Oscar cho phim tài liệu: Đậm màu chính trị?

DUY VĂN 09/03/2017 02:03 GMT+7

TTCT - Cuối năm 2016, khi thấy truyền thông phương Tây PR cho Mũ bảo hiểm trắng đoạt Nobel hòa bình, tiếp đó là Oscar 2017, các nhà hoạt động hòa bình đã lên tiếng cảnh báo.

Poster phim Mũ bảo hiểm trắng-newsweek.com
Poster phim Mũ bảo hiểm trắng-newsweek.com

Nhưng họ đã hoài công. Oscar hạng mục phim tài liệu 2017 đúng như họ lo ngại, về tay Mũ bảo hiểm trắng - bộ phim về nhóm hoạt động cùng tên ở Syria.

Thế nên ngay sau lễ trao giải Oscar, độc giả có thể đọc thấy hàng tít châm biếm của một bài báo trên Global Research: “Và Oscar cho phim tài liệu ngắn hay nhất thuộc về... ISIS-Al Qaeda” kèm lời bình: “Nếu có bất kỳ nghi ngờ gì rằng giải Oscar chỉ đơn thuần là một công cụ chính trị của tầng lớp thượng lưu toàn cầu thì đừng nghi ngờ nữa!”.

Hiện tượng Mũ bảo hiểm trắng

Trong khi người dân các vùng chiến sự Syria - theo một số nhà hoạt động độc lập và các hãng tin Nga - không biết gì về Mũ bảo hiểm trắng (The White Helmets), thì nhóm anh hùng này đã trở thành “hiện tượng” trên truyền thông phương Tây.

Chẳng hạn, ngày 17-10-2016, Mũ bảo hiểm trắng lên bìa của tạp chí Time. Rồi nhóm này còn được trao giải Right Livelihood Award 2016.

Sau khi Netflix phát hành “phim tài liệu” đặc biệt về Mũ bảo hiểm trắng, hình ảnh người hùng của họ lên tới cao trào với việc hai tờ The GuardianThe Independent của Anh kêu gọi Ủy ban Nobel trao giải hòa bình cho Mũ bảo hiểm trắng.

Ngược lại, RT của Nga và một số trang web công bố các bài điều tra về nguồn gốc và thực hư hoạt động của nhóm.

Cụ thể, trang web alternet.org vào thời điểm tháng 10-2016 (thời điểm công bố Nobel hòa bình) đã đăng hai kỳ bài điều tra về nhóm này, theo đó Mũ bảo hiểm trắng được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và “Phòng các sáng kiến chuyển tiếp” thành lập, là một phần của “Cuộc vận động Syria” nhằm lật đổ tổng thống Syria Bashar Al Assad, trong đó USAID là nhà tài trợ chính, cam kết ít nhất 23 triệu USD cho nhóm này từ năm 2013.

Số tiền trên thuộc 339,6 triệu USD ngân sách “cho các hoạt động hỗ trợ theo đuổi chuyển tiếp hòa bình vì một Syria dân chủ và ổn định, hay thiết lập một cơ chế quản lý song song có thể lấp đầy chân không quyền lực một khi Bashar Al Assad ra đi”.

Riêng bộ phim Mũ bảo hiểm trắng được Oscar trao giải, theo trang web trên, được quảng cáo là “câu chuyện về những anh hùng thật sự và những hi vọng bất khả thi”, vinh danh một “tổ chức phòng vệ dân sự mà các thành viên của nó được quốc tế ca ngợi vì cứu sống nhiều mạng người trong vùng phiến quân chiếm đóng và địa ngục đông Aleppo và Idlib”.

Slogan của phim: “Cứu một cuộc đời là cứu cả nhân loại” giống kỳ lạ với tác phẩm sử thi về Holocaust của Steven Spielberg “Danh sách Schindler”: “Bất cứ ai cứu một cuộc đời, người đó đã cứu toàn nhân loại”.

Đặc biệt, trong số những nhóm đối lập Syria ủng hộ cuộc “Vận động Syria” có Ahrar Al-Sham, một nhánh thánh chiến Hồi giáo có liên hệ với Al Qaeda chủ trương thành lập Nhà nước Hồi giáo trên toàn Syria.

Giải PR?

Có lẽ vì còn bán tín bán nghi nên một số nhà hoạt động, lúc đến Aleppo ghi nhận tình hình sau khi thành phố này chuyển sang sự kiểm soát của phe chính phủ vào cuối năm 2016, đã tranh thủ tìm hiểu thêm về hoạt động nhân đạo của tổ chức này.

Giám đốc Quỹ nghiên cứu hòa bình xuyên quốc gia Jan Oberg là một trong số những nhà hoạt động đã tới Aleppo. Ông từng không ít lần lên tiếng về nhóm Mũ bảo hiểm trắng trên trang web tff.org của quỹ.

Ông Oberg cũng từng viết bài cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần và cho biết người dân đông Aleppo không biết gì về nhóm Mũ bảo hiểm trắng (xem TTCT số 2-2017 ngày 8-1-2017).

Trả lời trên rt.com về giải Oscar hạng mục phim tài liệu cho bộ phim, nhà báo điều tra Anh Vanessa Beeley nói bà và nhà báo Lizzie Phelan của RT đã có mặt tại đông Aleppo ngay sau khi thành phố đổi chủ.

Khi họ hỏi người dân ở đây, lúc đầu không người dân nào biết Mũ bảo hiểm trắng là ai, nhưng khi nghe mô tả kỹ hơn, câu trả lời họ được nghe là: “À, các vị muốn nói Mặt trận phòng vệ dân sự Nusra” (một tổ chức Hồi giáo đối lập ở Syria được Hoa Kỳ ủng hộ).

Beeley còn nói bà nắm trong tay bằng chứng nhóm này làm việc cùng với các nhóm khủng bố ở đông Aleppo. Chính vì thế mà nữ nhà báo điều tra này cho rằng giải Oscar tài liệu 2017 nên gọi đúng tên là “thắng lợi của tuyên truyền”, và nhóm làm phim Mũ bảo hiểm trắng đã được giải thưởng cho “kỹ năng diễn xuất hơn là kỹ năng hoạt động nhân đạo”.

Nhà phân tích địa chính trị Patrick Henningsen cũng mỉa mai đây là Oscar cho giải “trình diễn sân khấu tốt nhất” hay “tuyên truyền tốt nhất” vì bản thân phim Mũ bảo hiểm trắng không phải là phim tài liệu, do có những phân đoạn trong phim được chính nhóm Mũ bảo hiểm trắng cung cấp cho nhà sản xuất, trong khi nhóm sản xuất phim Netflix Productions không quay bất cứ cảnh cứu trợ thật nào.

Không khó để tìm ra thông tin về nhóm này, thậm chí có thể tìm xem những clip phim “giải cứu ma-nơ-canh” của Mũ bảo hiểm trắng rò rỉ trên mạng, bao gồm trên BBC (http://www.bbc.com/news/world-middle-east-38066791).

Trong thời đại tin tức nhiễu nhương này, khó mà phân định đúng sai trừ khi tận mắt nhìn thấy, bởi ngay cả những hãng tin từng được coi là uy tín trong quá khứ giờ cũng đã sứt mẻ lòng tin rất nhiều.

Nhưng đằng nào thì một giải thưởng điện ảnh “danh giá nhất hành tinh” như Oscar cũng không nên trao cho một bộ “phim tài liệu” còn chưa được xác quyết rõ ràng về mức độ xác thực. Người ta nghi ngờ Oscar ngày càng đậm màu chính trị, vì thế, cũng là có lý của nó! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận