21/06/2017 09:20 GMT+7

'Rút ruột' cùng Tuổi Trẻ

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TTO - Nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), nhiều bạn đọc cũng như cộng tác viên đã chân thành góp ý thẳng thắn với Tuổi Trẻ, mong muốn tờ báo hôm nay luôn hay hơn tờ báo hôm qua.

*** Error ***
Cô nguyễn Thanh Huyền - Ảnh: Hữu Khoa


* Cô nguyễn Thanh Huyền (giảng viên khoa báo chí Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội):

Phát triển mạnh hơn báo chí công dân

Tôi rất hứng thú với xu hướng báo chí công dân, bạn đọc cùng làm báo. Phản hồi của bạn đọc không chỉ làm nên dư luận, bạn đọc còn cung cấp những chuyên gia để phân tích, đánh giá sự kiện hiện tại, đối chiếu, dự báo những diễn tiến trong tương lai, tìm và đề xuất giải pháp cho các vấn nạn trên đường phát triển.

Xu thế của mạng xã hội đang tạo những áp lực rất lớn cho báo in, có thể nói là áp lực sống - còn, phát triển báo chí công dân đang cho chúng ta một giải pháp tốt. Tôi rất mong Tuổi Trẻ sẽ sáng tạo hơn nữa để chúng ta ngày càng có nhiều nhà báo công dân đáng tin cậy.

Điều đó sẽ là một động lực rất lớn thúc đẩy công bằng và dân chủ trong xã hội.

Bác sĩ Cao Xuân Minh - Ảnh: FBNV
Bác sĩ Cao Xuân Minh - Ảnh: FBNV

* Bác sĩ Cao Xuân Minh:

Phải khoa học, khách quan, công bằng...

Phải nói thật là gần đây tôi có vài điều chưa hài lòng khi đọc một số bài báo trên Tuổi Trẻ. Dù không hài lòng nhưng lại rất yêu quý nên tôi có một số góp ý:

- Khi viết về những vấn đề có chuyên môn sâu nhưng lại có tính đại chúng (như y khoa chẳng hạn), nhất thiết phải có ý kiến thật nghiêm túc của các chuyên gia trong lĩnh vực để đảm bảo tính chính xác, khoa học. Sẽ rất nguy hiểm khi báo đăng tải những ý kiến võ đoán của người không chuyên môn hoặc nghiên cứu khác lĩnh vực.

- Khi tổ chức diễn đàn đăng ý kiến nhiều chiều hay phản biện một quan điểm chính sách, cần nhất là giữ được thái độ bình tĩnh, khách quan, khoa học, công bằng, tôn trọng sự khác biệt. Có như vậy mới xem xét được vấn đề ở nhiều khía cạnh, tìm ra được sự thật và bản chất vấn đề, đồng thời đề xuất được giải pháp tốt nhất.

- Khi viết những bài điều tra chống tiêu cực phải rất cẩn trọng để đảm bảo tính chính xác, còn khi viết về những tấm gương người tốt - việc tốt cũng phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng thì bài báo mới có sức thuyết phục. Một bài báo dễ dãi không thể mang lại điều tốt đẹp cho cuộc đời.

Anh Hữu Chơn (công an):

Rất đáng tiếc khi đọc cải chính

Mỗi lần đọc một cái cải chính trên tờ báo mà mình yêu quý, tôi cảm thấy rất đáng tiếc, hầu hết đó là những lỗi hoàn toàn có thể tránh được. Báo cần đưa tin nhanh, nhưng chính xác càng cần thiết hơn, đừng vì áp lực tin nóng mà bỏ qua các bước xác minh, đôi khi là rất căn bản.

Tôi cũng mong báo có những bài phân tích mang tính cảnh báo nhiều hơn, đừng để đến khi vấn nạn quá nặng nề rồi mới lên tiếng thì xã hội đã phải chịu quá nhiều thiệt hại.

Chị Triệu Ngọc Diệp (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM):

Đừng bỏ dở, đừng nhỏ giọt

Tuổi Trẻ có những loạt bài hay, nhưng có khi phải đến loạt bài thứ ba, thứ tư, trải qua nhiều năm mới thấy được phản hồi. Có phải những lần trước đó chúng ta chưa đủ dấn thân, chất vấn chưa đủ mạnh mẽ?

Tôi mong Tuổi Trẻ có cái nhìn xa hơn, chuẩn bị tư liệu, tài liệu hệ thống hơn để phán đoán và kịp thời phản ánh được những nơi, những sự việc cần lên tiếng. Hãy mạnh dạn huy động tổng lực để có những tuyến bài liên tục, tạo sóng rộng dòng sâu, đừng bỏ dở, đừng nhỏ giọt.

Anh H.V.TH. (An Giang):

Đi đến cùng sự thật

Tôi muốn đọc những bài báo đi đến hết những câu hỏi bạn đọc đặt ra, đi đến tận cùng của sự thật. Tôi mong muốn cái đích cuối cùng của các bài báo chính trị - xã hội là sự thượng tôn pháp luật, lẽ phải và công lý.

Tôi biết có những giới hạn của nhà báo, bài báo, tờ báo, nhưng tin rằng sự thật sẽ có cách tiếp cận, những vấn đề nhạy cảm vẫn có cách hóa giải. Đôi khi bản thân tôi cũng tìm cách rướn lên, vượt lên những ràng buộc của công việc để tham gia cùng làm báo với Tuổi Trẻ.

Tôi quan niệm: muốn đọc báo hay thì cũng phải góp phần, không chỉ đòi hỏi với tư cách người đọc.

GS Trần Hữu Tá - Ảnh: Tự Trung
GS Trần Hữu Tá - Ảnh: Tự Trung

GS Trần Hữu Tá:

Những ý kiến trái chiều cũng rất có ích

Là một thầy giáo, tôi luôn thích thú với những cuộc thảo luận cho ta nhiều góc nhìn, nhiều màu sắc, dẫn tới nhiều con đường tìm sự thật, nhiều tầng nấc của bản chất sự việc. Cả những ý kiến trái chiều cũng rất có ích trong việc nhìn nhận đúng và tìm ra giải pháp hay.

Báo chí không chỉ phản ánh và kể chuyện. Báo chí của hôm nay và ngày mai phải giúp mỗi người có được cái nhìn đúng đắn, chọn lựa được những gì làm đẹp cuộc đời.

Ông Trần Kiêm Hạ - Ảnh: G.TIẾN
Ông Trần Kiêm Hạ - Ảnh: G.TIẾN

Ông Trần Kiêm Hạ (tài xế):

Có trách nhiệm trước cộng đồng

Trước một vấn đề ngang trái làm ảnh hưởng cuộc sống người dân thì mọi người đều phải có trách nhiệm phản ảnh với cơ quan báo chí bằng nhiều hình thức như gọi điện thoại, viết bài...

Từ suy nghĩ đó, trong phạm vi nghề nghiệp của mình, tôi viết loạt bài “Cuộc đời sau tay lái” nói lên sự tắc trách của anh em lái xe để gây ra những vụ tai nạn kinh hoàng, mà lẽ ra chỉ cần chú ý một chút là có thể tránh được...

Được sự chia sẻ của Tuổi Trẻ và sự đồng cảm của bạn đọc, tôi nhận ra rằng bất kỳ một vấn đề nào đem lại lợi ích cho cộng đồng thì luôn được xã hội hoan nghênh và nhà chức trách tiếp nhận một cách cầu thị.

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên