31/03/2017 16:40 GMT+7

​Phe đối lập cáo buộc tổng thống Venezuela thâu tóm quyền lực

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Các lãnh đạo đối lập cáo buộc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thâu tóm quyền lực sau khi Tòa án tối cao tiếp quản chức năng của Quốc hội.

Người biểu tình ủng hộ đảng đối lập MUD đụng độ với cảnh sát bên ngoài Tòa án Tối cao ở Caracas hôm 30-3 - Ảnh: Reuters
Người biểu tình ủng hộ đảng đối lập MUD đụng độ với cảnh sát bên ngoài Tòa án tối cao ở Caracas hôm 30-3 - Ảnh: Reuters

Reuters ngày 31-3 đưa tin cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại Venezuela đã lên một tầm cao mới. Sau thông tin trên, cộng đồng thế giới đã nhanh chóng lên án việc bãi bỏ Quốc hội Venezuela một cách không chính thức của tòa án nước này.

Quốc hội là nơi mà phe đối lập giành quyền kiểm soát đa số vào cuối năm 2015 trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có khiến người dân ngày càng mất dần sự ủng hộ đối với ông Maduro.

Người đứng đầu Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) Luis Almagro cho rằng chế độ của ông Maduro đang thực hiện một “cuộc đảo chính”.

Brazil, Argentina, Mexico, Colombia, Chile, Guatemala và Panama đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước diễn biến mới nhất tại Venezuela. Trong khi đó Peru rút đại diện ngoại giao về nước khi gọi sự việc trên là sự tan rã của nền dân chủ.

Mỹ mô tả động thái trên là "một thất bại nghiêm trọng cho nền dân chủ Venezuela", trong khi Liên minh châu Âu kêu gọi Chính phủ Venezuela phải có "lịch bầu cử rõ ràng".

Reuters cho biết Tòa án tối cao Venezuela đã bác hầu hết tất cả các quyết định của Quốc hội kể từ khi phe đối lập giành đa số tại đây.

Mới nhất, tòa án này đã tuyên bố thay thế vai trò của Quốc hội khi đưa ra phán quyết cho phép ông Maduro thành lập các liên doanh dầu khí mà không có sự phê chuẩn trước của Quốc hội.

Trong phán quyết của mình, tòa án đã tuyên bố: "Chừng nào tình trạng bất tuân tại Quốc hội vẫn còn tiếp diễn, tòa án hoặc một cơ quan khác sẽ đảm nhận các chức năng của Quốc hội".

Việc bất tuân lệnh bắt nguồn từ cáo buộc mua phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu chống lại 3 nghị sĩ đến từ bang Amazonas. Mặc dù 3 nghị sĩ này không còn trong Quốc hội nhưng tòa án nói rằng các nhà lãnh đạo Quốc hội đã không xử lý vụ việc một cách hợp pháp.

Ngược lại, các nhà chỉ trích cho rằng đó là một cái cớ để ông Maduro củng cố quyền lực và bịt miệng phe đối lập trong bối cảnh suy thoái kinh tế nghiêm trọng, lạm phát gia tăng và thiếu thuốc lẫn lương thực.

"Nicolas Maduro đã tiến hành một cuộc đảo chính. Đây là chế độ độc tài. Đây là thứ rác rưởi từ những kẻ đã đè bẹp hiến pháp, quyền và sự tự do của người dân Venezuela. Quốc hội không công nhận Tòa án tối cao" - Chủ tịch Quốc hội Julio Borges tuyên bố.

Ngoài ra phe đối lập cũng cam kết sẽ tổ chức những cuộc biểu tình đường phố mới bắt đầu từ ngày mai, 1-4. Tuy nhiên chiến thuật này từng thất bại trong quá khứ, bất chấp các cuộc diễu hành đã thu hút hàng trăm ngàn người biểu tình.

Năm ngoái phe đối lập đã kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân để bãi nhiệm ông Maduro và mở một cuộc bầu cử tổng thống mới vào đầu năm 2017. Tuy nhiên chính quyền Venezuela đã ngăn cản họ và trì hoãn các cuộc tranh cử địa phương.

Nhiệm kỳ của ông Maduro sẽ kết thúc vào tháng 1-2019.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên