18/09/2016 10:12 GMT+7

Phải chuyển nhà để tránh tiếng ồn

BÌNH MINH ghi
BÌNH MINH ghi

TTO - Một số người nước ngoài đang sinh sống tại TP.HCM đã kể về những trải nghiệm khó chịu đối với tiếng ồn từ các quán karaoke, cửa hiệu, hàng quán tại Việt Nam.

Dàn loa đặt trước cửa một trung tâm điện máy ở Q.10 (TP.HCM) “tra tấn” người dân trong khu vực - Ảnh: HỮU THUẬN
Dàn loa đặt trước cửa một trung tâm điện máy ở Q.10 (TP.HCM) “tra tấn” người dân trong khu vực - Ảnh: HỮU THUẬN

Từ nhỏ tới lớn tôi chưa từng thấy cửa tiệm nào tại Úc dùng loa để quảng cáo như tại Việt Nam. Họ chủ yếu quảng cáo qua truyền hình hay radio chứ không phải qua loa.

Ông Geoffrey Morris (người Úc, giáo viên Trường ĐH quốc tế RMIT)

Đồng thời họ còn chia sẻ biện pháp mà nước họ áp dụng để bảo vệ người dân có môi trường sống yên bình.

TS Mike Turner (người Úc, giám đốc điều hành Trường CĐ Việt - Mỹ tại TP.HCM):

Úc phạt nặng, tước giấy phép kinh doanh

TS Mike Turner - Ảnh: NVCC
TS Mike Turner - Ảnh: NVCC

Trong hai năm ở Việt Nam, tôi thấy nơi đây là một trong những quốc gia có nhiều tiếng ồn nhất so với những nơi tôi đã đi qua.

Tôi vừa phải chuyển nhà đi nơi khác vì gần khu tôi ở có một quán karaoke. Tôi không thể nào ngủ nổi trước nửa đêm vì họ bật nhạc nghe muốn điếc cả tai. Đó là chưa kể tôi mới vừa ngủ được một chút thì khoảng 4g sáng lại có nhiều người bấm còi xe, mở loa bán hàng với âm thanh đinh tai nhức óc.

Tại Úc, người dân sẽ chủ động yêu cầu chủ tiệm hoặc hàng xóm tắt nhạc nếu âm thanh gây phiền hà. Nếu yêu cầu chính đáng này không được đáp ứng, chúng tôi có quyền gọi cảnh sát để yêu cầu tắt nhạc hoặc giảm âm lượng tùy vào thời điểm nào trong ngày.

Chính phủ Úc quy định cực kỳ chặt chẽ về các vấn đề liên quan đến ô nhiễm âm thanh. Một số trường hợp vi phạm có thể bị đưa ra tòa và phạt thật nặng. Các công ty vi phạm nhiều lần có nguy cơ bị đóng cửa và tước giấy phép kinh doanh.

Đối với cá nhân là người dân bình thường, hiện chưa có mức phạt cụ thể mà tùy tòa án đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ việc và số lần người đó vi phạm. Đối với các công ty mở âm thanh quá lớn, ngoài việc bị tước giấy phép kinh doanh, nếu vi phạm lần thứ hai sẽ phải đóng phạt 5.000 đôla Úc, và sau đó là 300 đôla Úc mỗi ngày nếu tiếp tục vi phạm.

Ông George Chapman (người Anh, giáo viên Trường ĐH quốc tế RMIT):

Vi phạm nặng có thể bị bắt

Tại Anh, thường bạn sẽ thấy các bar, club rất ồn ào vì họ bật nhạc liên tục. Trong khi đó tại Việt Nam, nơi gây chú ý nhiều nhất với những tiếng ồn kinh khủng lại là các cửa hàng.

Một số nơi như tiệm bán quần áo mà mở nhạc thì còn hiểu được. Đằng này những chỗ chẳng liên quan gì như tiệm bán yến sào, đồ nội thất hay quần áo con nít mà cũng mở nhạc vũ trường inh ỏi thì tôi chẳng biết để làm gì.

Các cửa hàng này lại thường nằm ở các tuyến đường có đông người qua lại khiến người đi đường dễ mất tập trung, gây tai nạn. Không những vậy, những người ở quanh khu vực đó cũng cực kỳ “đau khổ” vì các tiệm thường bật đi bật lại một bài nhạc với âm lượng to khủng khiếp.

Đôi khi tôi có cảm giác những âm thanh đặc biệt là tiếng trống khiến tường rung lên...

Nhiều người có thói quen đi ngủ sớm từ lúc 10g tối. Trong khi đó, các cửa hàng quần áo hay tiệm karaoke bật nhạc quá nửa đêm hoặc có khi là suốt đêm. Thật sự rất phiền phức nếu sáng hôm sau bạn cần thức dậy sớm.

Ở Anh, những nơi giải trí đều phải trang bị tường cách âm. Ngoài ra, họ vẫn phải tự giới hạn âm thanh ở một mức nhất định. Nếu không, cảnh sát sẽ đến yêu cầu họ tắt nhạc, ngưng hoạt động để trả lại cho mọi người không gian yên bình, hoặc thậm chí tước giấy phép kinh doanh nếu bạn vi phạm quá nhiều lần.

Cảnh sát có thể “nhẹ tay” đối với các trường hợp vi phạm lần đầu và chỉ nhắc nhở. Tuy nhiên, sau đó họ sẽ dùng thiết bị đo lường mức âm lượng để có đủ chứng cứ buộc tội. Trường hợp nặng nhất là người vi phạm có thể bị khởi kiện hoặc bị bắt.

Ngoài ra, tại Anh, mỗi khu vực khác nhau có khung giờ quy định riêng về thời gian cho phép bật nhạc. Thông thường các thành phố có nền văn hóa lâu đời sẽ quy định thời gian mở nhạc và mức âm lượng khắt khe hơn, còn nơi du lịch hoặc thu hút nhiều giới trẻ với nhiều bar, club sẽ thoáng hơn một chút.

Các cửa hàng ở nước tôi cũng không bao giờ mở nhạc lớn vì người dân chắc chắn không bước vào các tiệm xô bồ như vậy để mua hàng. Ngay cả các tiệm bán dụng cụ âm nhạc cũng không bật nhạc. Nếu khách muốn thử một cây guitar, chủ tiệm sẽ trang bị cho khách tai nghe cá nhân để không phiền đến những người khác đang mua hàng.

Đối với các quán kinh doanh có hát nhạc sống, họ còn phải xin giấy phép để được hát, đồng thời đảm bảo âm thanh không gây ảnh hưởng đến những người xung quanh nếu không muốn bị tước giấy phép.

Nhà dân không nằm chung với khu kinh doanh

Theo TS Mike Turner, ở Úc ngoại trừ các khu chưa quy hoạch, thông thường nhà dân không nằm chung với khu vực kinh doanh. Ngược lại, việc mở công ty sát nhà dân là hành vi bất hợp pháp, trừ phi bạn phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến môi trường hoặc gây ô nhiễm âm thanh.

Các hộ dân không được phép mở nhạc quá lớn trong khoảng từ 10g đêm đến 7g sáng từ thứ hai đến thứ sáu và từ 11g đêm đến 7g sáng thứ bảy và chủ nhật. Các công ty kinh doanh được phép mở âm thanh lớn từ 7g sáng đến 7g tối từ thứ hai đến thứ sáu, và từ 9g sáng đến 7g tối trong hai ngày cuối tuần.

BÌNH MINH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên