27/11/2017 16:54 GMT+7

Rất nhiều đề xuất cải tiến tiếng Việt đã bị bác bỏ

TRẦN HUỲNH ghi
TRẦN HUỲNH ghi

TTO - Liên quan đề xuất cải tiến tiếng Việt của ông Bùi Hiền, một số nhà ngôn ngữ học cho biết cả trăm năm qua có rất nhiều người, nhiều đề án yêu cầu cải tiến chữ Quốc ngữ nhưng đều bị bác bỏ.

Rất nhiều đề xuất cải tiến tiếng Việt đã bị bác bỏ - Ảnh 1.

PGS-TS Bùi Hiền đưa ra đề xuất trong bài viết Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế đăng trong cuốn Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập phát triển tập 1, do NXB Dân trí phát hành tháng 6-2017

Theo GS.TS Nguyễn Đức Dân - nguyên tổ trưởng tổ bộ môn Ngôn ngữ, khoa Ngữ văn - Báo chí (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM), nguyên phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, những chuyện bất hợp lý của chữ Quốc ngữ đã được nêu ra từ năm 1960. 

Chỉ cần bổ sung một số con chữ

Từ đó đến nay cũng có rất nhiều người tiếp tục nêu lên những điểm bất hợp lý của chữ Quốc ngữ. 

Tuy nhiên, chữ Quốc ngữ hiện nay đã ổn định và những đề nghị về sự bất hợp lý đó thường không được thực hiện. 

"Mặc dù đã ổn định rồi nhưng vẫn còn thiếu một số con chữ, ví dụ như chữ W, J, Z… dùng để miêu tả một số tên riêng nước ngoài. Vì vậy, theo tôi chỉ cần thêm một số ký tự này thôi chứ không nhất thiết phải cải tiến chữ Quốc ngữ. 

Bây giờ chữ Quốc ngữ đã có cả một kho sách, báo chí, văn học, tài liệu… rất đồ sộ rồi, nếu cải tiến sẽ mất nhiều thời gian, tốn bao nhiêu công sức để chỉnh sửa lại", GS.TS Nguyễn Đức Dân phân tích.

Ông cũng cho rằng việc viết chữ Quốc ngữ hiện nay "đã thành thói quen rồi, cải tiến sao được nữa", nên ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ là không khả thi. 

"Có thể có ý kiến nào đó tương đối đúng nhưng cải tiến một chữ để mất hàng bao nhiêu tỉ đồng để sửa lại sách, tài liệu và thói quen sử dụng như thế là không được", ông Dân khẳng định.

Đề xuất của ông Hiền xa lạ quá

Ông Trần Chút - nguyên chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM, thì cho rằng đề xuất của ông Bùi Hiền "xa lạ quá". 

Ông Chút phân tích: Hiện tượng bất hợp lý của tiếng Việt lâu nay nhiều người đã thấy rồi. Kể cả những người bình thường nhất cũng thấy việc này chứ không riêng gì các nhà khoa học.

Qua cả trăm năm nay cũng đã có rất nhiều người, nhiều đề án đưa ra yêu cầu phải cải tiến chữ Quốc ngữ nhưng tính đi tính lại đều bị bác bỏ, không thực hiện được.

Đối với những đề xuất của ông Bùi Hiền, về nguyên tắc tôi thấy không có gì mới. Vì những việc ông Hiền nêu lên người khác cũng đã thấy lâu nay rồi. Chỉ có điều, phương án điều chỉnh tiếng Việt của ông Hiền đưa ra hơi xa lạ quá. 

Nó xa lạ với cách hiểu của nhiều người lâu nay về cải tiến chữ Quốc ngữ và xa lạ cả với hệ thống ngôn ngữ dùng chữ Latinh. Cho nên sự phản ứng khá gay gắt của dư luận về đề xuất của ông Hiền theo tôi cũng là bình thường. 

Bên cạnh đó cũng có luồng ý kiến ủng hộ đề xuất của ông Hiền. Tôi cho rằng trong học thuật phải tôn trọng cả hai luồng ý kiến này. Tức là một bên phải tôn trọng tự do đề xuất ý kiến và một bên phải tôn trọng các ý kiến phản biện.

Theo tôi, đối với người đề xuất, ngoài tự do học thuật cần phải có trách nhiệm xã hội và người phản biện cũng thế. Thực tế cho thấy không phải cái mới nào cũng đúng.

Về phía dư luận cũng không nên quá băn khoăn, lo ngại việc này vì đây chỉ là đề xuất của một cá nhân. Đây không phải là phương án có tính Nhà nước. Cải cách chữ viết là vấn đề lớn phải được Quốc hội thông qua.

Trách nhiệm của các nhà khoa học nói chung và các nhà ngôn ngữ học sẽ phát huy tác dụng nếu như đề xuất này nếu có ý định trình lên cấp nào đó. Khi đó các nhà ngôn ngữ sẽ có ý kiến chính thức dưới góc độ khoa học.

TRẦN HUỲNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên