28/05/2017 10:06 GMT+7

Phim của Bong Joo-ho và Hong Sang-soo: Trông mong gì hạnh phúc?

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Nếu phải đặt cho điện ảnh Hàn Quốc những năm gần đây một cái tên, có lẽ nên gọi là Golyadkin - tên một nhân vật rối loạn nhân cách của đại văn hào Dostoievsky trong Là bóng hay là hình.

Cảnh trong phim The day after của Hong Sang Soo - Ảnh: festival-cannes.com
Cảnh trong phim The day after của Hong Sang Soo - Ảnh: festival-cannes.com

Ở Golyadkin một, bệnh ẩn ức bên trong. Ở Golyadkin hai, bệnh hoạn trào ra bên ngoài.

Tại Cannes năm nay, chỉ riêng ở hạng mục tranh giải Cành cọ vàng đã có hai tác phẩm đến từ Hàn Quốc: OkjaThe day after.

Hai đạo diễn của chúng - Bong Joon-ho và Hong Sang-soo - cũng chính là sự phóng chiếu cho hình tượng Golyadkin và cái bóng sống của hắn.

Xã hội duy ác qua lăng kính Bong Joon-ho

Người đàn bà tóc đã điểm sương, mặc váy dài màu nước biển, khoác bên ngoài áo hoa màu tím, đi giữa cánh đồng lúa chín vàng, nước phim ngả xanh xao bi thảm, người đàn bà bắt đầu nhảy múa, đầu tiên chỉ là ngả nghiêng qua lại, rồi từ từ đưa tay lên khua khoắng, rồi bà xoay vòng, lắc hông, bà lấy tay che mắt, miệng nở nụ cười, rồi bà lấy tay che miệng, ánh mắt nhức nhối như đang khóc, nhạc nền vang lên không buồn cũng không vui.

Quá đủ khiêu khích cho một cảnh mở màn.

Đoạn đầu trong bộ phim Mother năm 2009 của Bong Joon-ho, một tác phẩm thoảng mùi Psycho của bậc thầy Hitchcock, là một thước phim chạy ngược thời gian.

Phải đến gần cuối phim chúng ta mới hay cảnh nhảy múa ấy diễn ra ngay sau khi bà làm một điều kinh khủng: thủ tiêu nhân chứng duy nhất chứng kiến cảnh cậu con trai ngớ ngẩn của bà ra tay sát hại một nữ sinh trung học.

Xã hội là một xã hội duy ác, qua lăng kính Bong Joon-ho.

Xã hội trong phim của Bong như một đường ống nước ngầm tiếp tế cho tội ác, để tội ác diễn ra thản nhiên như cách Do Joon, kẻ què quặt về mặt trí tuệ, vô tư ném tảng đá nhọn hoắt vào đầu cô gái trẻ.

Người ta cho rằng bà mẹ che giấu cho đứa con là một kẻ mù quáng. Nhưng có thật bà mù quáng hay không?

Chẳng phải khi chân lý được hé lộ, chính chúng ta cũng thấy như đang bị lừa sao?

Có cả một tập đoàn lũ người quỷ ám trong Mother, kẻ nào cũng có khả năng giết người, nhưng một gã đần độn như Do Joon - một kẻ hằng đêm còn ngủ rúc vào người mẹ như hắn thì không thể nào phạm tội ác.

Nhưng sự thực, hắn có thể. Và khi đến cả hắn còn có thể thì đó là lúc người ta chỉ còn biết nín thở run rẩy thốt lên: cái xã hội ấy đã đến hồi vô vọng.

Vô vọng đến nỗi tội ác được gây ra một cách vô tri như cách một thằng ngốc giết người, tội ác được gây ra một cách hữu tri như cách một nhà bác học ra lệnh đổ 200 lọ hóa chất formaldehyde xuống sông Hàn để rồi hình thành dưới lòng sông con quái vật tư bản hung thần lao lên tàn sát thành phố (The Host, 2006).

Hay như cách một nhân viên nhà máy tầm thường ra tay giết hại hàng loạt phụ nữ, và đến cuối cùng hắn mất hút vào đường hầm tối đen, ngạo nghễ, cảnh sát chỉ có thể giương mắt đứng nhìn (Memories of murder, 2003).

Xã hội đó chính là mầm mống tạo ra những thằng người tay lăm lăm cầm búa trong Snowpiercer - tác phẩm năm 2013 của Bong Joon Ho, một tác phẩm có “tất cả những gì mà Transformer: Age of Extinction mong muốn có: một bộ não, một trái tim, và một giác quan nghệ thuật”.

Thế giới hậu tận thế, loài người, chúng chui vào một đoàn tàu, tay cầm những cây búa sáng loáng, chúng lao vào tận diệt lẫn nhau...

Cảnh trong phim Okja của Bong Joon Ho - Ảnh: IMDb
Cảnh trong phim Okja của Bong Joon Ho - Ảnh: IMDb


Hong Sang-soo - những biến cố nhỏ nhặt đời thường

Lại hãy bắt đầu từ một người phụ nữ.

Lần này là một phụ nữ trẻ, mái tóc cắt ngắn, gương mặt xinh tươi, đồng hồ điểm 6 giờ, chuông reo, cô tỉnh dậy, nhấc điện thoại gọi điện cho từng người: “Anh Kim Beum Soo phải không? Đây là cuộc gọi buổi sáng. Hôm nay là ngày 26 tháng 10. Giờ là 7 giờ. Vâng. Anh đã dậy rồi ạ? Vâng”.

Công việc của cô là thế, gọi cho một vài người, nhắc họ ngày tháng, nhắc họ giờ giấc, nhắc họ đã đến khi thức dậy. Rồi cô xem báo tìm một công việc khác.

Lần này, cô đi lồng tiếng cho phim, đến cảnh ái ân, cô không sao phát ra được những âm thanh rên rỉ.

Cô là nhân vật trong The day a pig fell into the well - tác phẩm đầu tay của Hong Sang Soo sản xuất năm 1996. Hong đã lấy tên một truyện ngắn của nhà văn John Cheever, nhà văn được mệnh danh Chekhov vùng ngoại ô, làm tên tác phẩm của mình.

Trong truyện ngắn của Cheever, bà Nudd nhớ lại những tháng ngày mùa hè gia đình bà ở Whitebeach Camp, cái ngày con lợn mà họ thắng được trong một hội chợ ở Lanchester rơi xuống giếng và chết.

Từ ngày đó, cuộc sống ném vào họ biết bao biến cố, những biến cố nhỏ nhặt đời thường, bọn trẻ lớn lên, bất kham, khó hiểu, cả những cuộc hôn nhân thất bại. Họ đứng giữa mùa hè, có cả thiên đường trong tay, vậy mà luôn có một lý do khiến họ không bao giờ thực sự hạnh phúc.

Sự không hạnh phúc không phải đến từ một xã hội duy ác như trong phim của Bong Joon Ho, mà vì những chuyện lặt vặt trong đời.

Một nhà văn quan hệ với hai người phụ nữ và với cả hai, gã đều chẳng chạm được tới niềm vui. Một người chồng thủy chung lên giường với một cô gái làng chơi trong chuyến công tác của mình, rồi mắc bệnh lây truyền qua đường sinh dục.

Một vị đạo diễn thôi không làm phim, gặp một nhóm sinh viên ngưỡng mộ mình, họ trò chuyện thân tình bên một bàn nhậu, thế mà chỉ một lúc sau vị đạo diễn đột ngột nổi khùng với lũ nhóc, chửi rủa thóa mạ chúng và chạy ù đi mất, cơn bột phát không rõ vì đâu.

Hay đơn giản là đến từ những ẩn ức sâu xa như một ngọn núi lửa giả vờ ngủ yên đợi đến lúc phun trào.

Những kẻ trong phim của Hong tầm thường tới mức chẳng có gì để nói, họ làm nghệ thuật nhưng chẳng đặc biệt nổi danh, chỉ suốt ngày loanh quanh đi giữa những khu phố Seoul, cùng nhau ăn nhậu, không có cá tính gì đáng kể, chỉ là một kẻ bất kỳ ở ngoài kia, Hong tóm lấy, cho vào phim.

Họ hành xử như tất cả người trên thế giới này, nhưng bất thình lình, họ nốc say sưa rồi tuột hết quần áo trước mặt những người xa lạ, như nhân vật chính trong Right now, wrong then năm 2016, hay thậm chí cầm dao đâm chết một cặp tình nhân như trong The day a pig fell into the well.

Toàn là những kẻ không hạnh phúc. Nhưng, đã làm người mà còn trông mong gì hạnh phúc? Làm mẹ của đứa con sát nhân nhất định là không hạnh phúc.

Nhưng kể cả khi chịu phận làm một kẻ bình thường ngày ngày vẽ tranh cũng chẳng có gì bảo đảm cho hạnh phúc.

Chi bằng như hai nhân vật trong cảnh cuối của The Host, khi tivi phát tới bản tin về hậu quả sau cái chết của con quái vật, người đàn ông nói với đứa nhỏ: “Chúng ta xem cái khác nhé?”, cậu bé đáp: “Tắt đi bố, tập trung ăn đi”.

Người đàn ông tắt tivi, rồi họ cùng ăn cơm ngon lành.

Bong Joon-ho nổi tiếng với những tác phẩm chạm tới mặt tối của xã hội.

Bộ phim The Host năm 2006 của ông từng là phim Hàn có doanh thu cao nhất lịch sử và được Quentin Tarantino xếp trong danh sách 20 bộ phim yêu thích của ông tính từ năm 1992.

Được mệnh danh là Woody Allen của Hàn Quốc, Hong Sang-soo là một nhà làm phim với ít nhất 10 bộ phim đã được trình chiếu ở LHP Cannes.

Những bộ phim kinh phí thấp của ông tuy không đạt được thành công về mặt doanh thu nhưng được giới phê bình đánh giá cao vì góc nhìn đặc biệt.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên