.
Trong khi đề cập đến "không tiền mặt" chúng ta có thẻ thanh toán, ví điện tử, QR code... hình thức đa dạng hơn rất nhiều. Sự thú vị của cuộc thi không chỉ kích thích sự sáng tạo, dí dỏm "không biên giới" của bạn đọc, mà qua đó ban tổ chức đã khéo léo đưa được thông điệp hết sức gần gũi, cách tiếp cận văn minh đến với số đông, bất kỳ ai cũng có thể tham gia, sáng tác."Gần 2.000 slogan tham gia là con số ấn tượng, chứng tỏ bạn đọc rất quan tâm đến đề tài này.
Chất lượng của các câu dự thi cũng khá tốt, một số câu slogan khiến các chuyên gia lĩnh vực cũng phải bất ngờ vì... giống như được viết từ chuyên gia thứ thiệt, chứ không phải tay ngang nào đó.
Cuộc thi đã thành công khi khuyến khích được bạn đọc tham gia, qua đó đưa các thông tin quan trọng của cuộc sống: hình thức thanh toán không tiền mặt đến người dân một cách gần gũi, dễ nhớ nhất" - ông Chính nói thêm.
Theo ông Đỗ Văn Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trưởng ban giám khảo cuộc thi, sau những tranh luận, trao đổi thẳng thắn, ban giám khảo đã tìm được sự đồng thuận cao ở nhiều câu slogan.
Từ 7 câu khẩu hiệu lọt vào chung kết, ban tổ chức sẽ đánh giá và thống nhất trao một giải đặc biệt trị giá 50 triệu đồng và 6 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng cho bạn đọc dự thi. Chính cơ cấu giải thưởng này khiến mỗi cân nhắc, ý kiến của ban giám khảo đều có thể làm thay đổi hoàn toàn "số phận" của một câu slogan dự thi.Kết quả cuộc thi sẽ được công bố và trao giải vào Ngày không tiền mặt 16-6-2019.
7 slogan được chọn vào chung kết, trao giải
1 Không tiền mặt thêm minh bạch
2 Ngày không tiền mặt: giữ tiền thông minh tiêu tiềnvăn minh
3 Không tiền mặt:giữ chắc, tiêu bền
4 Thanh toán số: an tâm trên phố
5 Không tiền mặt: một đổi thay, vạn điều hay
6 Ngày không tiền mặt bước ngoặt tương lai
7 "Tắt" tiền mặt "bật" văn minh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận