Nón làng Chuông

HOÀNG ĐIỆP 25/09/2010 11:09 GMT+7

TTCT - “Chị cứ đội thử lên đi, trông chị sẽ khác ngay, cái duyên của người phụ nữ Việt Nam không chỉ được tôn lên bởi tà áo dài mà còn chính bởi vành nón trắng”.

Thật khó cưỡng lại lời mời giản dị mà rất Việt Nam ấy khi bước qua gian hàng nón làng Chuông tại triển lãm làng nghề, phố nghề (diễn ra ở Hà Nội từ ngày 18 đến 26-9-2010).

Phóng to
Một khách hàng nhí thử nón quai thao tại phố Hàng Nón của triển lãm ngày 18-9 - Ảnh: Hoàng Điệp

Cùng với khoảng 200 gian hàng đại diện các làng nghề truyền thống Việt Nam trên khắp đất nước, nón Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là một điểm nhấn trong khu phố nghề của triển lãm.

Cả phố Hàng Nón (tại triển lãm) cũng giống các phố khác: Hàng Đồng, Hàng Mã, Lãn Ông... là 11 gian trưng bày và bán nón cùng các sản phẩm biến tấu từ nón: nón lá, nón lá già (làm bằng những chiếc lá nón già, thường có màu vàng và nặng hơn những chiếc lá nón trắng), nón lá cọ, nón Huế (chỉ làm bằng hai lượt lá, không có mo lót bên trong nên thường nhẹ), mũ lá, nón “tốt đỏ” (nón nhỏ, giống chiếc nón của người lính “tốt” ngày xưa hay dùng)...

Không gian ngập tràn màu trắng của những chiếc nón và mùi thơm của lá lụi cùng mùi nhựa thông. Gian Hàng Nón dù không nằm gần trung tâm của triển lãm nhưng lại là nơi có lượng khách tham quan đông nhất. Chị Tạ Thu Hương (phụ trách phố Hàng Nón ở triển lãm, giám đốc doanh nghiệp Hùng Hương) huy động người nhà, thợ khâu cùng ngồi bán và giới thiệu nón. 11 gian hàng náo nhiệt, người bán luôn miệng trả lời khách và luôn tay đếm tiền.

Khi nón không che nắng

Bà Nguyễn Thị Sửu (78 tuổi, người làng Chuông) kể biết làm nón từ khi 6, 7 tuổi. Còn bé thì là lá cho mẹ bằng chiếc lưỡi cày nung nóng, lớn một chút thì xâu kim, khâu những chiếc nón lá đơn giản, chưa đòi hỏi kỹ thuật cao. Lớn chút nữa thì học sắp vanh (phần khung bên trong nón làm bằng tre để cố định hình dạng chiếc nón), “quay” lá, làm chóp...

Có thể nói không một người làng Chuông nào không biết làm nón. Vào những năm 1980, tất cả phụ nữ đều đội nón đi làm, chiếc nón lá gắn bó với người phụ nữ mọi lúc mọi nơi. Nhưng xã hội phát triển, người đi xe gắn máy không ai đội nón lá nữa. Người đội nón lá ít hẳn đi, có lúc nghề nón làng Chuông tưởng như không thể sống nổi. Ba, bốn chiếc nón mới mua được 1kg gạo...

Chị Tạ Thu Hương biết làm nón từ khi 6 tuổi, đến nay chị có thâm niên hơn 40 năm với nghề nón. Vào những năm khó khăn nhất của nghề, chị thu gom nón mang ra bán ở trung tâm Hà Nội. Quan sát cách người ta bán nón cho du khách ở bờ hồ, chị nảy ra ý định đưa nón lá ra nước ngoài. Mày mò tìm hiểu, đơn hàng chị ký để xuất khẩu container nón đầu tiên đi nước ngoài khi mới 20 tuổi đã làm thay đổi cơ bản cuộc sống của những người làm nón.

Đến nay, mỗi tháng doanh nghiệp của chị xuất khẩu khoảng 30.000 chiếc nón sang các nước Nhật, Pháp, Nga, Thái Lan, Hàn Quốc... Ngoài xuất khẩu trực tiếp, gần 20 năm nay chị vẫn tổ chức đón khách du lịch từ các công ty lữ hành đến làng Chuông để tham quan làng nón. Không ít tour du lịch thăm làng nghề đã kết thúc bằng những buổi ký kết hợp đồng ngay tại làng.

Cũng chính vì việc xuất khẩu chủ yếu mang tính chất là hàng thủ công mỹ nghệ mà những chiếc nón do người làng Chuông làm đã biến tấu rất nhiều. Từ chiếc nón có 17 vanh đến nay đã có những chiếc nón bé xíu để treo chuông gió chỉ còn hai vanh, hay những chiếc nón “tốt đỏ” chỉ có bảy vanh dành cho những bé gái đội chơi cho đến những chiếc nón được bọc bằng lụa hoa cúc của làng Vạn Phúc. Nghệ thuật căng và khâu đã đạt đến trình độ mà dù những chiếc nón có được bọc và may bằng lụa vẫn không hề có một nếp nhăn nào trên bề mặt.

Giữ gìn nón Việt

Từ thời điểm ba chiếc nón mới mua được 1kg gạo, đến nay thu nhập trung bình của một người nội trợ kiêm làm nón cũng được 1,8 triệu đồng/tháng. Việc xuất khẩu nón làng Chuông còn giúp tạo việc làm cho các xã khác: khuôn nón do làng Vác sản xuất, vanh nón do làng Kim Thư vót.

Tuy thế, lực lượng chính làm nón ở làng Chuông là những phụ nữ trung niên và các em nhỏ dưới 15 tuổi.

Lê Thị Thảo (nhân viên kế toán), tại một gian hàng ở triển lãm vừa nhoay nhoáy khâu nón và khâu nhôi (nhôi là phần làm bằng sợi len, chỉ màu khâu vào bên trong để buộc quai nón) vừa kể: “Hồi nhỏ tôi làm nhiều lắm, nhưng học xong rồi đi làm thì không có thời gian để làm nữa. Mỗi ngày làm nón giỏi lắm tiền công cũng chỉ được 70.000 đồng, lại phải ngồi một chỗ, không được đi đâu nên ít thanh niên chọn nghề này”.

Vậy nhưng khi được hỏi liệu có sợ nghề bị mai một khi thanh niên đều làm nghề khác không, Thảo nói: “Đứa trẻ 6 tuổi ở làng Chuông đã biết khâu nón đều mũi, được dạy cách đặt vanh cho tròn, tạo mặt phẳng cho nón nên nghề sẽ không mất được”. Cách trả lời tự tin của Thảo cho thấy giữ gìn một làng nghề, giữ gìn hình ảnh chiếc nón lá để nó không biến mất trước đổi thay của cuộc sống còn nhờ vào sự khéo léo, thông minh của những người thợ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận