30/08/2017 05:00 GMT+7

Phá băng nợ xấu, cần tiền tươi nhưng cũng cần tình

LÊ THANH (thực hiện)
LÊ THANH (thực hiện)

TTO - Cao ốc Saigon One Tower ở TP.HCM vừa bị thu hồi, mở đầu cho chiến dịch phá băng nợ xấu, biến "cục máu đông" thành tiền tươi thóc thật. Nhưng xiết nợ cũng phải bảo đảm có lý, có tình.

 Tiến sĩ Trương Văn Phước - Ảnh: L.THANH

Tiến sĩ Trương Văn Phước, quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết thực hiện nghị quyết 42 của Quốc hội, tài sản đảm bảo được thu giữ, bán ra thị trường, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Ông nói:

- Việc xử lý nợ xấu theo nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua cần được sự đồng thuận chung của toàn xã hội để việc xử lý nợ xấu tái tạo ra nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng, phục vụ nền kinh tế. Người dân, doanh nghiệp cũng nên chia sẻ nếu như cứ để những tài sản đảm bảo đó thì chúng sẽ bị hư hỏng, xuống cấp và gây thiệt hại chung cho toàn xã hội.

Theo ông, nội dung tinh túy nhất của nghị quyết 42 là gì để đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả xử lý nợ xấu?

- Nghị quyết 42 đặt ra rất nhiều vấn đề liên quan đến quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nhưng nếu cần phải nhặt nhạnh ra những gì tinh túy nhất, cốt lõi nhất của văn bản này thì tôi cho rằng có 2 điểm nổi bật nhất.

Trước hết, đó là cơ chế xử lý tài sản đảm bảo và thứ hai là cơ chế khắc phục khó khăn tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng biểu hiện ở lãi dự thu.

Về xử lý tài sản, nghị quyết cho phép các tổ chức tín dụng thu giữ và bán tài sản đảm bảo theo giá thị trường thông qua các trình tự pháp lý rút gọn.

Về khắc phục khó khăn tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng thì nghị quyết cho phép các khoản lãi dự thu, tức là những khoản lãi cho vay đã hạch toán vào nguồn thu nhưng thực chất chưa thu được do nợ xấu thì nay được phân bổ dần vào chi phí từ 5-10 năm chứ không phải đưa toàn bộ vào các khoản chi ngay bây giờ.

Đồng thời, các tài sản đảm bảo bán theo giá thị trường mà thấp hơn giá trị khoản vay thì tổn thất đó cũng được phân bổ tối đa là 10 năm.

Đó là hai điểm nổi bật mà theo tôi, nếu như tổ chức một bộ máy triển khai nhanh và nắm vững những quy định của nghị quyết 42 thì kết quả xử lý nợ xấu sẽ tốt hơn nhiều. Khi nợ xấu được xử lý tốt hơn sẽ giúp cho tình hình tài chính của tổ chức tín dụng sẽ nâng cao hơn, tạo điều kiện giảm thấp mặt bằng lãi suất.

Sau vụ cao ốc Saigon One Tower ở TP.HCM vừa bị Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) thu giữ, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ bán tài sản này theo giá thị trường. Nhưng làm sao để người vay không thiệt thòi, thưa ông?

- Về chuyện VAMC thu nợ cao ốc hơn 40 tầng trong TP.HCM, có thể nói đây là tài sản đảm bảo có giá trị lớn được xử lý sau khi nghị quyết 42 có hiệu lực. Thực ra chúng ta phải làm việc này sớm hơn để các tài sản đó được lưu động hóa thành nguồn tiền tươi cho các tổ chức tín dụng, vì suy cho cùng các tài sản đó là cũng là tài sản của toàn xã hội.

Nghị quyết 42 quy định việc thu giữ tài sản từ người vay tiền là cá nhân, tổ chức phải tuân theo trình tự pháp lý rất chặt chẽ, nghiêm ngặt, trong đó đã tiên liệu cả việc định giá tài sản thấp làm cho người vay bị thiệt hại. Vì thực ra, trước khi thu giữ dự án, thửa đất, ngôi nhà... thì VAMC phải thuê các công ty định giá có đầy đủ trách nhiệm rồi mới đưa ra bán đấu giá công khai tài sản đó.

Còn cá nhân vay tiền không trả được nợ, nếu nhà, đất của họ mà bị ngân hàng thu giữ thì có những lo ngại gì, thưa ông?

- Vấn đề xử lý nợ xấu của Việt Nam thông thường gắn với tài sản đảm bảo là đất và nhà. Đứng trước việc nếu như không bán ngôi nhà của người vay thì tổ chức tín dụng thu nợ bằng cách nào?

Về mặt pháp lý, tổ chức tín dụng không thể không lấy tài sản đảm bảo bán đi để thu hồi được vốn đã cho vay. Lý do là vốn này, suy cho cùng, cũng là tiền của người dân gửi chứ không phải là tiền của các tổ chức tín dụng.

Tôi nghĩ rằng điều này xã hội cũng hết sức chia sẻ. Khi cấn nợ, xiết nợ ngôi nhà, miếng đất của người vay thì các tổ chức tín dụng cũng phải tìm hiểu hoàn cảnh của khách hàng, chứ ai đi vay tiền kinh doanh mà không mong muốn làm ăn có lãi để trả được nợ gốc và tiền lãi. Nhưng nay vì lý do nào đó mà không trả được nợ thì tổ chức tín dụng cũng cần phải chọn cách xử lý thế nào cho có tình có lý.

Dĩ nhiên cũng phải nói có nơi này, nơi khác, một số cán bộ ngân hàng chèn ép người vay tiền hoặc thông đồng với bên thứ ba để mua rẻ tài sản đảm bảo của khách hàng. Tuy nhiên, tôi nghĩ những trường hợp đó là không nhiều và không phổ biến.

Ông đã từng giữ chức tổng giám đốc một ngân hàng. Vậy theo ông, cách giải quyết có tình có lý trong thu nợ ở đây là gì?

- Cách đây mười mấy năm, tôi từng làm điều hành một ngân hàng thương mại. Nợ xấu thời gian đó cũng rất cao và yêu cầu xử lý cũng hết sức gay gắt và khẩn trương. Để thu giữ tài sản là nhà, đất của khách hàng, chúng tôi cũng phải tìm hiểu hoàn cảnh, cuộc sống của người vay.

Nếu người vay tiền khó khăn quá thì ngân hàng cũng phải chi tiền ra thuê nhà cho họ ở. Thậm chí có nhiều gia đình con đông mà nhà đã thế chấp rồi thì chúng tôi cũng phải mua căn nhà rẻ hơn cho khách hàng để họ có nơi nương náu.

Nên xử lý nợ xấu phải có tình, có lý và linh hoạt. Bên cạnh đó, nghị quyết 42 cũng tạo điều kiện cho việc xử lý trường hợp người vay chây ỳ không chịu trả nợ. Theo đó, văn bản này cho phép xử lý tài sản đảm bảo theo quy trình rút gọn với quy định pháp lý rất chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu chứ không kéo dài một vài năm như lâu nay.

LÊ THANH (thực hiện)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên