09/04/2004 06:09 GMT+7

Rạch Giá: Dân kêu trời vì thiếu nước sinh hoạt

HOÀNG TRÍ DŨNG
HOÀNG TRÍ DŨNG

TT - Thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, đang nỗ lực để trở thành một thành phố loại ba. Thế nhưng từ nhiều năm qua, đặc biệt liên tục trong gần một tuần nay, trên 200.000 dân ở thành phố tương lai này đang phải sống cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

2wBIwSJc.jpgPhóng to
TT - Thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, đang nỗ lực để trở thành một thành phố loại ba. Thế nhưng từ nhiều năm qua, đặc biệt liên tục trong gần một tuần nay, trên 200.000 dân ở thành phố tương lai này đang phải sống cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Dân khốn khổ vì thiếu nước

Chị Mai Thị Rơi, nhà ở phường Vĩnh Quang, thị xã Rạch Giá, bưng hai thau đồ khệ nệ ra bờ sông cạnh cầu số 1 lắc đầu ngao ngán bảo: “Cả chục năm sống ở thị xã này, hầu như vài ba năm lại có một lần hạn, nhưng đâu có thiếu nước trầm trọng như bây giờ. Ba ngày nay vòi nước nhà tui không chảy được giọt nào”.

Chị cho biết nhà chị còn đỡ chứ một số gia đình khác lân cận còn bi đát hơn, họ đã phải đi mua nước mưa với giá cắt cổ 2.000 đồng/xô về xài.

Anh La Văn Thông - cán bộ công tác ở Công ty Du lịch tỉnh, ngụ tại hẻm 663/8 Mạc Cửu, phường Vĩnh Quang - nói rằng cả khu tập thể Trường Tài chính hẻm 663 có chừng hơn 50 gia đình, mấy ngày nay phải sống trong cảnh không có nước tắm, giặt...

Hai hôm nay một số gia đình đã mua can nhựa vào cơ quan xin nước hoặc chia lại nhà bạn bè có bồn trữ nước mưa để về xài tạm vào việc nấu ăn.

Thầy giáo Minh Hào, công tác ở Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, hiện ngụ ở đường Quang Trung, phường Vĩnh Quang, thở dài nói: “Nhà tôi bị cúp nước gần cả tuần nay, điện hỏi ông cấp nước thì họ bảo đâu có cúp, nước vẫn chảy mà! Tôi thắc mắc nhiều lần thì họ hứa cho người kiểm tra lại nhưng chờ hoài hổng thấy trả lời”.

Còn anh Dương Văn Sữa, quản lý khách sạn Kim Có ở phường Vĩnh Thanh Vân, leo lên tận lầu bốn kiểm tra bồn chứa nước xong trở xuống với vẻ mặt đầy căng thẳng: “Đâu có biết cúp nước kiểu này nên chưa kịp bơm trữ, bây giờ nước chỉ đủ phục vụ được vài ngày nữa, nguy thật”...

Bệnh viện cũng không có nước

Sáng 8-4-2004 chúng tôi vào Bệnh viện đa khoa Kiên Giang, nơi thường xuyên có mặt khoảng trên 4.000 người bệnh và thân nhân nuôi bệnh. Bác sĩ Hồ Quang Khải - trưởng phòng quản trị kiêm trưởng khoa nhiễm - thông báo tin sửng sốt: “Từ 9g sáng 7-4-2004 toàn bộ các khoa phòng của Bệnh viện đa khoa Kiên Giang đã không được cấp nước sử dụng”.

Việc ngưng cấp nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều trị bệnh nhân, đặc biệt là việc sát trùng các trang thiết bị y khoa. Bệnh viện có nhu cầu sử dụng mỗi ngày khoảng trên 70m3 nước. Tuy nhiên, hai ngày nay các máy bơm của bệnh viện bơm liên tục cũng chỉ có thể cung cấp khoảng 20m3/ngày (nghĩa là chỉ đáp ứng được 25% lượng nước bệnh viện cần). Nếu tình trạng này kéo dài thì chưa thể lường hết hậu quả.

Chúng tôi thử vào một số khu vệ sinh công cộng của bệnh viện, nhìn thấy cảnh mất vệ sinh quá sức tưởng tượng đã xảy ra, hầu hết nhà cầu đều bị nghẹt vì thiếu nước, mùi hôi thối nồng nặc. Tại khu vệ sinh khoa ung bướu, cửa nhà cầu đã được khóa chặt.

Chị Nguyễn Bạch Hoa, hộ lý tổ làm vệ sinh bệnh viện đang đứng trấn ải tại cửa ra vào khu vệ sinh này, cho biết: “Hết nước hai hôm rày nên tui đành phải khóa cầu lại. Cầu chỉ ưu tiên cho người bệnh”.

Có thể nói tình hình thiếu nước sinh hoạt ở thị xã Rạch Giá vốn rất gay gắt. Năm nay nắng hạn, nạn thiếu nước lại càng trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết.

Vì sao Rạch Giá thiếu nước?

Sáng 8-4, Tuổi Trẻ đã trao đổi nhanh với ông Nguyễn Đức Hiền, giám đốc Công ty Cấp thoát nước Kiên Giang. Ông Hiền cho biết:

- Năm nay do không có lũ về, lượng nước ngọt trên dòng sông Mekong thấp, mặn xâm nhập sâu hơn nhiều năm. Mặt khác hiện nay bà con nông dân đang vào vụ canh tác nên từ ngày 31-3-2004 đến nay các điểm lấy nước của công ty cung cấp nước cho địa bàn thị xã Rạch Giá đã không thu được nước, khiến hồ chứa nước chính của công ty tại thị xã Rạch Giá (sức chứa khoảng 60.000m3) đã cạn.

Công ty buộc phải giảm công suất cấp nước xuống chỉ còn 60% so với trước đây, một số khu vực phải cúp nước cục bộ.

* Tình trạng cúp nước cục bộ sẽ còn kéo dài đến bao giờ, thưa ông?

- Hiện nay toàn thể cán bộ công nhân viên công ty chúng tôi đã tập trung cao độ, túc trực 24/24 giờ để cố thu nước về phục vụ bà con.

Tuy nhiên, cho đến sáng 8-4, tại các điểm thu nước ở trên kênh Rạch Giá - Long Xuyên vẫn còn bị mặn xâm nhập sâu và độ mặn quá cao (vượt trên 3.000 miligam/lít) so với mức cho phép, vì thế công ty chưa thể thu được nước. Hi vọng trong ngày mai và các ngày tới tình hình sẽ sáng sủa hơn, nếu không thì rất căng thẳng.

Hiện hồ chứa nước chỉ đủ cung cấp rất hạn chế cho ba phường gồm: Vĩnh Thanh, Vĩnh Quang và Vĩnh Thanh Vân cho đến ngày 9-4.

Nếu tình hình xấu nhất xảy ra, tức là đến ngày 10-4 mà vẫn không thu được nước thì chúng tôi sẽ phải ngừng cấp nước từ hồ chứa, điều tiết một phần lượng nước ở các giếng nước ngầm hiện đang cung cấp cho bốn phường còn lại. Việc cấp nước sẽ ổn định trở lại khi nào mặn giảm, chúng tôi thu được nước.

* Nhưng thưa ông, liệu các giếng nước ngầm này có đảm bảo chất lượng?

- Đúng là để người dân phải sử dụng nước ngầm là bất khả kháng. Hiện tại chúng tôi có tám giếng nước ngầm đang cung cấp cho bốn phường (Vĩnh Lạc, Vĩnh Bảo, An Hòa và Rạch Sỏi) khoảng 9.000m3/ngày.

Trong số này có khoảng 6.000m3 đã được chúng tôi xử lý đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Nhưng hiện còn khoảng 3.000m3 nước chúng tôi chưa xử lý nổi và vẫn đang phải sử dụng.

Mặc dù chưa có thông tin về ảnh hưởng sức khỏe, nhưng về cảm quan thì ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt do nước có màu vàng, khi sử dụng hơi rít, khó chịu.

* Nhưng người dân thắc mắc là tại sao năm nào “điệp khúc” thiếu nước vẫn cứ được lặp đi lặp lại?

- Chúng tôi cũng rất đồng cảm với lo lắng của người dân. Từ đầu năm 2004 tỉnh đã triển khai một dự án vay vốn Ngân hàng Á Châu khoảng 13 tỉ đồng, xây dựng hồ chứa nước công suất khoảng 500.000m3 tại xã Phi Thông.

Hiện giải tỏa mặt bằng đã xong, đang triển khai công đoạn đấu thầu. Hi vọng dự án sẽ được xúc tiến nhanh hơn để vài năm tới thị xã Rạch Giá sẽ bớt căng thẳng vì “điệp khúc” thiếu nước.

* Xin cảm ơn ông.

HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên