06/04/2017 11:01 GMT+7

Nuôi cá chỗ xả thải... để kiểm tra nguồn nước thải

LÊ DÂN - CHÍ QUỐC
LÊ DÂN - CHÍ QUỐC

TTO - Hậu Giang vừa chỉ đạo chi cục thủy sản tỉnh này thả cá nuôi tại sông Hậu - khu vực xả thải nhà máy giấy Lee & Man nhằm kiểm tra nguồn nước thải ra có an toàn hay không.

Nhà máy giấy Lee & Man - Ảnh: T.Trình

Ngày 6-4, ông Đặng Ngọc Giao, phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết đã chỉ đạo chi cục thủy sản thả nuôi cá tại sông Hậu - khu vực xả thải nhà máy giấy Lee & Man (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành).

Loại cá được thả nuôi là loại không có cơ quan hô hấp phụ, chịu đựng nguồn nước ô nhiễm rất kém như: rô phi, chép, mè dinh, he vàng... Các loại cá này thở bằng oxy trong nước, nước không có oxy cá sẽ chết.

“Nuôi cá tại nơi xả thải nhà máy giấy Lee & Man nhằm kiểm tra nguồn nước thải ra có an toàn hay không để các cơ quan chức năng giám sát” - ông Giao nói.

Trong khi đó, bà Lê Kim Ngọc, chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang, cho biết đang lên kế hoạch để thả nuôi cá điêu hồng (rô phi đỏ) trong lồng tại nơi xả thải nhà máy giấy. Ngành nông nghiệp sẽ đầu tư cho một hộ dân con giống, hỗ trợ một phần chi phí, người dân sẽ được hỗ trợ kỹ thuật và được giám sát trong quá trình nuôi.

Đây là mô hình để đối chứng với các lồng bè nuôi cá điêu hồng khác mà người dân đang nuôi trên sông Hậu gần nhà máy giấy Lee & Man.

“Trước khi thu hoạch sẽ kiểm nghiệm dư lượng trong cá, lãnh đạo, cán bộ kiểm tra mô hình sẽ được ăn thử cá nuôi. Hiện chưa có phương án tiêu thụ nhưng ai có nhu cầu thì chúng tôi sẽ bán” - bà Ngọc nói.

Nước thải nhà máy giấy Lee & Man trước khi thải ra sông Hậu phải qua hồ sinh học, hiện tại Công ty TNHH giấy Lee & Man cũng đã dùng nước thải nuôi thử cá trong khuôn viên nhà máy.

Tuy nhiên, PGS.TS Lê Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ) cho rằng việc nuôi cá hay không xung quanh nhà máy Lee & Man hoàn toàn là quyền của cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang, tuy nhiên ông đánh giá việc này “chẳng có cơ sở khoa học nào cả” và trên thế giới chưa ai dùng… cá để đánh giá chất lượng nước thải công nghiệp.

Theo ông Tuấn, chất thải mà chủ yếu là mực in từ nhà máy Lee & Man thải ra sẽ có nhiều thành phần là kim loại nặng, những chất này với hàm lượng thấp không thể làm cá chết ngay được mà điều nguy hiểm là sẽ tích lũy dần trong mỡ, gan, thịt của cá.

Vì vậy, khi con người ăn cá này cũng sẽ bị tích lũy những chất độc từ kim loại nặng nêu trên vào cơ thể, tích lũy đến một lượng cao và khi cơ thể suy yếu kém sức đề kháng rất dễ dẫn đến bệnh ung thư.

LÊ DÂN - CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên