11/07/2017 10:29 GMT+7

Họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: 'báo chí được vào 5 phút đầu'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Các phóng viên cầm giấy mời đến Trung tâm Báo chí tại Nhà Quốc hội để đưa tin về phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bất ngờ nhận được thông báo như trên.

Nhiều phóng viên ngỡ ngàng trước màn hình trực tuyến tối thui ở Trung tâm Báo chí tại Nhà Quốc hội - Ảnh: Lê Kiên

Như thường lệ, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (thường kỳ hàng tháng), nhiều cơ quan báo chí được gửi giấy mời đến đưa tin, tuyên truyền. Sáng nay (11-7), đông đảo phóng viên cũng đã có mặt tại Trung tâm Báo chí, Nhà Quốc hội.

Theo nội dung chương trình, nửa đầu buổi sáng 11-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng. Nội dung này được thông báo họp kín, báo chí không tham dự.

Nhưng đến nội dung thứ hai của buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đánh giá kỳ họp thứ 3 của Quốc hội và cho ý kiến bước đầu về nội dung chương trình kỳ họp thứ 4, màn hình trực tuyến tại Trung tâm Báo chí vẫn tắt ngóm.

Liên lạc với phó vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội thì được biết “sáng nay lãnh đạo Văn phòng Quốc hội có chỉ đạo bắt đầu từ hôm nay, báo chí chỉ được tham dự 5 phút đầu của mỗi buổi họp (để chụp hình ? - NV). Cuối mỗi ngày sẽ có thông cáo báo chí gửi đến các phóng viên”.

Nhiều phóng viên có mặt tại Trung tâm Báo chí tại Nhà Quốc hội hết sức ngỡ ngàng về quyết định này, nhưng vẫn chưa thể liên lạc được với chủ nhiệm Văn phòng, tổng thư ký Quốc hội để nghe giải thích.

Cũng như nhiều cơ quan báo chí khác, báo Tuổi Trẻ cũng nhận được giấy mời đến đưa tin phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng nhận được thông báo bất ngờ - Ảnh: Lê Kiên

Phải nói rằng, trong quá trình đổi mới hoạt động của Quốc hội, báo chí đã đóng góp phần rất quan trọng, nhằm chuyển tải kịp thời, đầy đủ thông tin hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đến với cử tri, nhân dân cả nước.

Kể từ Quốc hội khóa XI (đầu những năm 2000), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã quyết định “mở cửa” để phóng viên báo chí tham dự, đưa tin nội dung các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khi được hỏi về quyết định này, ông An đáp: “Đã là đại biểu của dân thì chúng ta phát biểu gì, chính kiến thế nào dân phải được biết. Tôi quyết định để báo chí vào đưa tin nhằm minh bạch hóa hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu báo chí đưa tin sai thì xử lý theo pháp luật, còn nếu đại biểu phát biểu thiếu chuẩn mực bị đưa lên thì khó có thể trách báo chí”.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu nhiệm kỳ mới một cách ấn tượng về sự cởi mở với báo chí. Nhiều phiên họp chuyên đề của Chính phủ với lãnh đạo các địa phương, thậm chí có chuyên đề không ít người coi là “nhạy cảm” như giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chính phủ vẫn mời đông đảo phóng viên trực tiếp tham dự và đưa tin.

Các cuộc họp của Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố về tình hình kinh tế - xã hội cũng đều có sự chứng kiến của phóng viên từ đầu đến cuối. Nhiều cuộc làm việc của Thủ tướng, các phó thủ tướng, tổ công tác của Thủ tướng…, có đông đảo phóng viên tham dự.

Nhiều thông cáo báo chí được Cổng thông tin điện tử Chính phủ phát hàng ngày, đồng thời với các cuộc họp báo của Người phát ngôn Chính phủ tổ chức đều đặn hàng tháng.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục