18/09/2016 09:07 GMT+7

Sáng tạo của 5 cô giáo mầm non

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Tám bộ đồ dùng dạy học tự tạo của năm cô giáo trẻ ở Trường mầm non Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm (Hà Nội) gửi tới cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” là những sáng tạo giúp trẻ tư duy, phát triển kỹ năng khá hiệu quả.

Nhóm năm cô giáo trẻ mầm non cùng các sáng tạo đồ dùng dạy học của mình - Ảnh: HOÀI NAM
Nhóm năm cô giáo trẻ mầm non cùng các sáng tạo đồ dùng dạy học của mình - Ảnh: HOÀI NAM

Điểm khác biệt giữa những đồ dùng dạy học do các cô giáo tự làm và đồ dùng mua của các công ty nằm ở những chi tiết nhỏ được các cô đặt vào sản phẩm, để dạy các con những kỹ năng nhỏ nhặt trong cuộc sống như cách cài nút áo, cách thắt nơ...

Những đồ vật yêu thương

Bộ đồ dùng có tên “Bóng của tớ đâu?” thoạt nhìn rất đơn giản. Cô Bùi Thị Minh Xuân, trưởng nhóm cô giáo có sản phẩm dự thi, cho biết: “Bộ đồ dùng được lấy ý tưởng từ trò chơi nối hình với bóng, một trò chơi dành cho học sinh tiểu học, được đăng trên một tờ báo thiếu nhi. Chúng tôi đã thay đổi để sáng tạo phù hợp với lứa tuổi mầm non”.

Những cái bóng của các vật dụng, con vật ngộ nghĩnh gần gũi với trẻ được thêu thành đường viền trên những chiếc bảng; và hình vật dụng, con vật tương ứng được làm bằng các miếng dạ nhiều màu sắc. Trẻ sẽ quan sát để chọn những hình phù hợp đặt vào bóng của chúng trên bảng.

Nhưng điểm đặc biệt ở bộ đồ chơi mà học này lại nằm ở những chiếc khuy, chiếc nút áo gắn trên các bóng và miếng dạ màu.

Cô Xuân giải thích: “Chúng tôi luôn chú ý kết hợp rèn khả năng tư duy cho học sinh với việc hình thành kỹ năng. Ví dụ trong bộ đồ dạy học này, trẻ không chỉ luyện khả năng quan sát mà còn luyện cả sự khéo tay, kỹ năng nhỏ trong đời sống. Để đính hình vào bóng, các con phải cài được nút áo vào khuy. Đó là cách để chúng tôi dạy các con biết cài nút áo”.

Cô giáo Trương Thu Huyền cho biết thêm trên mỗi hình vẽ, các cô đều chú ý tạo những chi tiết để trẻ phải tập làm như thắt nơ cho chiếc váy, kéo khóa cho một chiếc áo, đính các chi tiết khác nhau lên trái cây, cánh diều...

Ngoài các hình vẽ đồ vật có trong cuộc sống, còn có các bảng thêu bóng của hình thang, hình thoi, hình tam giác, hình tròn... Từ bóng các hình, trẻ tập gắn cánh diều vào hình thoi, quả bóng gắn vào hình tròn.

“Từ đó các con sẽ nhận biết những hình từ chính vật dụng trong đời sống, chứ không chỉ quan sát hình vẽ đơn điệu” - cô Nguyễn Thị Mai Lan nói.

Ở một bộ đồ dạy học khác, để rèn sự khéo tay cho trẻ, các cô giáo thay thế miếng dán đơn giản bằng những chiếc nút nhiều màu. Bằng cách quan sát, trẻ sẽ khéo léo lắp ráp chúng thành hình bông hoa, con vật vẫn bằng kỹ năng “cài nút vào khuy”.

Mỗi bộ sản phẩm, nhiều đích đến

Một sản phẩm dạy học khác của các cô giáo là bộ tranh ghép đôi. Trên bảng có các ô song song để trẻ ghép một hình tương tự với hình được gài sẵn. Với 50 bộ ghép đôi theo chủ đề như tập đếm số, tìm chữ trong hình, nhận biết về môi trường xung quanh..., người dạy có thể hình thành nhiều bài học sinh động khác nhau cho trẻ như tìm hạt cho quả, tìm chữ cho hình...

Tương tự, với bộ đồ chơi súc sắc, các cô giúp bé làm quen với những kỹ năng cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày. Các bé chơi theo cặp, một bé đổ súc sắc, bé còn lại phải nói đáp án.

Cô Bùi Thị Minh Xuân giải thích: “Trong tất cả các vật dụng cho trẻ chơi, học, chúng tôi đều chú ý đến những chi tiết nhỏ. Như ở chiếc bảng trong bộ đồ chơi súc sắc, hình tròn để các bé nhận biết tâm của bảng, và đổ viên súc sắc đúng vào đó. Hay như chiếc ly đồ chơi, chúng tôi cũng đánh dấu để trẻ biết tâm của đáy ly, khi các con rót nước sẽ điều chỉnh để nước vào đúng tâm, không bị đổ ra ngoài”.

Ở bộ đồ chơi điện thoại, theo cô Nguyễn Thị Hà, ngoài việc giúp các con nhận biết số, cách gọi điện thoại, còn gợi ý cho các con nhớ số điện thoại của ông bà, cha mẹ, người quen... Ngoài ra, trẻ sẽ học cách giao tiếp qua điện thoại, thái độ khi trò chuyện với người lớn...

Theo cô Minh Xuân, với tám bộ đồ dùng học tập này, nhóm tác giả được đánh giá cao không chỉ ở điểm an toàn, giá thành rẻ, tận dụng được những vật liệu gần gũi trong cuộc sống, mà mỗi bộ đồ dùng này có thể thiết kế thành các bài học cụ thể cho trẻ ở từng lứa tuổi mầm non.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết bộ bàn tính được các cô làm từ nắp chai. Nếu một bàn tính của doanh nghiệp bán ra cho các trường học có giá 200.000 đồng/bộ thì bộ bàn tính của các cô chỉ có giá 5.000-6.000 đồng/bộ!

“Bộ bàn tính bán ngoài thị trường đưa vào nhiều tính năng phức tạp, khó sử dụng. Trong khi sản phẩm của chúng tôi tùy theo lứa tuổi mà có thiết kế khác nhau cho phù hợp, dễ dùng và cũng dễ làm” - cô Minh Xuân cho biết.

Theo cô Nguyễn Ngọc Ánh - phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của Trường mầm non Xuân Tảo, tự làm đồ dùng dạy học là nhiệm vụ mà tất cả các cô giáo mầm non phải thực hiện.

“Từ ý tưởng của một nhóm cô giáo, chúng tôi bàn bạc, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, để các cô khác cũng có thể tự làm; sau đó nhân rộng hơn, sử dụng các bộ đồ nói trên vào việc dạy học hằng ngày của trường và chia sẻ với các trường bạn trong quận” - cô Ánh cho biết.

Gia hạn thời gian nhận sản phẩm dự thi đến ngày 15-10

Để tạo thêm điều kiện cho nhiều đối tượng tham gia chương trình, trong đó có quý thầy cô vừa trở lại trường lớp sau những ngày hè, ban tổ chức chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” sẽ gia hạn thời gian nhận sản phẩm dự thi đến ngày 15-10-2016 (thay vì ngày 30-9 như thông tin ban đầu).

Chương trình khuyến khích mọi đối tượng thanh niên, trí thức trẻ là công dân Việt Nam dưới 35 tuổi tham gia đóng góp các công trình, sáng kiến, ứng dụng vào thực tiễn dạy học nói riêng và hoạt động giáo dục nói chung trong các nhà trường.

Hồ sơ gửi về: Ban thanh niên trường học, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, số 64 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. ĐT: 0462631852, website: trithuctre.doanthanhnien.vn; email: trithuctrevigiaoduc@gmail.com.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên