21/07/2016 12:29 GMT+7

​Nón: trời tròn - đất vuông và lòng tự hào dân tộc

MINH TRANG
MINH TRANG

TO - Tối 21-7, vở múa đương đại Nón do biên đạo Vũ Ngọc Khải và âm nhạc Ngô Hồng Quang sẽ chính thức ra mắt khán giả Thủ đô tại L’espace (24 Tràng Tiền).

Vở múa Nón đem đến cho khán giả lòng tự tôn dân tộc, những trải nghiệm giàu có về văn hóa - Ảnh: Gia Tiến

Rạng rỡ và thoáng chút mệt nhọc, nhà sản xuất của chương trình - chị Quý Ái - hoan hỉ thông báo: "Vé bán tại Hà Nội đã hết sạch trước đó, giờ chỉ còn vé cho những dãy ghế súp đặt ở lối đi. Trong khi đó vé hai đêm diễn tại TP HCM vào tối 26 và 27 đang bán khá tốt".

Một vở múa đương đại “cháy vé” - chuyện không tưởng trong thời điểm này - chắc hẳn phải có lý do đặc biệt.

Chuyện về chiếc bành dày, bánh chưng…

Điều đầu tiên cần khẳng định: Nón không phải là một vở múa đương đại khó nuốt đến mức gắng gượng ngồi xem, xem xong không hiểu gì. Đây là một vở múa mang lại cho người xem những điều gần gũi và quan trọng (ít nhất là ở thời điểm hiện tại): ấy lòng tự tôn dân tộc, những trải nghiệm giàu có về văn hóa, về nỗi cô đơn của con người trong nhịp sống dồn dập của thời đại.

Trong một lần trò chuyện trước đây, biên đạo Vũ Ngọc Khải từng tâm sự câu chuyện xa xứ làm việc, đã cho anh những chất liệu đầu tiên tạo Nón:

“Sống giữa một rừng diễn viên múa người Nhật, Hàn, Ðài Loan, tôi luôn tự hỏi làm cách nào người ta có thể phân biệt được tôi là người Việt Nam khi chúng tôi cùng biểu diễn? Chính lúc đó tôi nghĩ về những gì Việt nhất còn lại trong mình! À, tôi nhớ mùi bánh chưng, bánh dày dịp tết. Tôi nhớ câu chuyện cổ tích mẹ kể về hình ảnh trời tròn, đất vuông.

Tôi nhớ đôi đũa ăn cơm mỗi ngày. Tôi nhớ tiếng mời trước khi bưng chén cơm lên miệng. Và tôi nghĩ đã đến lúc cần phải sáng tạo một cái gì đó thật Việt Nam trong lĩnh vực mình có thể làm tốt nhất là múa”.

Nón ra đời, giản dị nhưng thân thương đến thế, bắt đầu từ hình ảnh trời tròn - đất vuông và lòng tự tôn dân tộc. Đây cũng chính là lý do để tháng 12-2015, Nón được chọn trình diễn cho 300 khán giả là tuỳ viên văn hoá, đại sứ... trong sự kiện khép lại chương trình Vì sự phát triển của châu Âu tại Luxembourg.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang phụ trách phần âm nhạc và biên đạo Vũ Ngọc Khải phụ trách phần múa của vở Nón - Ảnh: Gia Tiến
Vũ Ngọc Khải là biên đạo quen thuộc qua các chương trình Chuyện kể những chiếc giày, Sương sớm, Mộc... - Ảnh: Gia Tiến
 
Vở múa Nón dựng dàn dựng dựa trên câu chuyện cổ tích về hình ảnh trời tròn, đất vuông - Ảnh: Gia Tiến

Nón phiên bản 2016 có gì mới?

Ra mắt lần đầu tiên vào tháng 6-2015 tại TP HCM, Nón để lại những ấn tượng mạnh mẽ, khác biệt về tinh thần nghệ sĩ và cách thể hiện sáng tạo trong việc chuyển tải những thông điệp riêng. Vậy nên, trong lần trở lại này, Nón vẫn giữ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chuyển động cơ thể thú vị của múa đương đại và dòng chảy giai điệu đặc biệt được biểu diễn hoàn toàn mộc gồm: Chiêng Dây (hiện chỉ có 2 cây đàn tại Việt Nam), đàn tính, đàn môi 3 lá, đàn môi 1 lá, đàn bầu và hát.

Nón cũng đặc biệt hơn nhiều vở múa khác bởi khán giả sẽ không bao giờ phải...xem lại bất cứ buổi diễn nào, cảm giác tươi mới vẫn sẽ được giữ nguyên sau mỗi chương trình bởi việc sắp đặt sẵn, kịch bản cho trước chỉ chiếm 50% vở, yếu tố ngẫu hứng đòi hỏi sự kết hợp ăn ý và cảm xúc riêng của diễn viên trên sân khấu trong là 50% còn lại.

Đây là điểm nhấn hết sức đặc biệt mà Nón mang đến cho khán giả sau một năm được bồi đắp thêm nhiều “phù sa” từ những lần trình diễn tổng thể hay trích đoạn, workshop.

Khải và Quang vẫn nói vui rằng chính bản thân họ cũng không biết họ sẽ “khoản đãi” khán giả những gì trước khi buổi trình diễn bắt đầu.

Lần trước, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang sáng tạo một loại “ngôn ngữ” riêng cho các tác phẩm trong Nón mà qua đó, khán giả tuy không thể hiểu được lời nhưng có thể cảm nhận âm thanh núi rừng và không gian mà anh truyền tải.

Sau một năm, Quang sẽ khoản đãi khán giả của Nón một bài hát hoàn chỉnh. Ở đó, ca từ và giai điệu của Về đồi non cho phép trí tưởng tượng của khán giả được thoả sức bay bổng, phiêu du đến khoảng không gian xa, rộng, tự do của núi rừng.

Dẫu có nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn Nón sẽ không thể ra đời nếu thiếu đi một trong hai nhân tố - cũng là linh hồn của vở trên sân khấu: Ngô Hồng Quang và Vũ Ngọc Khải.

Vũ Ngọc Khải đang là diễn viên của nhà hát Staatstheater Braunschweig, Đức. Anh làm việc nhiều năm ở Thuỵ Sỹ, Hà Lan, Đức, tham gia nhiều chương trình lớn tại châu Âu, Mỹ, châu Á... - Ảnh: Gia Tiến
Ngô Hồng Quang đang theo học chương trình cao học chuyên ngành soạn nhạc tại Nhạc viện Hoàng Gia, La Hay, Hà Lan (Deen Hag Royal Conservatory of music), có thể chơi nhạc cụ dân tộc đỉnh cao như đàn nhị, đàn bầu, trống, đàn K’ny... Ảnh: Gia Tiến
Nón không thể ra đời nếu thiếu đi một trong hai nhân tố - cũng là linh hồn của vở: Ngô Hồng Quang và Vũ Ngọc Khải - Ảnh: Gia Tiến

 

Ngô Hồng Quang, hiện đang theo học chương trình cao học chuyên ngành soạn nhạc tại Nhạc viện Hoàng Gia, La Hay, Hà Lan (Deen Hag Royal Conservatory of music), khả năng chơi nhạc cụ dân tộc đỉnh cao như đàn nhị, đàn bầu, trống, đàn K’ny (nhạc cụ dây của nhiều dân tộc sống ở vùng Bắc Tây Nguyên).

Vũ Ngọc Khải đang là diễn viên của nhà hát Staatstheater Braunschweig, Đức. Bắt đầu từ tháng 8-2016, anh sẽ làm việc tại Phoenix Dance Theater, Leeds City, Vương quốc Anh. Anh được biết đến với vai trò một nghệ sĩ múa đương đại năng động, tài năng qua các chương trình mà anh đồng thời là biên đạo, đạo diễn diễn tập như Chuyện Kể Những Chiếc Giày, Mộc, Tích Tắc, Sương Sớm, Tơ…

 

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên