Phụ huynh lại than trời vì loạn... đồng phục

PHƯƠNG NGUYỄN - HOÀNG HƯƠNG
PHƯƠNG NGUYỄN - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Ba lô, giày dép cùng màu, tập cùng nhãn hiệu, bao bì cũng phải y chang... nhiều phụ huynh vừa vất vả tìm mua cho con theo đúng yêu cầu của trường, vừa bức xúc vì quy định "đồng phục" quá vô lý.

Sau khi Tuổi Trẻ Online có bài viết phản ảnh quy định đồng phục ở một số trường gây bức xúc, phụ huynh ở nhiều trường học các cấp tại TP.HCM tiếp tục than nhà trường có những yêu cầu đồng phục vô lý, gây tốn kém.

Mực, tập viết... cũng "đồng phục"

“Đầu năm học, cô giáo đưa cho con tôi một danh sách dài những đồ dùng học tập cần chuẩn bị cho năm học mới. Nhưng bức xúc nhất là cô yêu cầu phải mua tập nhãn hiệu B.N của Công ty X, mực thì phải đúng loại mực nhãn hiệu Q.", một phụ huynh có con học Trường tiểu học Đỗ Tấn Phong, quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết.

"Cô còn nói nếu không mua đúng loại tập, loại mực đó thì khi kiểm tra đồ dùng học tập, cô sẽ trả về. Năm học trước, con tôi cũng phải chuẩn bị y chang như vậy. 

Điều đáng nói là tập B.N quá trắng, tôi thấy không phù hợp với học sinh nhưng lại không được mua loại khác. Trong lớp của con tôi, nhiều phụ huynh đã lỡ mua tập, mực của công ty khác, họ rất ấm ức.

Tôi thấy ngay cả loại tập nhà trường dùng để khen thưởng cho học sinh cuối năm học trước cũng mang nhãn hiệu B.N. Không biết nhà trường có bắt tay với các công ty trên hay không?", phụ huynh này đặt vấn đề.

Giày, cặp sách phải như nhau

Học sinh trường THCS Âu Lạc quận Tân Bình TP.HCM mang cặp đồng phục - Ảnh: HỮU THUẬN
Học sinh trường THCS Âu Lạc quận Tân Bình TP.HCM mang cặp đồng phục - Ảnh: HỮU THUẬN

Ông N.T, có con học lớp 6 Trường THCS Âu Lạc, quận Tân Bình, phản ánh: “Đầu năm bao nhiêu thứ phải lo mà nhà trường còn yêu cầu học sinh mua quần áo đồng phục mặc đi học buổi sáng, đồng phục bán trú buổi chiều".

"Đến cả cái cặp sách cũng phải mua ở trường vì trường bán ba lô đồng phục, trên ba lô có in logo và địa web của trường”, ông than vãn.

Theo ông T., con ông được tặng 3 cái ba lô nhưng đều không dùng được vì "khác màu và không có logo của trường”.

Còn tại Trường THCS Cầu Kiệu, Q.Phú Nhuận, phụ huynh phản ảnh nhà trường buộc học sinh phải mang giày trắng tất cả các ngày trong tuần.

“Mang giày trắng rất dễ dơ, nhất là khi trời mưa. Trường còn quy định học sinh không được mang ba lô, túi xách, còn đồng phục phải mua trong trường vì có in logo", chị M.N có con trai học lớp 7 và con gái học lớp 8 tại trường này than thở.

Chị cũng cho biết nếu không phải do trường quy định, chị sẽ không mua của trường vì dù giá rẻ nhưng chất lượng vải khá tệ.

Đồng phục để đẹp, không có sự phân biệt học sinh?

Học sinh Trường THCS Cầu Kiệu được yêu cầu mang giày màu trắng khi đi học  - Ảnh: NHƯ HÙNG
Học sinh Trường THCS Cầu Kiệu được yêu cầu mang giày màu trắng khi đi học - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - hiệu trưởng Trường THCS Cầu Kiệu, cho biết: “Nhà trường chỉ yêu cầu học sinh mang giày trắng, các em có thể mua các loại giày bata mấy chục ngàn để tiết kiệm. Học sinh mang giày trắng sẽ tạo sự đồng bộ, đẹp và không có sự phân biệt giữa các học sinh với nhau.

Quy định mang cặp sẫm màu có quai cũng vậy, để đồng bộ, quai đeo hai vai giúp cân đối lưng, đảm bảo sức khỏe, đảm bảo tập vở của các em không bị quăn góc và treo cặp trên lớp cũng ngăn nắp”.

Bà Hằng cũng cho biết thêm các quy định này nhà trường "đã thực hiện hơn mười năm nay, phụ huynh cũng rất đồng tình vì nó giữ nề nếp, tác phong trong trường học. Ngoài ra, vào những ngày mưa, nhà trường vẫn cho phép các em mang sandal”.

Trong khi đó bà Lê Thị Dung, hiệu trưởng Trường tiểu học Đỗ Tấn Phong, khẳng định nhà trường không có chủ trương yêu cầu học sinh phải mua đúng loại tập, loại mực như phụ huynh phản ánh.

Bà cho biết đã cho kiểm tra ở các khối lớp và được biết có một số giáo viên đã yêu cầu phụ huynh phải mua loại tập, loại mực đúng nhãn hiệu nêu trên. Lý do giáo viên đưa ra là loại tập trên viết không bị lem và có 4 ô li như yêu cầu của chương trình học.

Riêng về mực, do các bình mực nguyên thủy hơi đậm, các giáo viên thu mực của học sinh pha thành một bình mực to để trên lớp cho học sinh dùng, nếu pha các loại mực khác nhau thì mực dễ bị hư nên mới yêu cầu mua 1 loại mực cho thống nhất.

Thế nên một giáo viên lớp 5 đã trả về những loại tập, mực không đúng nhãn hiệu trên. 

"Ban giám hiệu trường đã làm việc lại với giáo viên để chấn chỉnh tình trạng này. Có thể theo nhận định của giáo viên thì loại mực đó, loại tập đó là tốt nhưng không thể ép phụ huynh phải mua mà chỉ giới thiệu cho phụ huynh tham khảo mà thôi”, bà Dung nói.

Vì sao "đồng phục" cả ba lô?

Ông Nguyễn Xuân Đắc, hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc, giải thích: “Nhà trường yêu cầu học sinh sử dụng ba lô theo một mẫu nhất định để tạo nề nếp, hình ảnh ngăn nắp của học sinh. Chủ trương này được thực hiện từ nhiều năm nay.

Tôi nhớ không lầm thì 5 năm trở lại đây, giá ba lô vẫn không tăng, chỉ có 160.000-170.000 đồng/cái. Chúng tôi thực hiện việc này vì mục đích giáo dục học sinh chứ không phải vì lợi nhuận”.

Ông cũng cho biết ở trường Âu Lạc, buổi sáng học sinh mặc đồng phục sơ mi trắng quần xanh nhưng buổi chiều các em được chọn áo thun đồng phục với rất nhiều màu khác nhau: đỏ, xanh, vàng…để thể hiện cá tính của mình. 

PHƯƠNG NGUYỄN - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên