07/11/2016 16:28 GMT+7

​Ruột thừa mà không thừa

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Ruột thừa là một thành phần bên trong cơ thể, có hình như con giun dài từ 3cm - 13cm. Ruột thừa dính với phần đầu manh tràng của ruột già.

Có quan niệm cũ cho rằng ruột thừa không có chức năng gì cho cơ thể, có lẽ vì thế nên nó mới có tên là ruột thừa. Nhưng theo những nghiên cứu gần đây, 2 nhà khoa học William Parker và Randal Bollinger thuộc trường Đại học Duke (North Carolina, Hoa Kỳ) đã cho thấy ruột thừa có vai trò nhất định trong hệ tiêu hóa. 

Trong hệ thống ống tiêu hóa, có lớp màng vi khuẩn có lợi sống cộng sinh và nắm vai trò thiết yếu trong việc lên men thức ăn, tổng hợp vitamin. Điều đặc biệt là chính ruột thừa là nơi tập trung lượng vi khuẩn này nhiều nhất, có thể coi là kho dự trữ lớn cho những trường hợp cần thiết. Như trong trường hợp tiêu chảy nặng, hệ tiêu hóa bị mất một lượng lớn vi khuẩn có ích thì lúc này ruột thừa sẽ “mở kho” cung ứng vi khuẩn, giúp thiết lập lại trật tự ổn định môi trường đường ruột. 

Như vậy, có thể thấy ruột thừa tuy không phải là bộ phận thường xuyên tham gia vào các hoạt động trao đổi, chuyển hóa trong cơ thể nhưng nó cũng không phải vô ích. Nó chỉ phát huy tác dụng trong rất ít các  trường hợp cần thiết, còn lại đa phần là nằm im.

Bình thường ruột thừa nằm rất “ngoan”, ít khi “giở chứng” gây khó chịu cho cơ thể. Tuy nhiên, chỉ cần có một “nhân vật” ngoại lai vô tình đi lạc vào ruột thừa, có thể là chất dịch nhầy, phân từ manh tràng đi vào là “ông anh ruột” này thức giấc, “quậy tưng bừng” khiến tính mạng con người có thể bị nguy hiểm nếu không được xử lý sớm. Đó là khi ruột thừa bị viêm, bắt buộc phải mổ cấp cứu để cắt bỏ. 

Khi ruột thừa bị viêm cơ thể thường có các dấu hiệu như: đau bụng, thường đau quanh vùng rốn, sau đó đau ở vùng bụng dưới bên phải; tình trạng đau bụng

càng nghiêm trọng hơn theo thời gian hoặc trong khi chuyển động, hắt hơi, ho hoặc thở sâu; buồn nôn hoặc nôn mửa và ăn không ngon; bị tiêu chảy hoặc táo bón và không thể đánh hơi; sốt nhẹ; sưng phồng ở vùng bụng. Khi thấy cơ thể có những dấu hiệu này cần đến ngay các cơ sở y tế để theo dõi. Nếu đúng là bị viêm ruột thừa mà không được phẫu thuật sớm sẽ khiến khối viêm vỡ ra, ổ nhiễm trùng lan ra toàn ổ bụng rất nguy hiểm.

Sau mổ cắt bỏ ruột thừa không cần ăn kiêng quá mức. Chỉ cần chú ý đường tiêu hóa chưa thể hồi phục hoàn toàn về chức năng nên trong chế độ ăn nên ăn những thức ăn dễ tiêu, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày. Không dùng rượu, bia. Không ăn đồ sống. Hạn chế các đồ ăn chua, cay, nóng, các đồ ăn gây dị ứng.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: ruột thừa