02/02/2010 02:20 GMT+7

Quyền lợi của người làm chứng chưa được bảo đảm

 PHẠM THÁI QUÝ(tỉnh Quảng Bình)
 PHẠM THÁI QUÝ(tỉnh Quảng Bình)

TT - Quy định về quyền của người làm chứng là một trong những điểm mới và tiến bộ của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004. Tuy vậy, đã trải qua sáu năm nhưng quy định này vẫn chưa thể thực hiện.

Người làm chứng là người biết được các tình tiết liên quan đến vụ án mà tòa án giải quyết. Do đó lời khai của người làm chứng là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng để tòa án giải quyết vụ án dân sự.

Theo quy định trước đây, người làm chứng chỉ có nghĩa vụ khai báo trung thực mà không có bất kỳ quyền lợi gì. Khắc phục những hạn chế đó, tại điều 66 BLTTDS đã bổ sung các quyền của người làm chứng như quyền được hưởng các khoản phí đi lại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật; quyền được yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác.

Thứ nhất, về chi phí cho người làm chứng: điều 143 của BLTTDS quy định “chi phí hợp lý và thực tế cho người làm chứng do đương sự chịu”. Cụ thể: “Người đề nghị tòa án triệu tập người làm chứng phải chịu tiền chi phí cho người làm chứng nếu lời làm chứng phù hợp sự thật nhưng không đúng với yêu cầu của người đề nghị.

Trong trường hợp lời làm chứng phù hợp với sự thật và đúng với yêu cầu của người đề nghị triệu tập người làm chứng thì chi phí này do đương sự có yêu cầu độc lập với yêu cầu của người đề nghị chịu”.

BLTTDS không có quy định về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng đối với chi phí cho người làm chứng. Như vậy, việc buộc đương sự thực hiện nghĩa vụ nộp tiền chi phí làm chứng chỉ có thể thực hiện sau khi tòa án đã giải quyết xong vụ án. Thực tế cho thấy việc một người thua kiện còn phải chịu thêm một khoản tiền chi trả cho người làm chứng là điều rất khó tự giác thực hiện. Trong khi đó, cơ quan nào có quyền cưỡng chế thi hành và cưỡng chế theo thủ tục nào vẫn chưa có quy định rõ.

Thứ hai, việc thực hiện bảo vệ cho người làm chứng: nếu lời khai của người làm chứng có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, đồng nghĩa với việc sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của một trong các bên đương sự nên người làm chứng không tránh khỏi nguy cơ bị trả thù. Tại khoản 6 điều 66 BLTTDS quy định người làm chứng có quyền “yêu cầu tòa án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng”.

Quy định này còn quá khó để thực hiện, khi công việc quá tải, thực tế nhiều khi không tự bảo vệ nổi mình thì làm sao tòa án có thể đảm đương được nhiệm vụ bảo vệ người làm chứng? Còn “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” là cơ quan nào thì hiện đang bỏ ngỏ.

Đến nay vẫn chưa có văn bản dưới luật để quy định và hướng dẫn cụ thể quyền của người làm chứng. “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” và chưa có “bùa hộ mệnh” để yên tâm khi tham gia tố tụng, dẫn đến việc người làm chứng thường trốn tránh tham gia tố tụng, gây ảnh hưởng đến hoạt động xét xử của ngành tòa án...

 PHẠM THÁI QUÝ(tỉnh Quảng Bình)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên