15/01/2004 06:00 GMT+7

Phải xóa bỏ tiền lệ "biết ơn" lãnh đạo bằng quà cáp

DUY THÔNG thực hiện
DUY THÔNG thực hiện

TT - Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã có chỉ thị không cho cán bộ, công chức đến thăm nhà lãnh đạo trong dịp tết, không dùng tiền công quĩ để biếu xén cấp trên. Xoay quanh vấn đề này, Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Vũ Hoàng Hà - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

YWa4HiHY.jpgPhóng to
Ông Vũ Hoàng Hà
TT - Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã có chỉ thị không cho cán bộ, công chức đến thăm nhà lãnh đạo trong dịp tết, không dùng tiền công quĩ để biếu xén cấp trên. Xoay quanh vấn đề này, Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Vũ Hoàng Hà - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

* Thưa chủ tịch, vì sao UBND tỉnh Bình Định có chủ trương không cho cán bộ, công nhân viên đến thăm nhà lãnh đạo trong dịp tết?

- Chủ trương này xuất phát từ ý định lãnh đạo của tỉnh muốn cán bộ, công nhân viên toàn tỉnh dành thời gian trong dịp tết để thăm bà con, bạn bè, cán bộ hưu trí, người bệnh tật… Vì nếu đi thăm lãnh đạo thì sẽ mất thời gian. Trong mấy năm qua, có tình trạng nhiều cán bộ, công nhân viên đến thăm nhà lãnh đạo năm, bảy lượt, cố làm sao để lãnh đạo nhớ được mặt mình mới yên tâm.

Thực tế trong những ngày cuối năm tỉnh cũng tổ chức buổi gặp gỡ chúc tết nhân dịp năm mới, vì thế không cần phải tốn quá nhiều thời gian để thăm viếng lẫn nhau trong ngày tết. Theo thông lệ, các đoàn của huyện lên thăm tỉnh, các đoàn của xã lên thăm huyện, kèm theo đó là những món quà biếu, tuy không nhiều nhưng lại tốn kém ngân sách. Hơn nữa, tỉnh cũng có chủ trương các đồng chí lãnh đạo các cấp dành thời gian để thăm viếng những đối tượng đau yếu, vùng nghèo bị thiên tai.

* Nhưng thưa ông, vì sao lại có tâm lý phải được lãnh đạo “nhớ mặt” trong dịp tết mới yên tâm?

- Thật ra họ muốn có mặt chúc tết là do họ bày tỏ sự biết ơn và mong muốn được giúp đỡ. Về phía chủ trương của tỉnh, dù ai đó đến hay không đến thì các đồng chí lãnh đạo phải làm việc theo trách nhiệm. Các thành phần kinh tế đều được đối xử như nhau. Chả lẽ gần 700 doanh nghiệp đều đến thăm thì lãnh đạo nào có đủ thời gian để tiếp! Hơn nữa khi đến thăm tết lại thường kèm theo quà biếu, mà tiền đó là tiền của đơn vị chứ có anh nào tự bỏ tiền túi ra đâu? Chúng tôi muốn ngăn chặn tiền lệ “anh đến thì được quan tâm ưu ái, còn không đến thì bị cho là không biết điều…”.

* Chủ trương này có phải nhằm hạn chế việc lợi dụng lễ tết để đưa hối lộ, hay tham nhũng?

- Nếu nói là để hạn chế việc hối lộ, mua chuộc thì không phải, vì trong một năm người ta có thể gặp gỡ nhau thực hiện điều này mà không cần đến dịp tết. Trong dịp tết, xuất phát từ tâm lý của người ta muốn bày tỏ biết ơn lãnh đạo, làm lãnh đạo mà để cấp dưới “biết ơn” mình thế này thế khác, nhất là việc “biết ơn” đó lại bằng quà cáp, thì không nên. Chúng tôi muốn xóa bỏ tiền lệ này.

* Thưa ông, mối quan hệ trong công sở, đơn vị là quan hệ với lãnh đạo và nhân viên, nhìn ở góc độ xã hội lại có thêm mối quan hệ bạn bè, chiến hữu thân thiết, liệu chủ trương của tỉnh có làm cho truyền thống thăm nhau trong ngày tết bị ảnh hưởng?

- Không, cái đó thì tỉnh không cấm! Cán bộ, công nhân viên đi thăm chúc tết lẫn nhau là chuyện bình thường. Tỉnh chỉ cấm đi thăm nhà lãnh đạo thôi. Tất nhiên lãnh đạo cũng có bạn bè thì những người đến thăm chỉ với tư cách là bạn bè chứ không phải với tư cách của công ty này đơn vị kia. Ở đây tỉnh chỉ đặt vấn đề cấm việc thăm hỏi có tính chất cầu lợi, để lãnh đạo có ưu tiên ưu đãi. Cái này thì không được!

*Thưa ông, đâu là ranh giới để phân biệt giữa việc một nhân viên đến thăm lãnh đạo và những người bạn đến thăm nhau?

- Điều đó quả thật không được rõ ràng, nó đòi hỏi lương tâm của từng đồng chí lãnh đạo.

* Như vậy văn bản này có giá trị pháp lý không? Vì theo như ông nói, chỉ dựa vào lương tâm thôi thì chưa đủ?

- Thật ra mình phải uốn dần từ nhiều năm, năm ngoái tỉnh đã làm rồi. Năm ngoái khi văn bản ra thì số lượng các doanh nghiệp, cơ quan đến thăm nhà lãnh đạo đã giảm. Tôi tin năm nay số lượng này cũng sẽ giảm. Tôi nghĩ là mình làm liên tục ba bốn năm sẽ hạn chế và chấm dứt hiện tượng này.

* Ông đánh giá dư luận của địa phương về chủ trương này như thế nào?

- Cũng có nhiều tranh cãi, hai luồng ý kiến khác nhau. Ý kiến ủng hộ, theo tôi, là đa số. Cán bộ, công nhân viên sẽ rất thanh thản, yên tâm vui tết. Nếu không có chủ trương này, tôi nghĩ nhiều người sẽ cảm thấy thiếu sót khi không đến thăm nhà lãnh đạo, mà thời gian tết rất cần cho việc thăm hỏi bà con thân thuộc, bản thân lãnh đạo cũng có gia đình, bà con phía nội ngoại…

* Xin cảm ơn ông.

Ý kiến

- Tôi thấy đây là chủ trương đúng. Hằng năm khi tết đến tôi không có thói quen đến nhà sếp, nhưng một số đồng nghiệp của tôi năm nào cũng phải dành thời gian đến thăm tết, xem như một thủ tục bắt buộc. Những cuộc thăm viếng đang vui vẻ, họ cũng đành khước từ để đến nhà sếp và nói “để cho xong thủ tục ấy mà”. Đôi khi tôi cũng thấy hoang mang, ai ai cũng đến chúc tết sếp đầu năm, mình không đến thì cũng hơi… lo lo vì sợ bị đánh giá không “biết điều”.(Một nhân viên hành chính có thâm niên 20 năm)

- Tôi thấy việc này có vẻ mang tính hình thức, không cho đến thăm tết nhưng quà cáp vẫn đều đặn, nhất là những ngày giáp tết sao lại không cấm? Vì thông thường trong các ngày tết người ta chỉ đến thăm nhau, ít khi mang quà biếu… Cái mà theo tôi thấy được trong chủ trương của tỉnh là tiết kiệm được thời gian, người ta không phải mất quá nhiều thời gian để làm những việc không thật sự từ tình bằng hữu.(Một người dân ở TP Qui Nhơn)

DUY THÔNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên