07/03/2015 08:07 GMT+7

​Phát hiện tượng Phật cổ, có được giữ lại thờ cúng?

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TT - Một người dân tìm thấy một bức tượng Phật cổ trong lúc đào vuông tôm, người dân muốn giữ lại để lập am thờ, còn chính quyền đang ra sức thuyết phục để đưa vào bảo tàng.

Một người dân ở ấp Chòm Cao, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu tìm thấy một bức tượng Phật cổ trong lúc đào vuông tôm, nhưng gần hai tháng qua “số phận” bức tượng này chưa được định đoạt bởi người dân muốn giữ lại để lập am thờ, còn chính quyền đang ra sức thuyết phục để đưa vào bảo tàng.

Bức tượng này được tìm thấy vào ngày 14-1-2015 trong phần đất vuông tôm của ông Nguyễn Văn Của (86 tuổi, ngụ ấp Chòm Cao) được giao cho bà Nguyễn Thị Tiên và ông Võ Văn Tám là con gái và con rể của ông Của làm đất sản xuất.

Ông Tám kể trong lúc xe cuốc móc đất lên để cải tạo vuông tôm thì phát hiện vật cứng ở dưới lớp đất khoảng 50cm nên báo lại gia đình ra cùng xem.

Khi phát hiện đó là tượng Phật (được xác định cao 1,6m, ngang 0,4m và nặng 180kg), cả gia đình liền mang lên bờ vuông rửa sạch bùn đất rồi dựng bạt lên che và yên vị tượng Phật ngay tại bờ vuông từ đó tới nay (ảnh).

Cũng theo ông Tám, chính quyền đã nhiều lần đến vận động gia đình giao tượng Phật cho Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu nhưng nguyện vọng của gia đình là được giữ lại thờ cúng tại nhà.

“Nếu chính quyền cho phép thì gia đình có giấy tờ xin xây nơi thờ liền. Bà con ở địa phương cũng muốn có chỗ thờ để họ lại viếng” - ông Tám nói.

Ông Trần Văn Lâm, chánh văn phòng Huyện ủy Hồng Dân, cho biết gia đình ông Tám chỉ được giữ hiện trạng như hiện tại, nếu xây dựng công trình gì thì phải xin phép và phải được sự cho phép của cơ quan chức năng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Thiện - giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bạc Liêu - cho biết sở đã mời một số nhà khoa học tại Bảo tàng TP.HCM đến tìm hiểu và họ xác định đó là tượng Phật cổ có giá trị nhưng chưa xác định tượng bao nhiêu năm tuổi, bằng chất liệu gì (nhìn bằng mắt thường thì giống đất nung).

Theo Luật di sản, tượng thuộc sự quản lý của Nhà nước. “Sở đã báo cáo UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo vận động gia đình đề nghị đưa vào bảo tàng quản lý theo Luật di sản.

Nếu là tượng bình thường thì có thể mang vô nhà thờ cúng nhưng không xây dựng công trình gì, tuy nhiên ở đây tượng Phật là cổ vật thì không được làm như vậy mà phải giao cho Nhà nước.

Sở và địa phương đã vận động nhưng gia đình vẫn không chịu dù chúng tôi có trình bày chính sách hỗ trợ công khai quật, bảo vệ và gìn giữ tượng... Chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục vận động gia đình” - ông Thiện khẳng định.

Phải giao cho chính quyền và được thưởng

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TP Cần Thơ), nếu tượng Phật là vật vô chủ thì người dân phải có nghĩa vụ thông báo cho chính quyền địa phương nơi gần nhất để thực hiện các công đoạn tiếp theo theo quy định pháp luật. Người dân sẽ được thưởng tùy theo giá trị tài sản mà họ phát hiện.

 

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục