19/03/2015 10:36 GMT+7

Quy định chỏi nhau, doanh nghiệp thiệt

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Nhiều doanh nghiệp đang dở khóc dở cười do chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan chức năng đưa ra nhiều quy định trái ngược nhau.

Doanh nghiệp dở khóc dở cười với các quy định. Ảnh minh họa của T.T.D

Sau bài “Thêm một kiểu văn bản hành doanh nghiệp”, Tuổi Trẻ đã nhận được phản ảnh của nhiều doanh nghiệp về việc gặp phải tình trạng dở khóc dở cười do chỉ trong một thời gian ngắn cơ quan chức năng đưa ra nhiều quy định trái ngược nhau.

Chị G., kế toán trưởng một doanh nghiệp chuyên sản xuất vỏ bao ximăng có trụ sở tại Cần Thơ, cho biết tháng 10-2014, Chính phủ ban hành nghị định 91 trong đó cho phép đưa vào chi phí những khoản phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động mà doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ như chi nghỉ mát, đám hiếu hỉ, hỗ trợ điều trị...

Đầu năm 2015 cũng là cuối năm âm lịch, doanh nghiệp này đã chi một số khoản phúc lợi cho hơn 300 công nhân viên với tổng số tiền gần 1 tỉ đồng, trong đó tiền nghỉ mát gần 800 triệu đồng.

Thế nhưng ngay trước kỳ nghỉ tết, Chính phủ lại ban hành nghị định số 12 loại bỏ quy định này khiến doanh nghiệp sống dở chết dở. “Gần 1 tỉ đồng đó giờ phải loại khỏi chi phí. May là doanh nghiệp có nguồn quỹ phúc lợi bù đắp chứ nếu không chẳng biết xử lý ra sao” - chị G. bức xúc.

Theo anh T., kế toán một doanh nghiệp tại quận 11, TP.HCM, điều bất hợp lý là nghị định 12 ban hành ngày 12-2-2015 nhưng lại có hiệu lực từ 1-1-2015 và hồi tố lại quy định trước đó. “Theo quy định tại Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản có hiệu lực ít nhất 45 ngày sau ngày ký và không hồi tố.

Chỉ trong trường hợp có lợi cho đối tượng bị điều chỉnh mới áp dụng hồi tố, nhưng trường hợp này quá bất lợi cho doanh nghiệp cũng bị áp dụng hồi tố. Nên chăng nghị định 12 không áp dụng hồi tố để bớt áp lực cho những doanh nghiệp đã chi khoản phúc lợi cho người lao động trước khi nó được ban hành” - anh T. nói.

Trong khi đó, chị Phạm Thị Hà, kế toán trưởng một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị văn phòng tại quận 5, TP.HCM, cho biết việc áp dụng trở lại quy định “cộng dồn hóa đơn mua từ một nhà cung cấp trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên chỉ được khấu trừ thuế nếu thanh toán qua ngân hàng”, dù nghị định 91 trước đó đã loại bỏ, cũng gây nhiều khó khăn và bức xúc đối với doanh nghiệp.

Theo chị Hà, doanh nghiệp thường mua hàng theo nhu cầu, có khi buổi sáng mua hàng trị giá 15 triệu đồng và buổi chiều lại mua hàng thêm 7 triệu đồng, tổng cộng hóa đơn trong ngày doanh nghiệp mua từ một nhà cung cấp là 22 triệu đồng. Tuy nhiên do ở lần mua hàng đầu tiên doanh nghiệp đã thanh toán bằng tiền mặt nên rất khó xử cho doanh nghiệp.

“Nếu là mối hàng quen, doanh nghiệp sẽ yêu cầu đối tác trả lại tiền mặt, sau đó chuyển khoản để thanh toán lại cho đúng quy định để được khấu trừ thuế. Nếu không phải mối quen, doanh nghiệp phải chuyển khoản trước rồi đối tác mới trả tiền, vừa mất thời gian vừa rủi ro” - chị Hà cho biết.

Cũng theo các doanh nghiệp, khái niệm “một nhà cung cấp” cũng chưa được định nghĩa rõ ràng. Anh N., kế toán một công ty tại quận 3, cho biết nhà cung cấp của công ty có chi nhánh ở nhiều quận, công ty cũng có nhiều đầu mối mua hàng.

“Nếu tổng cộng hóa đơn trong ngày mua từ nhiều chi nhánh của nhà cung cấp trên 20 triệu đồng có buộc phải thanh toán qua ngân hàng không?” - anh N. đặt câu hỏi. Rồi trường hợp công ty vận tải, lái xe di chuyển nhiều địa bàn, đổ xăng ở nhiều nơi khác nhau, yêu cầu cộng dồn hóa đơn để thanh toán qua ngân hàng là không tiện.

“Quy định cộng dồn hóa đơn 20 triệu đồng phải thanh toán qua ngân hàng được đưa ra là để hạn chế một số đối tượng chẻ hóa đơn để tránh thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, số đối tượng này rất ít trong khi cơ quan thuế lại quy định chung cho tất cả doanh nghiệp để hạn chế là chưa hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp làm ăn chân chính” - một doanh nghiệp nói.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên