01/06/2008 16:02 GMT+7

Nữ tiến sĩ đam mê điện mặt trời

Theo SONG ANHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo SONG ANHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Say mê nghiên cứu lĩnh vực điện mặt trời, từng làm chủ nhiệm đề tài hợp tác với Đại học Moncton (Canada) về xây dựng làng mặt trời tại Việt Nam, gần đây nhất là triển khai dự án sử dụng điện từ nguồn năng lượng mặt trời phục vụ cho nhân dân vùng sâu, vùng xa trị giá gần 400.000 USD từ nguồn viện trợ của Chính phủ Czech. Đó là nữ tiến sĩ Việt kiều TheHa Stuchlikova - Hồ Thế Hà.

QpUXcXzh.jpgPhóng to
Đoàn lắp hệ điện mặt trời tại Trà Vinh (người đội nón lá là TS Hồ Thế Hà)
Say mê nghiên cứu lĩnh vực điện mặt trời, từng làm chủ nhiệm đề tài hợp tác với Đại học Moncton (Canada) về xây dựng làng mặt trời tại Việt Nam, gần đây nhất là triển khai dự án sử dụng điện từ nguồn năng lượng mặt trời phục vụ cho nhân dân vùng sâu, vùng xa trị giá gần 400.000 USD từ nguồn viện trợ của Chính phủ Czech. Đó là nữ tiến sĩ Việt kiều TheHa Stuchlikova - Hồ Thế Hà.

“Tôi có hai tình yêu…”

Gặp chị vào một buổi trưa đầu tháng 4 trong căn nhà nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình, TP.HCM), chúng tôi không thể ngờ người phụ nữ nhỏ nhắn trước mặt lại có thể đảm nhận được một khối lượng lớn công việc như vậy chỉ trong vòng một tháng ở Việt Nam: vừa lặn lội xuống Bến Tre khảo sát nhu cầu sử dụng điện của những hộ dân tại đây, đã vòng sang Trà Vinh lắp đặt hệ điện mặt trời cho các huyện nghèo, rồi lại ra đảo Nam Du (Kiên Giang) để khảo sát… Hỏi như vậy có mệt không, chị cười bảo: “Đi lại nhiều khá vất vả, nhưng chẳng thấy mệt vì trước giờ tôi đã quen cực khổ và làm việc với cường độ cao rồi. Vả lại tôi với ông xã quyết tâm xin nghỉ một tháng không lương, do đó phải tranh thủ thời gian chạy cho hết công suất”.

Nhắc tới người bạn đời Jiri Stuchlik, chị kể với giọng đầy trìu mến: “Anh ấy rất yêu quý đất nước Việt Nam và muốn đóng góp một phần nhỏ để giảm khó khăn cho người dân nghèo. Thật ra, người có công lớn trong dự án mang điện mặt trời đến tận vùng sâu, vùng xa lần này chính là anh ấy đấy! Từ lúc dự án trình lên Chính phủ Czech để xin viện trợ cho đến khi được duyệt kinh phí 7,2 triệu CZK (tương đương gần 400.000 USD) phải mất ba năm, tức là từ 2004 đến 2007. Anh ấy phải kiên trì tới lui, thậm chí viết cả thư cho Bộ trưởng Bộ Công thương Czech để hỏi về khả năng của dự án. Đến khi triển khai dự án, anh cũng giúp tôi rất nhiều về mặt kỹ thuật…”.

Có lẽ với chị, điều quý giá hơn hết trong cuộc đời chính là có được hai tình yêu: tình yêu dành cho lĩnh vực nghiên cứu năng lượng mặt trời và tình yêu từ người bạn đời. Tình yêu thứ nhất đến với chị từ những năm miệt mài làm nghiên cứu sinh tại Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm khoa học Czech về silic vô định hình (một loại nguyên liệu làm nên pin mặt trời - PV) và về nước làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và sử dụng năng lượng mặt trời (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Cũng nhờ tình yêu này bắc cầu mà chị có được tình yêu thứ hai khi gặp gỡ, rồi được anh Jiri hỗ trợ rất nhiều trong thời gian học tại Czech và cả khi trở về Việt Nam. Chính anh đã vận động Viện Hàn lâm khoa học Czech giúp chị các trang thiết bị, vật tư để thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu chế tạo silic vô định hình tại Viện Vật lý vào năm 1984. Đây là một trong những phòng thí nghiệm đầu tiên về lĩnh vực này ở nước ta và hoạt động cho đến năm 1992 - thời điểm chị được anh cầu hôn và bắt đầu chuyển sang làm việc tại Viện Hàn lâm khoa học Czech.

Thời điểm này, chị còn làm chủ nhiệm đề tài hợp tác với Đại học Moncton (Canada) về xây dựng làng mặt trời tại Việt Nam với tổng kinh phí 235.000 USD và đã chấp nhận sang làm việc sáu tháng tại Đại học Moncton. Sau chuyến công tác đó, chị quay lại Prague (Czech) đoàn tụ gia đình và theo đuổi cả hai tình yêu ấy cho đến nay.

Và nặng tình với quê hương

uyQpQOlY.jpgPhóng to
Hai vợ chồng chị Hà thăm phòng thí nghiệm của khoa Vật lý, trường ĐH Tự nhiên TP.HCM
Dù phải theo chồng sang định cư tại Prague, sâu thẳm trong lòng, chị Hà vẫn mong ngày nào đó về sinh sống trên mảnh đất quê hương nơi chôn rau cắt rốn của mình” - nữ tiến sĩ gốc Huế nhưng sinh ra ở huyện Ô Môn, tỉnh Hậu Giang trải lòng như vậy.

Nặng tình với quê hương, chị luôn trăn trở trước những thiếu thốn của người dân và mong muốn góp phần giảm bớt những nhọc nhằn cho bà con. Về nước lần này (cuối tháng 3 - giữa tháng 4-2008), vợ chồng chị cùng đoàn chuyên gia Cộng hòa Czech phối hợp với Viện Vật lý TP.HCM đã lắp xong hai hệ điện mặt trời cho một trường học ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè và một nhà văn hóa ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải (Trà Vinh). Dự kiến giữa tháng 10 đầu tháng 11-2008, vợ chồng chị sẽ quay lại để tiếp tục cùng mọi người lắp đặt cho một trường học ở xã An Hiệp, huyện Ba Tri (Bến Tre) và hai bệnh xá trên đảo Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang).

Trăn trở của nữ tiến sĩ Hồ Thế Hà không chỉ có ngần ấy. Chị còn mong mỏi được góp sức phát triển lĩnh vực nghiên cứu - ứng dụng về năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Dù lịch làm việc suốt một tháng đã dày đặc nhưng chị và chồng vẫn tranh thủ ghé thăm phòng thí nghiệm của khoa Vật lý, trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM.

Hiện hai anh chị đang tiến hành một đề án nghiên cứu trong ba năm (2007 - 2009) cùng trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM. Trong dự án này, phía Viện Hàn lâm khoa học Czech lại không có khoản kinh phí nào giúp xây dựng hệ nghiên cứu và chế tạo các màng mỏng silic bằng phương pháp PECVD. Thế là trên cơ sở phòng thí nghiệm nghiên cứu chế tạo silic vô định hình trước đây ở Viện Vật lý, chị đã cố gắng nhặt nhạnh các trang thiết bị và chuyển giao cho khoa Vật lý.

Anh Jiri thì mang thêm vật tư, thiết bị sang để giúp hoàn chỉnh hệ thống nghiên cứu và chế tạo vật liệu silic nhằm giúp sinh viên của trường tiếp cận với công nghệ chế tạo silic vô định hình, microcrystalline silicon... Khí silan (SiH4) cũng đã được chuyển từ Czech sang, vì “nếu thiếu nó thì cũng không làm được gì cả”. Chồng chị còn nhiệt tình mua hộ cả máy phát cao tần cho khoa Vật lý (trả dần trong hai năm) và xách tay bằng đường hàng không về cho nhanh và “chắc ăn”.

“Chúng tôi mong những bạn trẻ - sinh viên ở đây có điều kiện nghiên cứu tốt hơn và đạt những bước tiến trong quá trình nghiên cứu lĩnh vực này. Thật sự những gì vợ chồng tôi làm rất nhỏ bé, ví như giọt nước giữa biển thôi” - lời nói ấy của nữ tiến sĩ Hồ Thế Hà đã thể hiện đầy đủ tấm lòng của vợ chồng chị.

Theo SONG ANHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên