08/05/2016 15:52 GMT+7

Phải loại nhà đầu tư “mượn đầu heo nấu cháo”

NGỌC ẨN - HÀ MI
NGỌC ẨN - HÀ MI

TTO - Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý phải loại bỏ các nhà đầu tư tham gia dự án BOT theo kiểu vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, chi phí đội lên lại đổ lên đầu người dân.

Trạm thu phí cầu Đồng Nai đặt trên quốc lộ 1 thuộc địa phận thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là trạm thu phí theo hình thức BOT - Ảnh: Hữu Khoa
Trạm thu phí cầu Đồng Nai đặt trên quốc lộ 1 thuộc địa phận thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là trạm thu phí theo hình thức BOT - Ảnh: Hữu Khoa

Sau khi Tuổi Trẻ (ngày 7-5) phản ánh tình trạng các trạm thu phí đặt “nhầm chỗ”, phí giao thông cao hơn chi phí nhiên liệu, nhiều bạn đọc và chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần sớm chấn chỉnh, đừng để phí giao thông đè nặng người dân.

Theo các chuyên gia, để giảm phí, cơ quan quản lý phải loại bỏ các nhà đầu tư tham gia dự án BOT theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo”, chủ yếu vay vốn ngân hàng với lãi suất cao khiến suất đầu tư bị đội lên, chi phí lại đổ lên đầu người dân.

TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông):

Phí giao thông quá sức chịu đựng của người dân

Trong vài năm gần đây, ngành giao thông vận tải đã có các bước phát triển đột phá trong đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt khôi phục nâng cấp mạng lưới đường quốc lộ và xây dựng hệ thống đường cao tốc tạo thuận lợi cho người dân đi lại, hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ nhanh hơn, thuận lợi hơn, an toàn hơn.

Thế nhưng, việc có quá nhiều trạm thu phí mọc lên với mức phí quá cao đang gây bức xúc trong dư luận cũng là điều dễ hiểu.

Ở các nước, việc người dân đóng thuế phí sử dụng đường, trực tiếp hay gián tiếp, là chuyện bình thường.

Nhiều nước còn lập ra quỹ bảo trì đường bộ để hỗ trợ ngân sách, đảm bảo nguồn vốn quản lý và duy tu nâng cấp cầu đường. Bởi thà rằng bỏ ra 1 đồng để duy tu còn hơn phải bỏ ra 10 đồng để xây dựng lại con đường gần như mới.

Vấn đề là cơ chế công khai minh bạch và quy định hướng dẫn sử dụng quỹ bảo trì sao cho hiệu quả, đúng mục đích.

Khi Nhà nước và nhà đầu tư làm BOT, lẽ ra phải cho người dân đang sử dụng bình thường các con đường mà mình phải chịu thuế phí, được quyền lựa chọn phương án đường đi tốt nhất lợi nhất cho mình, không áp đặt phải chạy vào đường BOT.

Trong khi đó, nhiều con đường do Nhà nước lấy tiền thuế của người dân đầu tư, được doanh nghiệp nâng cấp, mở rộng và đặt trạm thu phí với mức phí cao như làm đường mới là quá vô lý.

Thậm chí đặt trạm ở đường này để thu phí cho đường khác, trạm thu phí đua nhau mọc lên như ma trận bất chấp quy định khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm thu phí là 70km khiến nhà xe không còn chọn lựa.

Nguyên nhân của tình trạng này là do vốn đầu tư dự án BOT thường rất lớn, trong khi nhà đầu tư VN thường có vốn mỏng, phải sử dụng hơn 85% vốn vay thương mại với lãi suất cao, khiến giá thành đội lên nên phải tìm mọi cách tận thu để thu hồi vốn.

Để chấn chỉnh tình trạng này, theo tôi, Chính phủ cần bổ sung nghị định 15/2015 về dự án đầu tư PPP, tăng vốn thực có của nhà đầu tư, khống chế vốn vay và lãi suất vay.

Tốt nhất là có một nghị định riêng về BOT giao thông, trong đó công khai minh bạch và nâng cao trách nhiệm các cấp thẩm quyền quản lý hợp đồng, kiểm soát chi phí.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cần thay thế gấp thông tư 159, những nội dung liên quan đến quy hoạch, kỹ thuật chuyên ngành cần giao lại cho Bộ GTVT (như cự ly các trạm thu phí BOT...), quy định rõ điều kiện thay đổi hợp đồng và điều chỉnh trượt giá.

Bộ GTVT cần trình quy hoạch các trạm thu phí BOT trên cả nước, cho tất cả loại đường. Đặc biệt, có thể nghiên cứu hình thức BOT nhưng không đặt trạm thu phí từng dự án như các nước đã làm.

Giao thông vận tải là mạch máu hệ thống kinh tế - xã hội, nghẽn mạch hoặc không đi trước đều ảnh hưởng trì trệ các lĩnh vực ngành nghề khác. Nhưng nếu chi phí vận tải quá sức chịu đựng của người dân, của các doanh nghiệp, của toàn xã hội... là điều cần cân nhắc thận trọng.

* Ông Nguyễn Xuân Thiện (chủ nhiệm HTX Thống Nhất, Đồng Nai):

Bán xe để... chạy phí

Chỉ vừa qua trạm thu phí cầu Đồng Nai về đến huyện Trảng Bom khoảng 20km, nhà xe đã móc túi trả thêm phí với giá cao cho trạm thu phí trên quốc lộ 1 (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom). Có người chỉ đi vài kilômet, không đi tuyến tránh TP Biên Hòa (đường Võ Nguyên Giáp) vẫn bị thu phí.

HTX chúng tôi có 150 xe hợp đồng chở công nhân vào KCN Bàu Xéo qua lại khoảng 2km, không đi tuyến tránh quốc lộ vẫn phải trả phí. Trước đây, xe chở công nhân mua vé tháng chỉ 1.320.000 đồng/vé tháng nhưng đầu năm 2016 phải trả tới 2.250.000 đồng/vé tháng.

Nhiều nhà xe có khách chở qua lại đoạn này phải bán xe vì phí. HTX phải nhờ công ty có công nhân hỗ trợ thêm tiền xăng dầu mới dám chạy.

Ông Lê Nhật Trường (chủ tịch công đoàn Công ty TNHH PouSung, KCN Bàu Xéo, Đồng Nai):

Công nhân cũng è cổ đóng phí đường bộ

Công ty chúng tôi hợp đồng 270 xe để chở khoảng 12.000 công nhân vào làm việc. Do có trạm thu phí Trảng Bom, công ty phải bỏ thêm tiền hỗ trợ nhà xe để đưa công nhân đi làm việc, nếu không nhà xe cũng từ chối.

Điều bức xúc là việc tăng phí của trạm này khiến công nhân nghèo cũng đang è cổ ra trả tiền thêm cho trạm thu phí.

Khi trạm Trảng Bom tăng phí từ đầu năm 2016, nhà xe phải tăng tiền vé với công nhân lên 200.000 đồng/tháng thay vì 170.000 đồng/tháng như trước đây.

Công đoàn công ty đã có đơn kêu cứu về tình trạng đặt trạm bất hợp lý để bảo vệ quyền lợi cho công nhân, nhưng chủ đầu tư trả lời thu theo quy định của Nhà nước cho phép và đưa văn bản của Bộ Tài chính ra.

Phí quá cao và vô lý

Trong phản hồi gửi đến Tuổi Trẻ, bạn đọc Trương Thái cho biết hay về quê ở Thái Bình, cả đi lẫn về hết 150.000 đồng tiền dầu nhưng phải đóng hết 260.000 đồng tiền phí cầu đường.

Đấy là đang hiện tại, mấy hôm nữa một số trạm lại tăng tiếp thì phí cầu đường đắt gấp hơn 2 lần chi phí nhiên liệu. Theo anh Thái, một số trạm thu rất bất hợp lý như trạm thu phí cầu Tân Đệ, dù đã thu không biết bao nhiêu năm nhưng hầu như năm nào cũng tăng phí.

Bạn đọc Da Nang cũng bức xúc thốt lên: “Thật là vô lý hết sức. Tôi ở Đà Nẵng về thăm nhà ở Duy Xuyên cách đó 25km về phía nam phải nộp hết 70.000 đồng phí đường bộ dù xe tôi không qua bất cứ cái hầm nào ở Hải Vân cả”.

Theo bạn đọc này, khi nghe thắc mắc, cô thu phí nói là “thu giúp cho hầm Hải Vân”. Trong khi xe tôi chạy chưa hết 40.000 đồng tiền dầu.

“Dựa vào lưu lượng xe từ Đà Nẵng xuôi về Nam nhiều hơn là từ Đà Nẵng ra Bắc nên người ta bứng trạm thu phí Hải Vân áp vô Điện Bàn nhằm thu theo kiểu ăn chặn nhà xe. Lái xe mà ấm ức quá làm sao lái xe cho an toàn?”, bạn đọc này đặt vấn đề.

Trong khi đó, bạn đọc tên Nam cho rằng con đường sẵn có là của dân của nước, người dân đóng thuế bảo trì, Nhà nước phải sửa đường cho dân. Nếu các đường mới làm tốt là đường nhà đầu tư tự bỏ vốn ra làm thì không nói làm gì.

“Nhưng dự án BOT chỉ tráng lại đường sẵn có của người khác (Nhà nước và nhân dân) thì có thu cũng thu cái lớp tráng men của anh thôi là cùng, còn đây thu tất, tận thu luôn tài sản sẵn có của người khác bằng giá cao ngất”, anh Nam bức xúc.

Đ.KHÔI tổng hợp

NGỌC ẨN - HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên