10/11/2016 09:00 GMT+7

Quốc hội yêu cầu tăng lương cơ sở 7%/năm

LÊ KIÊN - VIỄN SỰ
LÊ KIÊN - VIỄN SỰ

TTO - Ngày 9-11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia 2016-2020, trong đó “chốt” nhiều mục tiêu chi tiêu ngân sách theo hướng tích cực hơn, giới hạn nợ công và yêu cầu giữ nhịp độ tăng lương cơ sở bình quân 7%/năm…

Đại biểu Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia 2016-2020 - Ảnh: VIỆT DŨNG
Đại biểu Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia 2016-2020 - Ảnh: VIỆT DŨNG

“Đi kiểm tra ai cũng nói mục đích là để hỗ trợ, giúp đỡ. Nhưng doanh nghiệp nói là họ phải chừa một khoản ngân sách, chi phí cho những đoàn kiểm tra này

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM)

Quốc hội quyết nghị phải từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tích cực. Tổng chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 sẽ ở khoảng trên 8 triệu tỉ đồng, trong đó tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi ngân sách nhà nước, giảm tỉ trọng chi thường xuyên...

Đảm bảo chi cho con người

Đáng lưu ý, Quốc hội nêu định hướng cần điều chỉnh mức lương cơ sở (hiện là 1.210.000 đồng), lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công tăng bình quân khoảng 7%/năm; căn cứ tình hình thực tế, mức điều chỉnh cụ thể sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.

Quốc hội cũng yêu cầu giữ cơ cấu hợp lý giữa tích lũy và tiêu dùng, đảm bảo chi cho con người, an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh, phấn đấu bảo đảm 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo.

Để kiểm soát nợ công trong giới hạn an toàn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, Quốc hội thống nhất kiểm soát nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP... Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu phải cơ cấu lại thu chi, thống kê ngân sách theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. “Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, thu chi ngân sách nhà nước, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ ngành, địa phương và đơn vị trong việc quản lý ngân sách nhà nước” - nghị quyết nêu rõ.

Bội chi (thu vượt chi) ngân sách nhà nước qua các năm tính trên GDP
Bội chi (thu vượt chi) ngân sách nhà nước qua các năm tính trên GDP - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Thích kiểm tra doanh nghiệp có lãi?

Tại buổi thảo luận ở tổ về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 9-11, đại biểu Lâm Đình Thắng - phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM - cho biết luật này có ý nghĩa rất lớn nên cần ban hành sớm để tận dụng làn sóng khởi nghiệp đang dâng cao.

Ông Thắng cho biết rằng dù luật ghi là hỗ trợ nhưng có thực tế là cơ chế hỗ trợ khi đi vào cuộc sống lại là cơ chế xin cho.

“Niềm tin của doanh nghiệp vì thế không hoàn toàn tuyệt đối” - ông Thắng nói và đề nghị khi dự luật này được thông qua thì phải đưa vào cuộc sống theo cách khác so với hiện nay. Làm sao để cộng đồng doanh nghiệp biết quy định và tận dụng được quyền lợi của mình. Cơ quan nhà nước cũng phải biết nhiệm vụ để hỗ trợ doanh nghiệp...

Cũng đề cập vấn đề tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) cho biết điều 32 của dự thảo có quy định về việc lập các đoàn kiểm tra hỗ trợ doanh nghiệp.

Cho rằng mục tiêu quan trọng nhất được hiểu là hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng theo bà Châu, “thực tế buộc họ hiểu rằng kiểm tra là mang tính “vạch lá tìm sâu”, “bói ra ma quét nhà ra rác”.

Bà Châu thông tin một số doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết những năm gần đây họ chịu đến ba đoàn kiểm tra của các bộ ngành, trong khi quy định của Chính phủ thì một doanh nghiệp không bị quá hai đoàn kiểm tra một năm.

“Đi kiểm tra ai cũng nói mục đích là để hỗ trợ, giúp đỡ. Nhưng doanh nghiệp nói là họ phải chừa một khoản ngân sách, chi phí cho những đoàn kiểm tra này(?). Và thường các đoàn kiểm tra cũng nhắm vào các doanh nghiệp làm ăn có lãi” - đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu thực tế.

Bà Châu cho biết đã từng đặt câu hỏi: Tại sao các đoàn kiểm tra không đi kiểm tra những doanh nghiệp không có lãi để hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ phát triển. Bà được trả lời rằng: kiểm tra các doanh nghiệp có lãi là để... vinh danh.

Từ đó bà Châu đề nghị: “Nếu luật không quy định rõ, nói là hỗ trợ nhưng hình thành những đoàn kiểm tra đi thẳng tới doanh nghiệp như hiện nay thì doanh nghiệp rất sợ”.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư, đại biểu Phạm Phú Quốc (TP.HCM) nêu việc bổ sung 15 ngành nghề kinh doanh có điều kiện như tờ trình của Chính phủ như: ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô; in ấn... dư luận có nhiều ý kiến trái chiều và báo cáo thẩm tra cũng có đề cập mà câu hỏi đặt ra nhưng vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Do đó, ông Phạm Phú Quốc đề nghị ban soạn thảo cần gia cố cơ sở pháp lý của ngành nghề và tổ chức hội thảo với các hiệp hội ngành nghề để lắng nghe thêm các ý kiến.

Quy hoạch nhưng thay đổi liên tục

Góp ý dự án Luật quy hoạch, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nêu tình trạng nhiều quy hoạch bị điều chỉnh liên tục, nhiệm kỳ này phê duyệt nhưng nhiệm kỳ sau lại khác, thậm chí cũng vẫn người đứng đầu ấy nhưng vừa ký năm nay, vài năm sau lại sửa.

Như vậy không thể kiểm soát được quy hoạch. Nói là công khai quy hoạch nhưng quy hoạch đó dán ở trụ sở UBND rồi trước cửa trụ sở lại treo tấm bảng “không phận sự miễn vào”. Trong khi nhiều người có thông tin trước về quy hoạch do quan hệ với quan chức, lại đầu cơ kiếm lời.

“Tôi đề nghị các quy hoạch phải được lưu trữ tại UBND cấp xã - phường, mọi người dân có quyền tiếp cận” - ông Bộ nói. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng cho rằng công bố quy hoạch là vấn đề rất quan trọng nhưng luật lại đề cập mờ nhạt. Bà đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm công bố quy hoạch.

Giảm chi thường xuyên xuống dưới 64%

Theo nghị quyết của Quốc hội, một số chỉ tiêu quan trọng sẽ được điều chỉnh. Như chi thường xuyên giai đoạn 2011-2015 đang từ 64-65% tổng chi ngân sách nhà nước thì giai đoạn 2016-2020 sẽ phải xuống dưới 64% tổng chi ngân sách nhà nước.

Nợ công thì được “chốt” mục tiêu không quá 65% GDP.

LÊ KIÊN - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên