29/05/2014 07:56 GMT+7

Phải minh bạch ngành nghề kinh doanh có điều kiện

L.KIÊN - Q.THANH - V.V.THÀNH
L.KIÊN - Q.THANH - V.V.THÀNH

TT - Ngày 28-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi).

PWr3XkjW.jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Ảnh: V.Dũng

Để không gây khó cho doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ danh mục ngành nghề kinh doanh cấm và ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Hơn 3.000 danh mục ngành nghề cấm kinh doanh

"Đề nghị cần có lý lịch tư pháp khi thành lập doanh nghiệp"

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng, dự án luật này đã được chuẩn bị kỹ và gần như là đưa ra một đạo luật mới so với Luật doanh nghiệp hiện hành, theo tinh thần rất cởi mở với doanh nghiệp.

“Mong muốn của ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra là liệt kê để quy định rõ vào luật danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, nhưng việc này hơi khó và chúng tôi đang làm” - ông Hùng cho hay. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu hứa nếu chuẩn bị kịp danh mục này sẽ báo cáo Quốc hội ngay tại kỳ họp thứ 7. “Qua thống kê đến thời điểm này thì danh mục ngành nghề cấm kinh doanh đã hơn 3.000” - ông Giàu cho biết.

Tuy nhiên theo ông Giàu, điểm khó còn lơ lửng cần thảo luận là vấn đề kinh doanh có điều kiện cũng phải được cụ thể hóa để minh bạch. “Còn nếu để chung chung như thế này, khi nhà đầu tư chuẩn bị đầu tư, làm đủ thứ thủ tục tốn kém nhưng mai mốt công bố cấm kinh doanh (ngành nghề đó) thì rủi ro ai chịu. Nếu không minh bạch thì không có môi trường kinh doanh tốt. Mong muốn của chúng tôi là luật này tạo ra bước đột phá mới trong việc cải thiện môi trường đầu tư” - ông Giàu nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị quy định rõ ràng bằng được hai danh mục ngành nghề kinh doanh cấm và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. “Những gì nằm ngoài hai danh mục này thì người dân có quyền tự do kinh doanh” - ông Lịch nói.

iW1T3ZIb.jpg
Đại biểu Trần Du Lịch - Ảnh: V.Dũng

Thoáng nhưng phải hậu kiểm tốt

"Bây giờ yêu cầu lập doanh nghiệp phải nộp lý lịch tư pháp là đi lùi quá xa, không ai làm thế đâu"

Đại biểu Trần Du Lịch

“Có cần đăng ký ngành nghề kinh doanh như hiện nay không?” - đại biểu Trần Du Lịch hỏi và cho biết đã trực tiếp mời Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM để hỏi nếu không đăng ký ngành nghề trong giấy phép đầu tư thì sở nói rõ là không ảnh hưởng gì cả, càng tốt. Ông Lịch ví von cấp giấy đăng ký kinh doanh cũng giống như làm khai sinh cho đứa bé ra đời, còn trong tương lai nếu nó vi phạm pháp luật thì đừng đổ tội cho người cấp khai sinh.

Theo đó, ông Lịch cho rằng chuyện doanh nghiệp ra đời nhưng không hoạt động thì cơ quan thuế phải theo dõi, cảnh báo trên trang web để những người giao dịch không bị lừa đảo.

Đại biểu Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) cho rằng Nhà nước phải nắm được doanh nghiệp làm cái gì, qua đó cũng để nắm được sức khỏe của doanh nghiệp nói riêng và sức khỏe của nền kinh tế nói chung, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Quản lý tốt cũng để đảm bảo thu thuế, thu đủ cho ngân sách nhà nước. “Trong giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp thì không cần đăng ký ngành nghề kinh doanh, nhưng cần quy định doanh nghiệp phải khai báo và đăng ký với cơ quan nhà nước về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Trường hợp khai báo mà không làm, hoặc làm mà không báo đều phải có chế tài. Nhiều ý kiến cho rằng việc thành lập doanh nghiệp ở VN quá dễ dàng, chỉ cần một tấm chứng minh nhân dân là có thể thành lập doanh nghiệp. Tôi nghĩ cũng cần quy định tóm tắt tiểu sử, lý lịch của các cá nhân tham gia quản lý doanh nghiệp để đối tác, khách hàng người ta có thể nắm bắt được, tạo sự yên tâm trong làm ăn” - ông Vinh bày tỏ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) băn khoăn quy định chỉ cần giấy chứng minh nhân dân photo là đơn giản quá khi làm thành lập doanh nghiệp, đề nghị cần có lý lịch tư pháp khi thành lập doanh nghiệp. Nhưng đại biểu Trần Du Lịch nói ngay “bây giờ yêu cầu lập doanh nghiệp phải nộp lý lịch tư pháp là đi lùi quá xa, không ai làm thế đâu”.

Chia sẻ băn khoăn này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết khi đi vào thực tiễn giải quyết các tranh chấp mới thấy được vấn đề. “Việc sửa Luật doanh nghiệp lần này phải xuất phát từ thực tiễn, tránh chuyện mị dân hay hô những khẩu hiệu doanh nghiệp nghe rất sướng”. Theo đại biểu Nghĩa, đầu vào (thành lập doanh nghiệp) dễ dàng, thông thoáng... nhưng tới đây phải chấn chỉnh vấn đề hậu kiểm và phải làm thật tốt, vừa qua có lúng túng ở khâu này. “Luật lần này phải đặt mạnh cơ chế hậu kiểm và phải có quy định chế tài trách nhiệm những cơ quan hậu kiểm” - ông Nghĩa kiến nghị.

Việc dự thảo luật bổ sung chương mới quy định về doanh nghiệp nhà nước đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một số ý kiến tán thành, tuy nhiên đa số ý kiến đề nghị không nên có chương hoặc mục riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước trong luật.

Được tự do kinh doanh nhưng không xâm hại các lợi ích khác

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Vương Đình Huệ - trưởng Ban Kinh tế trung ương - cho biết:

- Quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng một mặt tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp như Hiến pháp quy định, nhưng đồng thời Hiến pháp và các đạo luật khác quy định, cũng là đòi hỏi của xã hội, tức là quyền tự do kinh doanh đấy không xâm hại đến lợi ích của xã hội, cộng đồng, tổ chức và cá nhân khác. Cho nên nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề cập vấn đề xây dựng các cơ chế chủ yếu là hậu kiểm và cơ chế này phải được quy định về mặt thể chế để thực hiện vấn đề này.

Do vậy, cần thiết phải quy định những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thậm chí có những ngành phải cấm. Vấn đề này cũng phù hợp với Hiến pháp. Nhưng cái khó là cách thức thực hiện như thế nào, nên phải tiếp tục rà soát lại những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, những ngành nghề cần phải cấm kinh doanh. Cách thức làm có thể trình ra Quốc hội một danh mục như ý kiến của Ủy ban Kinh tế Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội để Quốc hội xem xét và quyết định luôn. Cách thứ hai là Luật doanh nghiệp (sửa đổi) quy định những vấn đề có tính chất nguyên tắc và kiến nghị Quốc hội khẩn trương sửa các luật chuyên ngành liên quan. Cách thức tốt nhất có thể, cũng đã có tiền lệ rồi, là dùng một luật để sửa nhiều luật, để làm sao sau khi Luật doanh nghiệp sửa đổi được thông qua thì có một hành lang pháp luật có thể vận hành được ngay.

Q.THANH ghi

L.KIÊN - Q.THANH - V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên