03/06/2010 10:37 GMT+7

Pakistan nóng kỷ lục: 53,7 độ C!

TRẦN PHƯƠNG (Theo Guardian, Thaindian, Hindu)
TRẦN PHƯƠNG (Theo Guardian, Thaindian, Hindu)

TT - Nhiều nơi tại Pakistan nhiệt độ lên đến 53-54OC, khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Cái nóng khủng khiếp đó đang đẩy người dân nước này lâm vào tình thế điêu đứng.

Pakistan mùa hè này cũng nóng chết người không thua Ấn Độ khi nhiệt độ tại một số nơi vọt lên mức kỷ lục gần 53-54oC trong hai tuần liên tiếp, khiến hơn 1.000 người đã thiệt mạng tại hai nước này. Nhiều nơi trên thế giới cũng đang chứng kiến cái nóng bất thường.

pDibxMWS.jpgPhóng to
Người dân thành phố Karachi ngủ ngoài đường lúc sáng sớm do trong nhà quá nóng vì mất điện - Ảnh: Reuters
lk17Akta.jpgPhóng to
Người dân phơi mình bên lề đường để trốn cái nóng oi bức do cúp điện tại Karachi, Pakistan giữa tháng 5 - Ảnh: Reuters

Mức 53,7oC trên nhiệt kế gây choáng váng các nhà khí tượng học ở Pakistan ngày 1-6 khi họ đo đạc tại thành phố Mohenjodaro, nơi cất giữ những dấu vết 4.000 năm văn minh của Pakistan bên hai bờ sông Indus. Ngày 26-5, nhiệt độ tại thị trấn Larkana cũng đo được 53oC. Trong lịch sử, chỉ vài trường hợp được ghi nhận cao hơn mức này, như Tirat Zvi ở Israel năm 1942 (53,9oC), thung lũng chết California, Mỹ năm 1913 (56,7oC) hay Al ‘Aziziyah ở Libya năm 1922 (57,8oC).

Nhiệt độ trung bình tại nhiều thành phố của Pakistan cũng xấp xỉ 43-47oC. Cũng như Ấn Độ, cái nóng khủng khiếp cộng với việc cúp điện triền miên đến tám giờ mỗi ngày khiến dân tình ở Pakistan chịu hết xiết. Một số vụ bạo loạn đã xảy ra tại những nơi bị cúp điện nghiêm trọng.

Hơn 1.000 trường hợp thiệt mạng liên quan đến nắng nóng hoặc đau tim được ghi nhận trong hai tháng qua khi nắng nóng bao trùm Ấn Độ và Pakistan. Người già, trẻ em dễ bị ảnh hưởng nhất bởi thời tiết nóng. Tại bang Gujarat, Ấn Độ, khoảng 300 người nhập viện mỗi ngày vì say nắng hay ngộ độc thức ăn.

Tại miền bắc Ấn Độ, nhiệt độ hôm 1-6 nhích lên mức 45oC sau khi giảm chút ít nhờ vài đợt mưa hiếm hoi cuối tuần trước. Churu thuộc Rajasthan nóng nhất, đến 45,4oC, tiếp theo là các khu vực Punjab, Haryana, Ludhiana và Hissar. Thủ đô New Delhi ngột ngạt với nhiệt độ 44,1oC, tăng 2 độ chỉ sau một ngày.

Cuộc khủng hoảng nước kéo theo đó cũng khiến cả người và động vật đều lâm vào tình cảnh khó khăn. Các sông, hồ và vòi bơm nước bắt đầu cạn khô và những cỗ xe bò thường chở nguyên liệu tại Nagpur, Maharashtra được chuyển sang vận chuyển nước. Trong khi đó, tại các khu bảo tồn ở Uttar Pradesh, nhiều loài chim, dơi... chết do mất nước.

Các cơ quan dự báo thời tiết cho biết gió mùa tây nam đã bắt đầu tiến vào phía nam Ấn Độ, song phải đến cuối tháng 6 mới mang được mùa mưa lên đến miền bắc khiến tình hình có thể càng thêm khó khăn trong thời gian tới. “Phải đợi quá lâu. Chắc chúng tôi sẽ phát điên hết trước lúc đó” - Sanjoy Kumar, một người bán bánh ở Delhi, than vãn. Nhiều trường học Ấn Độ đã phải đóng cửa do cái nóng khắc nghiệt.

cbxYz7tz.jpgPhóng to
Một người Anh cũng trốn nóng tại London ngày 24-5 khi một đợt nóng quét qua nước này làm nhiệt độ tăng cao - Ảnh: AFP

Không chỉ tại Pakistan và Ấn Độ, nhiều nơi trên thế giới cũng bước vào mùa hè nóng bức chưa từng thấy.

Các nhà khoa học nhận định nắng nóng đang diễn ra trên khắp thế giới có liên quan mạnh mẽ đến sự gia tăng nhiệt độ trên Thái Bình Dương, hiện tượng thường biết đến với cái tên El Niño. Tuy nhiên, một số khác cho rằng đây là một phần của sự biến đổi khí hậu.

Miền nam châu Âu bắt đầu tăng nhiệt độ nhanh chóng sau khi trải qua một mùa đông lạnh khác thường. Tại Tây Ban Nha, 13 tỉnh đã đặt mức báo động vàng sau khi các nhà khí tượng học đo thấy nhiệt độ lên đến 38oC ở một số nơi.

Nam Á, Bắc Phi và Canada (Bắc Mỹ) cũng có bốn tháng đầu năm nóng kỷ lục. Nhiệt độ ghi nhận vào cuối tuần qua tại hồ Tanganyika của châu Phi, hồ nước ngọt sâu thứ hai thế giới, là khoảng 26oC, mức được đánh giá là ấm nhất trong 1.500 năm qua, khiến cuộc sống của hàng triệu người sống nhờ đánh bắt cá tại đây có nguy cơ bị đe dọa.

Hiệp hội Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, cơ quan giám sát nhiệt độ toàn cầu qua vệ tinh, cho biết năm 2010 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử từng được ghi nhận. Trước đó, nhiệt độ các đại dương trong tháng 3 đã lên mức cao nhất kể từ khi con người bắt đầu ghi nhận vào năm 1880.

TRẦN PHƯƠNG (Theo Guardian, Thaindian, Hindu)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên