19/11/2016 16:11 GMT+7

"Nuôi lợn đất” cho học sinh

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - “Ở đây ít ai biết ngày 20-11 là gì. Vì người dân quá khổ và cũng ít có điều kiện giao lưu, tìm hiểu thông tin. Nhiều phụ huynh cho con đến trường vì các cháu được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa chứ không phải mong đợi điều gì đó cao hơn.

Trong hoàn cảnh đó, các cô phải cố, lo cho trẻ được đến đâu, tốt đến đó”, cô Đinh Thị Bích Ngọ,  hiệu trưởng trường mầm non Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, chia sẻ.

Lâm Hóa là xã khó khăn của huyện Tuyên Hóa. Để trẻ đến trường, ngoài hỗ trợ của Nhà nước, các thầy, cô giáo phải tự thân vận động là chính. Mùa đông đến nhưng cả 4 điểm trường, gồm điểm chính và điểm lẻ của trường mầm non Lâm Hóa đều loay hoay vì lo học sinh phải nằm đất ngủ trưa.

“Giờ mới xoay xở mua được một số chiếu để trải cho các cháu ngồi. Nhưng mùa đông nằm chiếu cũng rất lạnh. Chăn ấm cho các cháu cũng thiếu. Từ lâu, trường đã có sáng kiến “nuôi lợn đất” tiết kiệm tiền để mua đồ dùng thiết yếu cho học sinh”, một cô giáo ở Lâm Hóa cho biết.

Lương giáo viên ở Lâm Hóa cũng chỉ vài triệu đồng/tháng, nhưng đã thành lệ, mỗi lần lĩnh lương là các cô giáo trích tiền bỏ lợn. Mỗi người ủng hộ ít nhất 10 ngàn đồng/tháng để “nuôi lợn”, người có điều kiện thì góp nhiều hơn.

Ngoài ra, theo cô Ngọ, đầu năm học, các cô cũng tổ chức quyên góp tiền. Ở trường nhiều giáo viên cũng nghèo nhưng không ai không góp phần nuôi lợn để hỗ trợ học sinh.

Thỉnh thoảng “đập lợn” được vài triệu đồng, chúng tôi lại mua thêm gối, thêm chăn ấm.

Nói chuyện về ngày 20-11, các cô giáo đều nhìn nhau cười buồn: “Ôi chẳng có gì đâu! Ở đây có vài cháu là con cán bộ thì cha mẹ còn biết, có lời chúc mừng các cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Chỉ thế thôi đã vui lắm rồi”, cô hiệu phó nhà trường chia sẻ.

Tại một trường tiểu học khác ở xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa, nơi vừa trải qua trận lũ lụt cũng có phong trào “nuôi lợn đất” giúp học sinh.

Thầy Hoàng Văn Định, hiệu trưởng, cho biết: Trường có 265 học sinh thì 145 hộ nghèo, trong đó có hàng chục học sinh gia cảnh rất khó khăn, có những em mắc bệnh nhưng gia đình không có tiền cho con đi khám chữa bệnh. Trong hoàn cảnh như thế, chỉ cần thiếu cuốn sách, tập vở cũng có thể là nguyên do khiến các cháu không đến trường.

Bơi vậy, chúng tôi thường kêu gọi cán bộ, giáo viên trong trường góp sức, giúp được các cháu chút nào, tốt chút đó. “Đầu năm học có 22 học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn được các thầy cô đóng góp tiền giúp đỡ, mỗi em được 300 ngàn đồng. Số tiền này dùng để các em mua sách, vở, đồ dùng học tập để đi học”, thầy Định cho biết.

Đến những xã vừa trải qua nhiều trận lũ liên tiếp trong tháng 10, 11 vừa qua, hỏi các thầy cô có mong muốn gì vào ngày Nhà giáo Việt Nam, câu trả lời chung đều là “ làm sao để học sinh bớt khổ là tốt rồi”.

"Chúng tôi không có tiền thưởng hay quà tặng gì đâu, nhưng nếu có thì chắc ai cũng sẽ nghĩ đến việc trích một phần để đóng góp hỗ trợ trẻ. So với hoàn cảnh của nhiều phụ huynh ở đây, các thầy cô còn có cuộc sống ổn định hơn. Vì thế chia sẻ cũng là việc bình thường”, cô giáo mầm non ở Lâm Hóa nói.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên