27/06/2008 08:06 GMT+7

Ông Medvedev chống tham nhũng

DUY VĂN
DUY VĂN

TT - Các cơ quan chức năng Nga đang nhịp nhàng bắt tay vào cuộc chiến chống lại vấn nạn mà Tổng thống Dmitry Medvedev gọi là "đặc biệt thứ hai, chỉ sau nạn nghèo đói" ở Nga: nạn tham nhũng.

SMj32UuJ.jpgPhóng to
Ông Medvedev trả lời báo giới về kế hoạch chống tham nhũng ở Nga - Ảnh: Reuters
TT - Các cơ quan chức năng Nga đang nhịp nhàng bắt tay vào cuộc chiến chống lại vấn nạn mà Tổng thống Dmitry Medvedev gọi là "đặc biệt thứ hai, chỉ sau nạn nghèo đói" ở Nga: nạn tham nhũng.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Phát biểu trên tờ Financial Times (Anh) ngay sau khi nhậm chức, ông Medvedev đã thẳng thắn tuyên bố nạn tham nhũng là một "đề tài đau đớn và khó khăn" đối với nước Nga, tỏ rõ quyết tâm tuyên chiến với vấn nạn này. Chưa đầy nửa tháng sau khi nhậm chức, ngày 19-5, ông giao Hội đồng chống tham nhũng (do ông trực tiếp lãnh đạo) trong vòng một tháng phải thảo ra kế hoạch quốc gia chống tham nhũng.

Bản thân ông khi giao việc cho thuộc cấp cũng hình dung những bước đi này sẽ như thế nào. Kế hoạch quốc gia này, theo ông, phải có ba phần. Nó gồm những thay đổi trong luật hình sự cũng như trong các tiến trình gắn liền với nghĩa vụ quốc tế của Nga trong lĩnh vực chống tham nhũng. Theo ông, bước đi này cần thiết vì chỉ có thể "bóp nghẹt nạn tham nhũng bằng luật pháp".

Tiếp đó là hình thành những động cơ chống tham nhũng. Động cơ này chỉ có thể xuất hiện căn cứ trên nhiều tiêu chí khác nhau, như mức sống chung trong nước, mức thu nhập công dân, cũng như vào việc áp dụng nghiêm ngặt đến đâu các biện pháp chống lại những kẻ ăn hối lộ, tham ô hay thực hiện những hành vi tham nhũng. Cuối cùng là việc nghiêm khắc trừng trị sao cho kẻ vi phạm hiểu rằng chỉ cần một lần trót "nhúng chàm", dù ít hay nhiều, cũng là hủy diệt trọn vẹn tương lai, sự nghiệp và mất luôn lương hưu của mình.

yWEafX0r.jpgPhóng to

Ảnh: Itar Tass

Ngày 25-6, chánh văn phòng tổng thống Sergei Naryshkin đã đệ trình tổng thống kế hoạch này, gồm bốn phần: 1. Đến ngày 1-10 năm nay hoàn tất dự thảo kế hoạch liên bang về chống tham nhũng. 2. Đưa ra các biện pháp hoàn thiện việc điều hành nhà nước. 3. Đưa ra các biện pháp nâng cao hiệu quả đào tạo đội ngũ cán bộ pháp luật chuyên nghiệp. 4. Hoàn tất các biện pháp thực thi kế hoạch.

Người Nga đã bắt tay thực hiện chỉ đạo của tổng thống khá nhịp nhàng, khi cùng lúc, Ủy ban Điều tra (SKP) thuộc Công tố viện Nga ngày 25-6 cũng đệ trình "Quan điểm về chống tham nhũng". Theo đó, Nga sẽ đơn giản hóa tiến trình chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những công dân có quyền miễn tố, khen thưởng và bảo vệ những công dân tố cáo quan tham, thăng tiến hoặc khen thưởng các quan chức gương mẫu đi đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Như nhà bình luận Nga Vladimir Shishlin gọi nạn tham nhũng là "cái ác thâm căn cố đế ở Nga", một số người Nga tỏ vẻ hoài nghi trước kế hoạch này. Cựu bộ trưởng nội vụ Nga Anatoli Kulikov cho rằng khó mà nhổ tận gốc nạn tham nhũng với chỉ một kế hoạch trên, mà chỉ có thể "giảm thiểu nó tới mức xã hội có thể chấp nhận được", trong một trả lời Interfax. Nhiều người kêu gọi phải mạnh tay hơn nữa.

Trên tờ Sự Thật Komsomol, Phó chủ tịch Ủy ban An ninh thuộc Đuma (Hạ viện) Nga Ghenadi Gudkov đề xuất Quốc hội phải được quyền kiểm soát và điều tra hoạt động của cơ quan hành pháp. Không chỉ các quan chức phải minh bạch trong thu nhập, mà cả các thành viên gia đình của họ cũng phải rõ ràng. Ông này kêu gọi tăng cường vai trò giám sát của công dân đối với các quan chức nhà nước, mở rộng khả năng của báo chí tham gia công tác chống tham nhũng.

Lòng người Nga đang thuận theo cuộc chiến mà ông Medvedev tuyên bố, và sự thành công hay thất bại của cuộc chiến này sẽ là thước đo thành tích của chính quyền Medvedev.

Tại một cuộc họp báo ở Matxcơva, giám đốc bộ phận kiểm tra tố tụng của SKP Vasili Piskaryev cho biết các quan tham vơ vét hằng năm tới 1/3 ngân sách nhà nước! Thống kê của Quĩ INDEM cho biết mỗi năm, các doanh nghiệp Nga phải chung chi 33 tỉ USD tiền hối lộ cho các quan chức nhà nước, chưa kể 3 tỉ USD tiền hối lộ được một báo cáo gần đây của UNDP gọi là "tham nhũng vặt". Theo thống kê của SKP, quí 1 năm nay có hơn 14.000 vụ phạm tội tham nhũng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. (Interfax)

DUY VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên