06/12/2004 00:02 GMT+7

Nữ võ sư 104 tuổi

UYÊN LY
UYÊN LY

TT - Buổi sáng trên sân nhỏ trước ngôi nhà mái ngói tại phường Trường Thọ, Thủ Đức, hàng chục học trò lớn nhỏ sắp hàng chỉnh tề dõi theo nữ võ sư 104 tuổi đang vào thế.

nYmR0Ukk.jpgPhóng to
Nữ võ sư Phạm Cô Gia năm 17 tuổi biểu diễn với song kiếm - môn binh khí sở trường - Ảnh tư liệu
TT - Buổi sáng trên sân nhỏ trước ngôi nhà mái ngói tại phường Trường Thọ, Thủ Đức, hàng chục học trò lớn nhỏ sắp hàng chỉnh tề dõi theo nữ võ sư 104 tuổi đang vào thế.

Những sợi tóc mai dính bết mồ hôi trên từng khuôn mặt trẻ, những đôi mắt mở to chăm chú ánh lên niềm kính phục hướng tới từng cử động của thân người nhỏ bé đứng phía trước.

Đến màn biểu diễn của đệ tử Lê Thanh Sang, nữ võ sư chầm chậm ngồi xuống ghế, nhận lấy song chùy từ tay một võ sinh vừa kịp đem tới, múa vài đường như để cổ vũ cho Sang - người vừa giành được chiếc huy chương vàng nội dung quyền thuật giải vô địch võ thuật cổ truyền toàn quốc.

Nội ơi!

Hết giờ học, nữ võ sư trở lại chiếc võng quen thuộc, lũ trò nhỏ chưa muốn về ngay mà vẫn nấn ná xung quanh. Bà giục: “Tụi bây về đi chứ!”, vẫy tay chào cả đám, miệng nói “bai bai” rồi chợt kéo Huỳnh Minh Nhật, cậu bé nhỏ nhất, lại gần hôn chụt một cái vào trán nói nựng: “Cục vàng của tui đây!”.

Nhật cười tít. Bé sinh năm 1998, thế mà đã sở hữu hai huy chương bạc, một huy chương đồng từ cúp võ cổ truyền bảy quận và năm huyện mới của TP.HCM năm nay.Thật lạ, tất cả võ sinh trong lớp học đều gọi bà bằng cái tên trìu mến là “nội”. “Nội” có cái đầu trọc như một ông lão nhỏ bé, đôi lông mày xếch kiêu hãnh trên vầng trán rộng khác thường, đôi mắt mở to như muốn thu nhận mọi vật, nụ cười móm mém rộng mở, giọng nói trong và vang như tiếng chuông.

Có lẽ bởi khí chất khác người đó mà ngay cả người viết bằng khen của UBND TP.HCM cũng phải một lần... nhầm. Đó là vào năm 1995, nhân kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng đất nước, nữ võ sư nhận được tấm bằng khen đề tặng “Ông Phạm Cô Gia” vì “đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền, thiết thực lập thành tích nhân kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng thành phố”.

Tấm bằng khen đó hiện vẫn được treo trang trọng trên cột nhà, cách đó không xa là tấm ảnh phóng lớn chân dung nữ võ sư có khuôn mặt được điểm trang kỹ càng trong bộ áo dài khăn đóng truyền thống.

4EfLkOEx.jpgPhóng to
Nữ võ sư trên một tờ tạp chí võ thuật Pháp
Tinh thần Phạm Gia

Võ phái Phạm Gia do bà sáng lập từ những năm 1940 đồng thời với quá trình bà tham gia kháng chiến, sau hàng chục năm chắt lọc tinh hoa từ truyền thống võ học gia đình cũng như từ các môn phái khác.

Phạm Cô Gia xuất thân từ gia đình có truyền thống ba đời võ nghệ: ông nội Phạm Tăng Điều là một quan võ triều Nguyễn - người gốc Bắc, cha Phạm Tăng Đại là võ sư nổi tiếng trong thế kỷ 19, bác ruột là võ sư Trường Võ bị Bình Định nên dòng máu thượng võ đã chảy trong huyết quản từ khi mới lọt lòng.

Tám tuổi nằng nặc đòi theo cha học đi quyền, đánh roi, 17 tuổi học hết các tuyệt kỹ của cha, bà được ông phong danh võ sư và khởi nghiệp tại võ đường Phạm Tăng Đại. Nhưng đối với bà, học võ cổ truyền chưa đủ.

Bà không từ bỏ một cơ hội rèn luyện nào, từ việc dạy múa lân, theo bảo vệ các ngôi sao sân khấu như Phùng Há, Bảy Nam... đến đấu đài, biểu diễn võ thuật khắp nơi, học hỏi nhiều môn phái như võ giang hồ, võ Tàu, quyền anh. Mỗi cuộc tỉ thí là một bài học về võ đạo.

Thời kháng chiến, bà vừa dạy võ vừa đóng vai trò nữ biệt động thành: 12 lần bị địch bắt giam và tra tấn dã man nhưng chúng không thể khuất phục người phụ nữ bé nhỏ. Cả 12 lần bà đều vượt ngục thành công. Phạm Cô Gia trở thành tên tuổi gắn liền với tài năng và một tinh thần thép.Nữ võ sư Phạm Cô Gia luôn dạy học trò rằng võ phái Phạm Gia mang tinh thần võ dân tộc, muốn thành tài không những phải khổ luyện mà còn phải trải qua đủ cay đắng ngọt bùi trong cuộc đời, rằng phải học đạo trước khi học võ.

zkxzRxfT.jpgPhóng to
Nữ võ sư 104 tuổi đang hướng dẫn đệ tử - Ảnh: U.Ly
Bà đã từng cưu mang đệ tử qua các thế hệ. Đó là cô Tư Viễn - nữ cao thủ võ lâm một thời nổi tiếng trời Nam vì chiêu kén chồng độc đáo: thách đấu với đàn ông, anh nào chạm được vào cặp ngực thì sẽ cưới làm chồng - năm nay đã ngoài 60 tuổi và đang sống ở Mỹ.

Đó là Trần Ngọc Lân, một võ sư giỏi không may ra đi trước cả sư phụ. Và gần đây nhất, năm gần 70 tuổi, bà xin một đứa trẻ từ cô nhi viện về nuôi cho ăn học, dựng vợ gả chồng, thậm chí còn trích một phần tiền bán ngôi nhà nhỏ của bà dành cho hai người gây dựng cơ nghiệp.

Tham gia cách mạng từ thời kỳ đầu nhưng bà không đòi hỏi bất kỳ một hình thức đãi ngộ nào. Đệ tử giục bà khai báo công, bà chỉ bảo: “Tao chỉ có một mình, con cháu không có thì để tiếng đấy cho ai”. Cái tên Phạm Cô Gia có nguồn gốc từ phẩm chất hi sinh vì võ nghiệp. Bà lấy chữ “cô” - tức cô độc - thay cho tên đệm “Nghi” mà cha mẹ đặt cho, đổi tên thành Phạm Cô Gia từ hàng chục năm nay. Vừa kính phục, vừa thương nữ võ sư tuổi đã cao mà vẫn sống một mình, đệ tử Lê Thanh Sang, 24 tuổi, huấn luyện viên võ thuật Hội Võ thuật cổ truyền TP.HCM, tự nguyện cận kề phụng dưỡng bên bà.

Hằng ngày anh được giao nhiệm vụ hướng dẫn võ sinh trong lớp theo lời chỉ dẫn của sư phụ. Thời gian còn lại trong ngày anh vừa lo chăm sóc sức khỏe cho nữ võ sư, vừa cố gắng lĩnh hội những thế võ của sư phụ nay đã như một cây cổ thụ, rễ còn bám đất nhưng thân đã yếu đi nhiều.

“Bà đang cố gắng truyền hết những bí kíp cho tôi. Có khi giữa đêm ngon giấc, bà bỗng bắt tôi dậy luyện một thế võ vừa chợt nhớ ra” - Sang kể. Bản thân hiện vẫn giữ vị trí cố vấn Liên đoàn Võ thuật TP.HCM, nữ võ sư không nhớ nổi bao nhiêu đệ tử đã theo học võ phái Phạm Gia, ước chừng đến hàng ngàn, không đếm hết những tên tuổi thành tài. “Vậy là tui sinh ra từ cuối thế kỷ 19, sống qua thế kỷ 20 rồi đến thế kỷ 21 vẫn còn có đệ tử” - nữ võ sư nói, giọng hóm hỉnh.

UYÊN LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên