07/07/2017 12:42 GMT+7

Phải bịt lỗ hổng kê khai tài sản

MAI THI (Huế)
MAI THI (Huế)

TTO - Thông tin “Có cán bộ giải trình nguồn gốc tài sản từ nuôi heo” đã gây bức xúc trong dư luận, với nhiều đề nghị cần phải thay đổi cách kê khai tài sản để làm minh bạch tài sản của cán bộ.

Khuôn viên “biệt phủ” của gia đình ông Phạm Sỹ Quý - giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái - Ảnh: Nam Trần
Khuôn viên “biệt phủ” của gia đình ông Phạm Sỹ Quý - giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái - Ảnh: Nam Trần

Câu chuyện về “biệt phủ” của ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái, vẫn đang là tâm điểm chú ý của dư luận.

Bởi nó quá hoành tráng, bề thế so với sức tưởng tượng của con người. Bởi nó ẩn chứa nhiều bí mật chưa thể “bật mí” về nguồn gốc tài sản khủng của quan chức.

Bởi nó một lần nữa làm xói mòn lòng tin của nhân dân về sự liêm khiết của cán bộ công chức vốn được xem là “công bộc của dân”.

Lời giải thích của ông Quý về khối tài sản khủng ấy chưa thật sự đánh bật mối nghi ngờ đang mọc rễ trong dư luận. Một quá trình tích cóp, lam lũ thời trai trẻ với đủ nghề buôn chổi đót, lá chít, làm men nấu rượu... là “tấm lá chắn” chẳng vững chắc chút nào để lý giải về khối tài sản khủng.

Thêm vào đó, lời khẳng định “Tôi vay ngân hàng 20 tỉ đồng làm nhà” càng khiến dư luận đặt dấu hỏi lớn về số tài sản thế chấp cũng như thu nhập hằng tháng của cả đại gia đình ông.

Thế nhưng những lý giải về khối tài sản khủng kiểu đó vẫn được nhiều cán bộ sử dụng. Tại hội nghị giao ban thanh tra các bộ ngành 6 tháng đầu năm 2017, thiếu tướng Phạm Lê Xuất, phó chánh thanh tra Bộ Công an, cũng đã dẫn ra ví dụ “nhiều cán bộ giải trình nguồn gốc tài sản có từ nuôi lợn, nuôi gà” để đề cập đến lỗ hổng trong công tác kê khai tài sản cán bộ.

Quá trình kê khai tài sản đã được đặt ra nhằm quản lý và minh bạch tài sản của cán bộ công chức. Tuy nhiên, hầu như tất cả các quy định trong kê khai tài sản vẫn dựa chủ yếu trên tinh thần tự nguyện, kêu gọi phẩm chất trung thực trong mỗi cán bộ. Cơ chế giám sát, kiểm tra thông tin kê khai, theo thiếu tướng Phạm Lê Xuất, là đang thiếu và yếu.

Vì vậy việc kiểm tra cán bộ kê khai trung thực, đầy đủ hay không là việc khó thực hiện trong thực tế. Chỉ vài trường hợp nổi cộm bị dư luận “chỉ điểm”, khiếu nại, tố cáo thì thanh tra mới vào cuộc và hầu như đều có sai sót, vi phạm.

Không “vơ đũa cả nắm” nhưng sự thật là bên cạnh rất nhiều công bộc luôn nêu cao tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, đây đó vẫn còn nhiều cán bộ tham lam, vơ vét, thích hưởng thụ, tách bạch hoàn toàn với cuộc sống và lợi ích của nhân dân. Chính họ - quan tham ấy - là những con “sâu đục thân” hại dân hại nước, gây ra bao tai tiếng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đội ngũ công chức, đảng viên.

Do vậy, người dân rất đồng tình với lời đề nghị của Thanh tra Chính phủ cần đưa nội dung thanh tra đối với việc kê khai tài sản vào chương trình, kế hoạch thanh tra năm 2018. Sự minh bạch trong tài sản, thu nhập của cán bộ là một đòn bẩy cực kỳ quan trọng cho công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của cả dân tộc.

Bên cạnh đó, cần thanh lọc đội ngũ cán bộ mạnh tay, nghiêm trị những cán bộ thoái hóa. Có như vậy niềm tin của nhân dân về một hệ thống chính trị liêm khiết, trong sạch, vững mạnh mới thật sự bén rễ, mọc mầm.

Đọc mà phát tức

Đó là ý kiến của bạn đọc vuvanchinh1009@... Và đây cũng là tâm trạng chung của hơn 210 ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

* Tôi cũng là viên chức làm việc trong một cơ quan nhà nước được 35 năm, vợ tôi cũng vậy. Vợ chồng tôi cũng nuôi heo, nuôi gà, trồng rau để ăn, để bán, bù đắp vô tiền lương. Vậy mà gia đình tôi vẫn ở nhà cấp 4, vợ chồng chỉ có 2 xe đạp đi làm. Sao họ giỏi vậy? Họ giữ bí mật làm chi, phổ biến kinh nghiệm làm giàu cho mọi người đi.

Phạm Thiết Hùng (HungPhamThiet0401@...)

* Có ai tin nuôi gà, nuôi heo mà giàu lên xây “biệt phủ” không? Tôi thì thấy nhiều người đổ nợ vì làm trang trại nuôi gà, cá, heo rồi đó. Mấy ông nào kê khai như vậy đề nghị Chính phủ chuyển công tác sang khuyến nông và cho về nông thôn phổ biến kinh nghiệm giúp dân làm giàu.

Tư Tài (binhthang58@...)

* Trẻ em “nuôi” heo đất, còn các quan này nuôi heo gì nhỉ? Chắc cũng là heo “đất” thôi, nhưng đây là đất rừng, đất công thành đất tư... Nuôi heo mà cất được “biệt phủ” thì mấy hôm nay nông dân quê tôi không phải tự mổ heo quá lứa đi bán vệ đường, góc phố với giá 100.000 đồng/3kg, còn thịt đầu, lỗ tai chỉ có 10.000 đồng/kg. Người mua cũng cảm thấy đau xé lòng. Vậy mà sao nỡ nói thế, hóa ra người nuôi heo đang “điêu ngoa gian dối” với đời sao?

Thiên Bình (thienbinh@...)

MAI THI (Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: kê khai tài sản