Rồng Cơ Tu

TẤN VỊNH - HUỲNH VĂN MỸ 25/01/2012 21:01 GMT+7

TTCT - Hình tượng con rồng được người Cơ Tu thể hiện đầy biến hóa, sinh động qua các tác phẩm điêu khắc, vẽ, dệt thêu ở khắp bản làng. Rồng Cơ Tu còn là khát vọng vươn tới của những con người sống giữa đại ngàn Trường Sơn.

Tranh rồng trang trí trong nhà làng (gươl) - Ảnh: Tấn Vịnh

Theo một số già làng Cơ Tu, con rồng được du nhập vào đời sống văn hóa của họ không lâu nhưng nhanh chóng được họ yêu chuộng rồi “bản địa hóa” chúng để làm giàu cho nguồn vốn văn hóa truyền thống của mình. Linh vật đứng đầu bộ “tứ linh” của người Kinh được người Cơ Tu thêm thắt màu sắc huyền thoại với tên gọi riêng “dâng grai” hay “bhơdưa” theo từng vùng.

Dâng grai là rồng trong tư thế uốn lượn trên mây khá giống với con rồng của người Kinh, được trang trí ở nhà làng (gươl), nhà mồ (ping); còn bhơdưa là rồng nước có cái đầu và bộ chân của gà trống, thân mình mềm mại của rắn và cái đuôi thướt tha uốn lượn của cá. Truyền thuyết kể rằng bhơdưa có nhiệm vụ gìn giữ cái hũ của thần nước nên chỉ sống ở vùng đầm lầy, ao hồ, sông suối...

Trong làng, nếu người nào có ý nghĩ, lời nói hoặc việc làm xấu xa, độc ác thì khi qua những vùng có nước sẽ bị rồng nước trừng phạt, hút máu cho đến chết. Sự hiển linh của rồng nước có tác dụng răn đe, giáo dục những người sống trong buôn làng, cộng đồng: phải ăn ở hòa thuận, suy nghĩ trong sáng, không nói và làm điều xấu, điều ác để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bằng rìu rựa và chiếc đục thô, bằng cọ và phẩm màu từ cây rừng, những tác phẩm điêu khắc, vẽ rồng của các nghệ nhân Cơ Tu thật biểu cảm, sống động như cách họ diễn đạt: “Con rồng nó đẹp sẵn rồi. Nó biết bay biết múa thì mình cũng phải tập bay tập múa cái rựa cái cây cọ như nó mới có con rồng đẹp theo cái ý mình được...”.

Phù điêu rồng trên tấm ván thưng mặt tiền nhà làng - Ảnh: Tấn Vịnh

Người miền xuôi tạo hình rồng ở đình chùa miếu mạo, còn người Cơ Tu trang trí gươl bằng những hình rồng lớn được điêu khắc công phu trên nóc để cầu cho nóc làng bình yên, phát đạt, mưa thuận gió hòa, được mùa vụ. Những môtip điêu khắc rồng cho nóc gươl, nóc ping được ưa chuộng nhất là “lưỡng long chầu nguyệt” giống như của người Kinh, dù có được cách điệu một chút.

Rồng trấn ở ping cũng là để cầu mong cho mộ phần được yên ổn, linh hồn người khuất được thần linh che chở, hộ trì. Hình ảnh con rồng cũng được khắc họa với nhiều dáng vẻ sinh động trên các tấm ván thưng mặt tiền của gươl, trên các xà ngang, cột cái, bức vách...

Ngoài vẽ hình rồng trên những ché gỗ cùng một số vật dụng khác để trang trí trong nhà, những nghệ nhân Cơ Tu còn dùng cườm tấm để tạo hình những con rồng lung linh trên tấm thổ cẩm.

Tranh rồng vẽ trên ché gỗ - Ảnh: Tấn Vịnh

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận