18/09/2017 14:32 GMT+7

Ở trường có bạn vui hơn, ở nhà mình con chán ngắc

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Nguyễn Minh Khang Em 8 tuổi rồi nhưng năm nay mới vào học lớp 1.

Ở trường có bạn vui hơn, ở nhà mình con chán ngắc - Ảnh 1.

Nguyễn Minh Khang Em (8 tuổi) được bà ngoại nuôi nấng từ năm 3 tuổi - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Ngày thứ bảy, trong phòng trọ ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP.HCM), Khang Em lủi thủi chơi một mình. Hết lấy tập ra viết chữ, lại lấy giấy ra vẽ nhà, vẽ cây cối. Trước đó, từ sáng sớm, bà ngoại đã vội vàng đạp xe đạp qua quận 7 làm công nhân cho công ty cây xanh.

Bà ngoại Khang Em năm nay gần 60 tuổi, dáng người lọm khọm nhỏ xíu. Bà mắc bệnh tim và mắt phải không còn nhìn thấy sau một lần tai nạn. Hàng ngày, cứ 7h sáng bà ra khỏi nhà, trưa tất tả đạp xe về lo cơm nước cho cháu rồi lại đi làm đến chiều tối mới về.

Một tháng như vậy, bà kiếm được 3,5 triệu đồng. Trong khi đó, tiền trọ mỗi tháng đã hơn 1 triệu, chỉ còn lại hơn 2 triệu, bà cháu dè sẻn để trang trải chi phí sinh hoạt ăn uống, thuốc men.

"Tui có mỗi một đứa con là mẹ thằng Khang Em. Mẹ nó bịnh, mất lúc thằng nhỏ 3 tuổi. Cha thằng Khang Em giờ sống dưới quê ở Đồng Tháp, cũng khổ lắm nên không lo gì được cho con. Tui nuôi thằng Khang Em từ hồi nó 3 tuổi đến giờ", bà kể.

Bà ngoại Khang Em kể lúc đi làm, biết hoàn cảnh bà khó khăn nên cũng có người cho gạo, cho tập vở. Về nhà, Khang Em hí hoáy lấy tập ra tập viết, tập vẽ, rồi bảo ngoại ơi con muốn được đi học. 

"Thấy nó cứ lủi thủi một mình ở nhà tui thương lắm. Thôi thì năm nay tui ráng nhín ra để cho nó được đến trường. Dành được hơn 2 triệu, tui sắm sách vở, đồng phục cho nó…", bà nói.

Trên trường học bán trú, vì không có tiền nên 12h trưa bà lại chạy về đón cháu rồi hơn 13h lại chở cháu lên trường. 

"Cô giáo bảo lo tui hay về trễ, sợ không kịp nấu cho nó ăn đàng hoàng. Đưa đón như vậy không đảm bảo sức khỏe nên cô giáo bảo cho Khang Em buổi trưa ở lại. Mấy nay tui để thằng nhỏ ở lại, nhưng cũng chưa biết tiền bạc sẽ tính sao", bà ngoại Khang Em cho biết.

Còn Khang Em, được đến lớp, cậu bé vui lắm. Cứ 5h30 sáng, chẳng ai gọi Khang Em cũng tự dậy đánh răng, rửa mặt, nấu mì ăn rồi ngồi sau yên xe đạp của bà để đến trường. "Con thích đến trường. Ở trường có bạn vui hơn, ở nhà có mình con chán ngắc", cậu bé hồn nhiên nói.

Bây giờ, cậu bé đã biết phụ ngoại làm những công việc nhà. Khang Em còn xung phong cắm cơm, nấu ăn để ngoại về bớt cực. "Nó đòi làm hoài nhưng tui sợ cháy nổ, chập điện nên không cho làm. Chỉ cho nấu nước sôi để bà có về trễ thì biết cách pha mì ăn", bà ngoại Khang Em kể.

Khang Em vẫn thường hỏi bà: "Sao mẹ đâu mất tiêu? Sao mẹ không về thăm con. Con thương mẹ lắm". Lúc ấy, bà ngoại Khang chỉ biết nghèn nghẹn, dỗ dành đứa cháu côi cút: "Con ngoan không có nhắc nữa nghen. Mẹ con mất rồi…"

Dù thiếu thốn tình cảm của cha mẹ nhưng cậu bé Khang Em sống rất tình cảm. Với Khang Em, bà ngoại bây giờ là chỗ dựa duy nhất, nên cậu bé luôn lo lắng một nỗi sợ. Mỗi khi bà bệnh sốt, cậu bé lại ngồi gần bà, bảo: "Để con lấy khăn ướt lau cho ngoại nha. Ngoại đừng có chết, bỏ con một mình nghen".

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 24-7 đến 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "Đèn đom đóm", trị giá 3 triệu đồng/suất.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Đèn đom đóm