23/09/2013 04:11 GMT+7

Quỹ hội phụ huynh là của ai?

DUYÊN HÀ (Biên Hòa, Đồng Nai)
DUYÊN HÀ (Biên Hòa, Đồng Nai)

TT - Lâu nay khi nói về nạn lạm thu tiền trường, người ta thường quên mất việc có cánh tay nối dài là hội phụ huynh. Nếu không có hội phụ huynh thì trường khó có thể làm được gì. Tuổi Trẻ đã chỉ ra đúng “tâm điểm” của vấn đề.

Sau bài viết “Mượn tay hội phụ huynh để thu tiền trường” (Tuổi Trẻ ngày 21-9) phản ánh câu chuyện thu tiền đầu năm học tại TP.HCM, Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc ở các tỉnh, thành phố về vấn đề này.

Mới đây, đi họp phụ huynh cho cậu con trai học lớp 9 ở một trường THCS về, anh bạn tôi cho biết nghe đài, đọc báo thấy Bộ GD-ĐT ra quy định không thu quỹ cho việc thuê mướn vệ sinh trường lớp, sửa chữa cơ sở vật chất, nhưng trường vẫn cứ bắt cha mẹ học sinh đóng. Có hỏi thì mấy vị trong hội phụ huynh lớp trả lời là nhà trường đã thống nhất thu, không thể khác được. Nghịch lý là thu theo hình thức “cào bằng”, ai cũng như ai không kể giàu nghèo, khó khăn. Tiền là một chuyện, cái chính là phải cho con trẻ tự phục vụ, phải giáo dục ý thức yêu lao động, biết quý trọng sức lao động. Lớp 9 rồi mà không cho các em tự quét dọn vệ sinh lớp. Phải chăng nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm về việc quá bảo bọc để học trò thành “gà công nghiệp”?

Mỗi năm lại có nhiều loại quỹ được các trường “sáng tạo” như quỹ phục vụ, bảo quản thiết bị giảng dạy, phí vệ sinh phòng máy, phòng chức năng... Ngân sách dành cho giáo dục năm nào cũng trên 20%, nhưng ở đâu cũng kêu thiếu và cái cọc để nhà trường bám víu lại là quỹ phụ huynh.

Có nên như vậy không?

Trong các khoản thu đầu năm học có khoản quỹ lớp phải nộp là 100.000 đồng. Một phụ huynh thắc mắc là nhiều gấp đôi so với năm học trước thì cô giáo chủ nhiệm trình bày: quỹ lớp gồm tiền mua dụng cụ và thiết bị trang trí lớp, tiền mua 3kg giấy báo vụn, tiền “nuôi heo đất” của lớp..., phụ huynh cứ đóng thành tiền cho tiện. Thiết nghĩ phong trào “chúng em làm kế hoạch nhỏ”, phong trào “nuôi heo đất giúp bạn” là những phong trào đẹp, mang nhiều ý nghĩa, giáo dục các em biết tiết kiệm, biết chia sẻ giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, nhưng thật tiếc các phong trào này đang dần bị “phụ huynh hóa”, phụ huynh phải làm thay các em bằng cách đóng tiền.

Công bằng mà nói một ngày đứng lớp giáo viên chủ nhiệm có quá nhiều việc để làm, giờ nhà trường giao chỉ tiêu các phong trào kế hoạch nhỏ, nuôi heo đất càng khiến giáo viên cảm thấy đuối. Tại sao những phong trào này không giao cho tổ chức Đội của trường mà trực tiếp là tổng phụ trách Đội quản lý. Như vậy sẽ giảm bớt gánh nặng cho giáo viên mà phong trào của Đội sẽ càng ý nghĩa và hiệu quả hơn.

DUYÊN HÀ (Biên Hòa, Đồng Nai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên