05/12/2017 10:00 GMT+7

'Quản lý tốt mà đoàn kiểm tra không biết đường tới Mầm Xanh!'

MAI HOA - MAI HƯƠNG - TRỌNG NHÂN
MAI HOA - MAI HƯƠNG - TRỌNG NHÂN

TTO - Nếu quản lý tốt thì không thể có chuyện đoàn đi kiểm tra không biết đường tới cơ sở Mầm Xanh, phải hỏi đường để thông tin bị rò rỉ.

Quản lý tốt mà đoàn kiểm tra không biết đường tới Mầm Xanh! - Ảnh 1.

Bà Tô Thị Bích Châu phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường HĐND TP.HCM sáng 5-12 - Ảnh: TỰ TRUNG

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu đặt câu hỏi này tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 5-12, ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa IX.

Bà Châu nói thông tin trên còn phải kiểm chứng lại, nhưng đó cũng là điều đáng suy nghĩ trong việc quản lý các trường mầm non, nhóm trẻ ngoài công lập hiện nay.

Làm sao tra cứu thông tin từng cơ sở?

Theo bà Châu, trong đề án xây dựng thành phố thông minh của TP.HCM chưa thấy phần nội dung liên quan đến giáo dục. Chẳng hạn, làm sao người dân tra cứu được trên một địa bàn quận huyện có bao nhiêu nhà trẻ, bao nhiêu trường mầm non tư thục, đánh giá cụ thể chất lượng các trường...

"Chúng ta có thể thí điểm trước ở những quận có nhiều dân nhập cư. Nếu làm được như vậy sẽ tránh xảy ra một vụ Mầm Xanh như thời gian qua. Dựa trên số điểm đánh giá này người dân sẽ lựa chọn và giám sát. Từ đó mời gọi được xã hội hóa", bà Châu nói.

Trong phần thảo luận tổ trước đó chiều 4-12, có đại biểu cũng cho rằng nói người dân tham gia giám sát các cơ sở mầm non, nhóm trẻ tư thục, nhưng người dân không thể tới đó nhìn ngó, kiểm tra, mà phải đặt ra các tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng để quản lý chặt.

Quản lý tốt mà đoàn kiểm tra không biết đường tới Mầm Xanh! - Ảnh 2.

Đại biểu Cao Thanh Bình kiến nghị việc xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước - Ảnh: TỰ TRUNG

Buông lỏng quản lý nhà đất sở hữu nhà nước

Bàn về cơ chế chính sách, khai thác tối đa các nguồn thu, đại biểu Cao Thanh Bình - phó ban Kinh tế ngân sách HĐND TP - quan tâm đến việc xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước theo quyết định 09/2007 của Thủ tướng.

Theo ông Bình, số địa chỉ nhà đất đã được thống kê và đề xuất phương án xử lý ở TP hiện rất lớn, 12.834 địa chỉ với 244.184.549m2. TP đã bán và chuyển nhượng quyền sử dụng đất 625 địa chỉ, thu về 10.789 tỉ đồng cho ngân sách để tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.

Nhưng giám sát cho thấy khối lượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn được hình thành qua nhiều giai đoạn, nhiều nguồn quản lý khác nhau và có nơi bị buông lỏng trong thời gian dài nên hồ sơ không đầy đủ, nhà đất còn tranh chấp gây khó khăn cho quản lý kê khai.

Việc buông lỏng quản lý khiến các hộ xung quanh lấn chiếm, khiếu nại, đến nay không thu hồi được.

Nhà đất các nơi đang cho thuê với nhiều mức giá khác nhau. Chẳng hạn, quận Thủ Đức thì cho thuê theo giá thị trường, trong khi Tân Bình cho thuê theo giá quy định được áp dụng hàng chục năm trước, không còn phù hợp với giá thực tế.

"Nếu không xem xét lại thì đây là sự lãng phí rất lớn" - ông Bình nói. 

Từ những phân tích này, ông Cao Thanh Bình kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành quyết định thay thế hoặc quyết định sửa đổi bổ sung quyết định 09, tăng cường quản lý kê khai đầy đủ, xử lý minh bạch, công khai tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển.

Ông cũng cho biết hiện có một số diện tích nhà đất quy hoạch cho giáo dục y tế, nên cố gắng giữ diện tích này chứ không phải lúc nào cũng quy về xử lý đấu giá theo quyết định 09.

Lấy ví dụ một vị trí ở quận 11, khi Ban Kinh tế ngân sách đi khảo sát thì thấy nhu cầu căng thẳng cấp bách cho giáo dục, nhưng quận đang đề nghị chuyển đổi mục đích để bán cho một hộ theo quyết định 09.

bui xuan cuong

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Xuân Cường tại phiên thảo luận sáng 5-12 - Ảnh: TỰ TRUNG

Đường xuống cấp do không sử dụng?

Trong phần trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Bùi Xuân Cường nêu hàng loạt các nguyên nhân khiến đường sá xuống cấp, trong đó có lý do gây bất ngờ: Đường xuống cấp do không ai sử dụng.

Cụ thể, đại biểu Tố Trâm phản ánh hàng loạt công trình giao thông của TP.HCM vừa đưa vào khai thác đã xuống cấp, mặt đường bong tróc như đường Trần Văn Giàu, đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương… Bà Trâm đặt vấn đề liệu có tình trạng rút ruột công trình hay không?

Theo ông Bùi Xuân Cường, đường lún là do ngay từ đầu, những đường này không được thảm nhựa mà chỉ láng nhựa. Khi sử dụng, lưu lượng giao thông cao thì đường bị lún. Ngoài ra, các công trình thoát nước không đồng bộ gây ngập úng cũng dẫn đến phá hư đường.

Đáng chú ý, ông Cường còn cho biết những đường làm rồi mà không được sử dụng cũng có nguy cơ hư hỏng cao. Như đường Trần Văn Giàu được thiết kế để kết nối với cầu nhưng do giải phóng mặt bằng chậm nên đoạn đường này không được sử dụng đúng tiến độ.

"Đường không sử dụng, nhựa không nổi lên dẫn đến hỏng đường", ông Cường thông tin và đồng thời khẳng định đến nay chưa phát hiện chuyện rút ruột công trình.

Về dự án cầu Bình Tiên, ông Cường nói phương án TP đưa ra là làm theo hợp đồng BT. Hiện UBND TP đã lựa chọn 2 liên doanh nhà đầu tư để xây cầu gần 1km vượt kênh Tàu Hũ và Kênh Đôi và làm đường nối cầu.

Toàn bộ tiền xây dựng và giải phóng mặt bằng TP không chi mà nhà đầu tư phải chi. "TP đã đàm phán: 67% tiền làm dự án sẽ trả thông qua quỹ đất và 33% trả bằng tiền. Khoảng 1.125 tỉ đồng tiền giải phóng mặt bằng - TP sẽ trả chậm bằng tiền. Còn tiền xây dựng thỉ TP trả bằng quỹ đất" - ông Cường báo cáo.

Dự án sẽ thực hiện từ 2018-2020. Nếu các thủ tục nhanh thì có thể khởi công tháng 1-2018 - tùy vào thời gian giao mặt bằng của các quận huyện tại nơi dự án đi qua (quận 6,8, Bình Chánh).

MAI HOA - MAI HƯƠNG - TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên