14/01/2017 15:21 GMT+7

Phải cổ phần hóa các doanh nghiệp công ích của Nhà nước

LÊ THANH - XUÂN LONG ghi
LÊ THANH - XUÂN LONG ghi

TTO - Ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng muốn xã hội hóa dịch vụ công ích, việc đầu tiên là phải cổ phần hóa các DN nhà nước đang thực hiện các dịch vụ công ích.

Ông Phạm Sỹ Liêm (nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng):

Ông Phạm Sỹ Liêm
Ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng

Cổ phần hóa doanh nghiệp công ích của Nhà nước

Thực ra dịch vụ công ích không có nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia vì lâu nay chỉ có DN nhà nước làm thôi. Bởi các DN này là con của Nhà nước nên UBND phải giao việc.

Cho nên muốn xã hội hóa dịch vụ công ích, việc đầu tiên là phải cổ phần hóa các DN nhà nước đang thực hiện các dịch vụ công ích.

Nhà nước nếu có thì chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong DN này, như thế DN tư nhân và các thành phần kinh tế khác mới có thể tham gia các dịch vụ công ích. Lúc đó mới có sự bình đẳng trong đấu thầu, đấu giá giữa các đơn vị tham gia dịch vụ công ích được.

Ông Nguyễn Đình Cung (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Ông Nguyễn Đình Cung
Ông Nguyễn Đình Cung

Đấu thầu để chọn doanh nghiệp có dịch vụ tốt

Để tăng chất lượng dịch vụ mà lại giảm chi cho dịch vụ công ích thì việc đầu tiên cần phải làm là sửa đổi, bổ sung thể chế, quy định hiện hành hướng theo thị trường.

Nghĩa là mở ra tự do hóa lĩnh vực dịch vụ công ích này giống như phần lớn các loại dịch vụ khác. DN tư nhân, DN nhà nước đều được tham gia lĩnh vực này.

Thứ hai là các đơn vị đó phải được tự chủ, dù Nhà nước hay tư nhân đều phải được tự chủ về nhân sự, tài chính, hoạt động kinh doanh...

Thứ ba, đối với quản lý nhà nước cần phải thay đổi về tư duy đối với loại dịch vụ mà Nhà nước còn phải bỏ chi phí ra thì nên thuê dịch vụ bên ngoài chứ không phải là tự cung ứng.

Tức là đấu thầu để lựa chọn DN nào tốt nhất có thể tổ chức cung ứng các dịch vụ đó chứ không thể giao cho DN của mình.

Như Hà Nội, hai năm trước, dịch vụ thoát nước, chiếu sáng đô thị, vệ sinh môi trường 100% là đặt hàng cho DN nhà nước làm. Với cơ chế này thì làm sao tạo ra thị trường, công bằng, bình đẳng và hiệu quả!

* Ông Hoàng Tuân (giám đốc Trung tâm mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính - Sở Tài chính Hà Nội):

Hà Nội sẽ đấu thầu 100% dịch vụ vệ sinh môi trường

Đối với các dịch vụ công ích, trước mắt UBND TP Hà Nội chỉ đạo phải rà soát, và những dịch vụ công ích nào đấu thầu được sẽ cho các đơn vị tham gia đấu thầu thực hiện 100%.

Đối với dịch vụ công ích về vệ sinh môi trường, đây là dịch vụ công ích lớn, vì vậy TP chỉ đạo cần thiết phải tổ chức đấu thầu trước.

Để đấu thầu được thì phải xây dựng được bộ định mức, đơn giá. Vừa qua TP đã xây dựng và ban hành quyết định số 6841 ngày 13-12-2016 công bố quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá duy trì vệ sinh môi trường, thay thế bộ đơn giá cũ.

Bộ đơn giá, định mức mới được xây dựng khoa học, trong đó xác định rõ phải đưa cơ giới hóa vào, đưa các ứng dụng vào để giảm giá thành, tiết kiệm chi ngân sách.

5.000 tỉ đồng

Đó là số tiền Hà Nội chi cho dịch vụ công ích năm 2016. Việc chọn đơn vị thực hiện các dịch vụ công ích chủ yếu, tới 100% là đặt hàng, giao việc cho các doanh nghiệp nhà nước.

Đây là nguyên nhân chính khiến chất lượng dịch vụ công ích không cao dù ngân sách bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng.

LÊ THANH - XUÂN LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên