05/12/2016 15:15 GMT+7

Online Friday 2016: vui nhưng vẫn còn lo

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Những con số thống kê đều cho thấy ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam năm 2016 khá thành công, phản ánh đúng xu hướng mua sắm online của người dân Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn đó những nỗi lo chưa được xử lý triệt để.

Sự kiện Online Friday 2016 đã có những bước tiến mạnh mẽ. - Ảnh chụp màn hình.
Sự kiện Online Friday 2016 đã có những bước tiến mạnh mẽ. - Ảnh chụp màn hình.


Hơn 5 triệu lượt truy cập trang web chính sự kiện ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2016 - Online Friday - (www.onlinefriday.vn), cùng với tổng doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng chỉ trong ngày 2-12 là những con số vô cùng ấn tượng về thương mại trực tuyến Việt Nam.

Hơn hẳn các năm trước

Theo thông báo từ ban tổ chức, ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất năm 2016 có sự tham gia của hơn 3.000 doanh nghiệp trên toàn quốc với trên 200.000 đầu sản phẩm được khuyến mãi, hơn 700.000 người tiêu dùng đã thực hiện hơn 18 triệu lượt xem và tương tác với các khuyến mãi trên hệ thống.

So với năm 2015, tổng giá trị giao dịch đã tăng thêm khoảng 43% từ gần 590 tỷ đồng năm 2015 lên hơn 1000 tỷ đồng trong năm nay. Tất nhiên kèm theo đó là số lượng hàng hóa và doanh nghiệp tham gia sự kiện tăng vượt trội (năm 2015 có gần 2300 doanh nghiệp với 63.500 sản phẩm, dịch vụ; năm 2016 có hơn 3000 doanh nghiệp với trên 200.000 sản phẩm, dịch vụ).

Lượng truy cập của người dân vào trang web chính của sự kiện cũng tăng gấp đôi năm 2015 chứng tỏ họ đã ít nhiều tin tưởng vào sự kiện cũng như phản ánh đúng xu thế phát triển thương mại điện tử của Việt Nam.

Ban tổ chức cũng cho biết theo thống kê sơ bộ từ 30 doanh nghiệp lớn tham gia chương trình, số lượng đơn hàng của họ đã đạt hơn 540.000 đơn với tổng trị giá doanh thu trên 644 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ Online Friday 2015.

Các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Adayroi, Hotdeal, Sendo… đều có doanh số trong ngày này tăng từ 200 - 300% so với ngày thường...

Ứng dụng Online Friday trên smartphone. - Ảnh: Đức Thiện
Ứng dụng Online Friday trên smartphone. - Ảnh: Đức Thiện


Ngoài những con số thống kê, điều đáng nói nhất của sự kiện Online Friday năm nay theo nhận định của nhiều người dùng là những cải tiến lớn cả về cách thức khuyến mãi lẫn công nghệ thông tin hỗ trợ.

Chẳng hạn, ở mỗi sản phẩm khuyến mãi, người tiêu dùng đều có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ của bên thứ ba để so sánh giá với nhiều nơi khác. Hay ứng dụng Online Friday trên smartphone vừa giúp người dùng tiện lợi trong việc “săn” hàng trên điện thoại vừa là công cụ để người dùng quét mã QR Code nhằm kiếm ưu đãi lớn nhất.

Đặc biệt, chương trình siêu giảm giá của một số sản phẩm thông qua cách quét mã QR Code may mắn đã thu hút khá đông người dùng tham gia như: iPhone 7 có giá chỉ từ 9 - 11 triệu đồng, máy điều hòa Nagakawa giá 1.000 đồng, tivi Samsung 49 inch có giá 7,9 triệu đồng, máy nước nóng trực tiếp Panasonic giá 1 triệu đồng…

Vẫn nỗi lo giá ảo

Đưa giá lên trời rồi áp dụng khuyến mãi khủng để dụ khách hàng luôn là câu chuyện xưa nhưng không bao giờ cũ trong các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp. Nó khiến người dùng càng thêm nghi ngờ doanh nghiệp bán hàng, ngại ngùng quyết định mua sắm khi tham gia thương mại điện tử. Điều đó vẫn còn xuất hiện trong sự kiện Online Friday 2016.

Thống kê từ ban tổ chức cho thấy trong số 600 phản ánh của người tiêu dùng, số lượng phản ánh giá niêm yết cao hơn nhiều so với giá thị trường chiếm 25%, phản ánh khuyến mãi không đúng như mô tả trên website chương trình và website doanh nghiệp là 24%.

Trước đó, sự kiện mua sắm mùa thu diễn ra hồi cuối tháng 9-2016 (một chương trình dạng làm nóng cho sự kiện Online Friday) cũng đã có đến 52% lượng phản ánh giá niêm yết cao hơn nhiều so với giá thị trường.

Một điều đáng ghi nhận từ ban tổ chức năm nay là họ đã có động thái khá mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chứ không chỉ đơn giản là cổ vũ doanh nghiệp có càng nhiều hàng khuyến mãi càng tốt.

Theo ban tổ chức, họ đã tiến hành dán nhãn cảnh báo lên tất cả chương trình khuyến mãi đối với doanh nghiệp bị nhiều người dùng phản ánh sản phẩm khuyến mãi có giá niêm yết cao hơn giá thị trường. Với các doanh nghiệp bị nhiều phản ánh hết hàng, ban tổ chức tiến hành hạ thông tin sản phẩm bị phản ánh…

Mặc dù vậy, nhiều người dùng vẫn đánh giá biện pháp xử lý là chưa đủ để răn đe các doanh nghiệp tung chiêu trò giá ảo hòng lừa người dùng sập bẫy khuyến mãi khủng. Bên cạnh đó, ban tổ chức có cho biết 50.000 sản phẩm khuyến mãi được họ đứng ra bảo đảm, thế nhưng tổng số sản phẩm dịch vụ tham gia sự kiện Online Friday 2016 lên đến hơn 200.000.

Điều đó có nghĩa là vẫn còn đến hơn 150.000 sản phẩm, dịch vụ khác (chiếm đến 75%) tiềm tàng nguy cơ lừa lọc người dùng. Qua đó làm suy giảm niềm tin của họ vào phong trào mua hàng trực tuyến mà Bộ Công thương và đông đảo doanh nghiệp Việt Nam đang cổ vũ.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên