19/10/2015 12:18 GMT+7

Ra mắt sách Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 - 1975

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TT - Buổi ra mắt đã có những giây phút vang rộn tiếng hát “mộc” và tiếng vỗ tay đánh nhịp, vừa ngẫu hứng và cũng thật xúc động, đưa mọi người quay về với không khí của phong trào đô thị dạo nào...

Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: L.ĐIỀN
Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: L.Điền

Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm - vị thủ lĩnh thanh niên, nguyên chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn - Gia Định, ông Lê Văn Thuyên - nguyên chủ tịch Tổng hội Sinh viên Huế 1971 - 1972, ông Nguyễn Kim Dũng - nguyên bí thư Thành ủy Huế, nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhà thơ Võ Quê, nhạc sĩ Miên Đức Thắng... đã cùng chia sẻ về một thời tuổi trẻ sôi nổi đầy máu lửa tại buổi ra mắt tập sách Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 - 1975 vào sáng 18-10 tại NXB Trẻ.

Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 - 1975 dày gần 500 trang khổ lớn (19 x 26cm), với các phần nội dung: Khái quát phong trào đô thị Huế 1954 - 1975; Chính sách Ngô Đình Diệm ở Thừa Thiên và Huế, phong trào đô thị Huế trước 1963, phong trào Phật giáo Huế 1963; Các phong trào chống Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương, Mỹ - Thiệu - Kỳ, phong trào sau sự kiện “Biến động miền Trung”, phong trào nổi dậy Xuân 1968, phòng trào chống bắt lính, đoàn ngũ hóa thanh niên, sinh viên học sinh và quân sự hóa học đường...

Sách có nhiều ảnh tư liệu về báo chí, các vở kịch, chương trình văn nghệ... trong phong trào đô thị, đặc biệt có ảnh chụp bốn bức tranh bút sắt của họa sĩ Bửu Chỉ trong số các tranh trong phong trào tranh đấu lúc bấy giờ.

LAM ĐIỀN

* Hòa nhạc gây quỹ hỗ trợ xe lăn

Đêm hòa nhạc với chủ đề Từ Baroque đến Broadway sẽ diễn ra vào 19g30 ngày 24-10 tại Nhạc viện TP.HCM với mục đích quyên góp cho quỹ hỗ trợ xe lăn cho người khuyết tật.

Nhận lời mời của Tổ chức Kids First Enterprise, 22 nghệ sĩ trẻ của Saigon Chamber Music sẽ trình diễn một nhạc mục đa dạng, giao thoa giữa âm nhạc hàn lâm và đại chúng, với 16 tác phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc Bach, Shostakovich, Debussy, Mendelssohn, Rachmaninov...

Chỉ huy các tác phẩm dàn nhạc dây sẽ là thầy giáo Ian Alexander - giám đốc âm nhạc của Trường British International.

CHI ANH

* Nói lý, hát lý người Cơ Tu trở thành di sản quốc gia

Bộ VH-TT&DL vừa công bố danh mục 17 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có nói lý, hát lý của người Cơ Tu ở các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang (Quảng Nam).

Nói lý, hát lý truyền thống (có tên p'rá pr'ma-têng bhanoóch) là một loại hình nghệ thuật ứng tác, truyền khẩu rất độc đáo của người Cơ Tu và được các bậc cao niên ở các làng, buôn gìn giữ cẩn trọng, thường sử dụng nhiều ở lễ hội, đám cưới.

Nói lý, hát lý thường rất nhiều lớp nghĩa, ý càng sâu, kín đáo, đối thủ không đối lại được thì càng chứng tỏ tài năng của người hát.

LÊ TRUNG - NGUYÊN ĐĂNG

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên