25/12/2015 09:46 GMT+7

Ông già Noel chọn ai để tặng quà?

ĐỖ NHẬT (TP.HCM)
ĐỖ NHẬT (TP.HCM)

TT - “Tại sao con ngoan mà ông già Noel không tặng quà cho con? Tại sao ông lại tặng quà lớp khác mà không tặng quà lớp con?”...

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Chỉ vì người lớn sơ suất, thiếu tinh tế mà niềm vui Giáng sinh đã trở thành nỗi băn khoăn về sự thiếu công bằng, thiên vị của ông già Noel.

“Leng keng leng keng, cả lớp con đang chơi lắp ráp thì ông già Noel đến. Ông mở bao quà ra, đọc tên bạn T.M. rồi tặng cho bạn ấy một gói quà to lắm. Bạn M. mở gói quà ra: đó là một chiếc máy bay điều khiển từ xa luôn đó!” - đi học về, con trai tôi đã kể ngay câu chuyện xảy ra trên lớp, và thắc mắc: “Tại sao ông già Noel chỉ tặng quà cho một mình bạn M. rồi đi ngay vậy mẹ?”.

Tôi đành phải trả lời: “Có lẽ ông bận quá, ông phải đi nhiều nơi, nên mỗi lớp ông chỉ chọn một bạn ngoan nhất, học giỏi nhất để tặng quà thôi”.

Con tôi phản ứng ngay: “Không đúng! Bạn M. đâu có ngoan, học lớp lá (lớp dành cho học sinh 5 tuổi trong trường mầm non - NV) rồi mà không chịu tự xúc ăn, lại còn hay đánh các bạn khác nữa”.

Tôi bối rối quá, chưa biết trả lời sao thì con trai lại hỏi: “Tại sao con ngoan mà ông già Noel không tặng quà cho con vậy mẹ? Đợt này con đã có nhiều cố gắng mà: con dậy sớm, đi học sớm để tập thể dục với các bạn, con ăn giỏi, con nghe lời cô giáo... vậy mà ông già Noel không quan tâm đến con gì hết. Ông già Noel không có công bằng, tự nhiên lại tặng quà cho bạn quậy nhất lớp!”.

Tôi nghe con nói mà tê tái trong lòng, không biết giải thích với con như thế nào cho ổn thỏa nên đành hẹn: “Để mẹ hỏi lại ông già Noel xem ông có nhầm lẫn gì không nha!”.

Hôm sau, tôi đem chuyện hỏi cô giáo, cô hồn nhiên nói rằng: “Đó là do ba mẹ bé M. thuê ông già Noel đến lớp tặng quà cho con, chứ không phải ý của cô giáo hay nhà trường”.

Đúng là chuyện này do phụ huynh tự làm. Nhưng tại sao họ không thuê ông già Noel đến nhà riêng để tặng quà cho con em mình, mà lại đến trường? Vì sao nhà trường lại cho phép phụ huynh làm như vậy ở trường học - môi trường mà trẻ em cần được đối xử một cách tế nhị và công bằng.

Cứ thử hình dung mà xem, rồi người lớn sẽ giáo dục con trẻ ra sao khi trong một lớp học mầm non chỉ có một bé hồ hởi, vui sướng, hạnh phúc với món quà vừa đẹp, vừa đắt tiền; trong khi 44 bé khác đứng xung quanh thèm thuồng, thắc mắc, ganh tị, buồn tủi...

Từ vụ việc xảy ra với con mình, tôi gọi điện thoại cho cô bạn thân (có con đang học tiểu học) để chia sẻ, cô ấy bực tức kể một hơi: “Cu Nam nhà tôi mới mếu máo kể là ở lớp 1/2 (lớp bên cạnh), ông già Noel đến vui chơi và tặng quà cho tất cả các bạn của lớp, vui ơi là vui. Cu Nam và nhiều bạn khác cùng lớp đứng bên ngoài cửa sổ lớp 1/2 nhìn vào... vui ké.

Các bạn ấy về nhà đồng loạt thắc mắc với ba mẹ: sao ông già Noel chỉ tặng quà cho các bạn lớp 1/2 mà không tặng quà cho lớp con? Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp cu Nam nghe chuyện, cũng đang lên kế hoạch tổ chức cho các cháu được “bằng chị bằng em” đấy. Thế có khổ không!”.

Thiết nghĩ, chính cô giáo và nhà trường phải là người “gác cửa” chuẩn mực nhất cho những điều như trên. Tất cả hoạt động diễn ra trong nhà trường đều phải phục vụ cho mục tiêu giáo dục toàn bộ học sinh, chứ không chỉ chú trọng cho vài cá thể nào đó (mà đôi khi niềm vui của trẻ này lại là nỗi buồn của trẻ khác).

Và nhất thiết phải giữ được sự đối xử công bằng, tinh tế với tất cả học sinh, không phân biệt cấp lớn hay cấp nhỏ, điều kiện gia đình học sinh...

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy (hiệu trưởng Trường mầm non công lập Sơn Ca 11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM):

Các cháu nhận quà như nhau

Trước đây, vào mùa Giáng sinh, cô giáo sẽ hỏi học sinh xem các cháu ước mơ ông già Noel sẽ tặng quà gì cho mình. Sau đó, cô chuyển lời cho phụ huynh chuẩn bị quà rồi mang lên lớp. Tới ngày nhà trường tổ chức lễ hội Giáng sinh, ông già Noel sẽ lấy quà đó và phát cho từng bé.

Tuy nhiên, cách làm này đã gây ra tình trạng phân bì, so sánh, ganh tị giữa các học sinh (lứa tuổi mầm non mà!) khi có cháu nhận hộp quà to, cháu lại nhận hộp quà nhỏ. Đó là chưa kể với gia đình khó khăn, phụ huynh sẽ cảm thấy phiền lòng khi phải chật vật lo chuẩn bị quà Giáng sinh cho con em.

Năm nay, nhà trường tổ chức lễ hội vui Giáng sinh cho tất cả học sinh ở sân trường, ông già Noel, bà già Noel chính là giáo viên của trường. Sau khi nhảy múa cùng với ông già, bà già Noel, các bé đi lên lớp, ông già Noel đến từng lớp và phát quà cho từng học sinh.

Quà do nhà trường chuẩn bị (trích ra từ nguồn quỹ tài trợ hoạt động giáo dục của phụ huynh), tất cả các cháu đều nhận được một phần quà như nhau để không phải so bì: một túi đeo và một chiếc bánh ngọt.

Bên cạnh đó, giáo viên vẫn cho học sinh vẽ tranh thể hiện ước muốn được tặng quà của mình để gửi “ông già Noel” (tất cả tranh vẽ này được gửi đến tận nhà học sinh). Tùy vào hoàn cảnh kinh tế gia đình, phụ huynh có thể tặng hoặc không tặng, nhưng quà ấy để tặng ở nhà chứ không được đem vào trường học.

Nhà trường không cho phép phụ huynh thuê dịch vụ ông già Noel đến lớp học tặng quà riêng cho con em mình, bởi như vậy có thể một cháu rất vui (vì được nhận quà) nhưng nhiều cháu khác sẽ buồn.

Chị Đào Thị Ngọc Tâm (phụ huynh ở P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM):

Tạo sự bất công đối với học sinh

Năm nay con tôi học lớp 3, các mẹ trong lớp bàn nhau thuê một ông già Noel đến lớp sinh hoạt, vui chơi và tặng quà cho các con. Cá nhân tôi không đồng tình với ý tưởng này, vì đâu phải tất cả phụ huynh trong lớp đều khá giả, lỡ có người khó khăn không mua được quà Giáng sinh cho con thì sao?

Thế nhưng đa số ý kiến lại ủng hộ, họ nói bé nào khó khăn thì hội phụ huynh sẽ mua bánh, kẹo hoặc sách truyện để làm quà cho ông già Noel tặng các cháu.

Tôi vẫn không đồng ý, vì học sinh cả lớp đều viết thư gửi ông già Noel xin quà này, quà nọ. Trong khi các học sinh con nhà giàu nhận được quà như ý muốn, thì học sinh con nhà nghèo chỉ nhận được bánh, kẹo và sách (có thể là quà không đúng như ý muốn), liệu các cháu có vui được không?

Tôi hỏi chị gái đang công tác trong ngành giáo dục, chị nói ở trường chị sẽ không cho phép làm như vậy, bởi ông già Noel đến lớp này mà không đến lớp khác vô tình sẽ tạo ra một sự bất công đối với học sinh.

Chị khuyên tôi nên nói chuyện với cô giáo hoặc ban giám hiệu nhà trường để tìm tiếng nói chung. Rất may, sau đó cô giáo của con tôi đã hiểu sự việc và không đồng ý cho thực hiện ý tưởng trên.

Tôi nghĩ ngành giáo dục nên có một quy định chung cho những hoạt động như thế này, cái nào có thể thực hiện trong trường học, cái nào không. Chứ hoạt động nào cũng đưa vào trường đôi khi rất phản giáo dục (nhất là hiện tại có không ít phụ huynh thích phô trương trong trường học của con mình).

H.HG. ghi

ĐỖ NHẬT (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên