08/01/2015 16:09 GMT+7

Phương tiện công cộng tốt, khỏi lo chuyện hạn chế xe cá nhân

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Hàng loạt ý kiến bạn đọc cho rằng một khi phát triển tốt hệ thống phương tiện công cộng, sẽ không cần phải đề xuất hạn chế xe cá nhân.

Học sinh tiểu học phải bịt miệng, bịt mũi do quá nhiều khói xe trong lúc kẹt xe trên đường Lý Chính Thắng (Q.3, TP.HCM) - Ảnh tư liệu

Ủng hộ việc cần phải hạn chế xe cá nhân, bạn đọc Phan Văn Minh (minhphuchieu@...) viết: "Hạn chế phương tiện cá nhân, nhất là xe gắn máy, đó là đòi hỏi khách quan để phát triển. Tất cả các nước trên thế giới đều phải làm việc này".

"Vì vậy người dân cần có cái nhìn khách quan để ủng hộ chính quyền thực hiện, hi sinh lợi ích nhỏ của mỗi cá nhân để cả xã hội cùng tiến bộ. Về phía chính quyền cần phải nghiên cứu biện pháp, giải pháp, bước đi và lộ trình thích hợp sao cho hài hòa lợi ích".

"Dù khó chúng ta cũng phải làm, nếu không hình ảnh đất nước chúng ta chỉ mãi nhếch nhác và nạn kẹt xe ngày càng trầm trọng dù chúng ta có đầu tư cho hạ tầng giao thông nhiều bao nhiêu chăng nữa". 

Cùng quan điểm, bạn đọc Tính (van_tinh2004@...) chia sẻ: Về phát triển lâu dài, muốn TP văn minh, sạch đẹp có lộ trình cấm hẳn xe máy và đặc biệt là quy hoạch phát triển hạ tầng đầu tư phương tiện xe công cộng đưa đón thật thuận tiện để người dân đi lại. Lúc đó người dân sẽ tự ý thức bỏ xe máy và đi phương tiện xe công cộng, TP giải quyết được ùn tắc và ô nhiễm. Bây giờ cứ hô hào cấm mà không để ý đến phát triển mạng lưới xe công cộng về lâu về dài thì khó lòng làm ý tưởng thành hiện thực được. 

Về việc tăng các loại thuế, phí... để giảm lượng xe cá nhân, bạn đọc Cucku (cucku495@...) phân tích: Tôi thử hỏi một người đang đi làm bằng xe gắn máy. Nếu có tăng phí này kia liệu người đó có bỏ xe để đi phương tiện khác, nếu như không có tuyến xe công cộng đến chỗ làm anh ta?

Bạn đọc Cucku (cucku495@...) nói thêm: "Khi có phương tiện công cộng thuận tiện người ta sẽ tự động chuyển qua chứ không cần áp phí, hạn chế gì cả. Anh cứ việc làm sao cho người ta cảm thấy phương tiện công cộng có lợi thì tự động họ chuyển qua thôi, còn không có thì cho dù có bắt đóng thêm phí bao nhiêu người ta vẫn bấm bụng mà đóng để có cái đi làm, chở con đi học này kia chứ không lẽ đi xe ôm?". 

Bạn đọc Nguyen Hanh Suong (Hanhntsys@...) nói rõ: Cá nhân tôi nếu đi xe buýt tốt nên tôi ưu tiên đi xe buýt, đi xe máy vừa nguy hiểm, vừa bụi, nắng, khói... Nhưng vẫn phải đi xe máy là vì sao? Quy hoạch không tốt, đường thì nhỏ, xe buýt thì to, tranh nhau giành đường, đường thì có xe buýt, có đường không thấy một bóng xe. 

Bạn đọc Dân (akatsuki.e9@...) dẫn ví dụ cụ thể: Từ nhà tôi đến chỗ làm phải đổi ít nhất hai tuyến xe buýt và tốn thời gian gấp 2 - 3 đi xe máy. Trong khi đó tiền di chuyển bằng xe máy rẻ hơn hai vé xe buýt mà thời gian cũng ngắn hơn. Vậy lý do nào để phải đi xe công cộng? 

Cụ thể: tốn 50.000 đồng tiền xăng (trước thời điểm giảm giá xăng) hay 40.000 đồng xăng tại thời điểm hiện tại, tôi chạy lên xuống chỗ làm hay mua đồ trong một tuần hoặc phải chạy nhiều thì tầm sáu ngày phải đổ xăng một lần.

Đi xe buýt hai vé hết gần 16.000 đồng hai chiều đi về một ngày mà không ghé đâu mua đồ được. Cả tuần sáu ngày đi làm hết 16.000 đồng x 6 ngày = 96.000 đồng.

Làm sao có thể chạy sang trường đón con đi học về hay mua thêm vài vé đi về nữa? 

Bạn đọc Trần Ngọc Lợi (ngocloi711@...) gửi gắm: Sở GTVT TP.HCM nên dành thời gian nghiên cứu phát triển hệ thống đường sá, phương tiện vận chuyển công cộng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân thành phố trước rồi hãy tính đến đề xuất khác. 

Bạn đọc Quan (sonemda@...) cũng chung kiến nghị: Nên đầu tư phương tiện công cộng đủ để phục vụ nhu cầu của người dân. Chứ trước tình hình tai nạn giao thông hiện nay, tôi cũng không mấy thích phải lái xe để đi, nhưng vì mưu sinh nên đành phải vậy. Chắc mọi người đâu ai thích ngày nào đi làm cũng phải căng mắt lái xe, chịu mưa chịu nắng, chịu rủi ro tai nạn nguy hiểm. Cần có nhiều hệ thống tàu điện phục vụ người dân đi lại. 

Bạn đọc Thanh Tung (bsvuitinh.com@...) viết: Hãy làm cho hệ thống đường sá tốt lên, phương tiện giao thông công cộng đủ về số lượng và chất lượng. Khi phương tiện công cộng đáp ứng được như vậy, chẳng cần ép hay hô hào người ta sẽ tự đi. 

Bạn đọc Dinh Viet (dinhviettech@...) bày tỏ: Hạn chế xe cá nhân để giảm ùn tắc kéo dài, hạn chế xe đã quá niên hạn sử dụng là điều tốt. Nhưng Sở GTVT có tính đến việc nâng cao hạ tầng giao thông công cộng để có thể đảm bảo về thời gian cũng như công ăn việc làm cho công dân thành phố hay chưa?

"Thu thuế, thu phí tăng ngân sách nhà nước nhưng quyền lợi người dân sẽ được hưởng những gì? Nếu không đảm bảo được quyền lợi ấy, người dân có thể khởi kiện lại Sở GTVT hay không?" - bạn đọc Dinh Viet đặt câu hỏi.

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên