23/02/2017 11:06 GMT+7

Nói tục cũng được tiền, hài gì dễ dãi thế?

VÕ HẢI NAM
VÕ HẢI NAM

TTO - "Hot boy trà sữa" Lê Tấn Lợi trở thành quán quân Thách thức danh hài mùa 3, phát sóng vào tối 22-2, tiếp tục là đề tài để nhiều bạn đọc tranh luận, bàn cãi.

Tấn Lợi và vợ sắp cưới nhận thưởng từ giám khảo Trường Giang và Trấn Thành - Ảnh: DQ Media

Để cung cấp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu đến bạn đọc bài viết của bạn đọc Võ Hải Nam.

"Bản thân tiếng cười không có gì xấu, nó làm cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Thế nhưng, việc đưa quá nhiều tiếng cười không chủ đích vô hình trung gây dị ứng cho người nghe, người xem. Thậm chí nhiều người còn cho rằng mình bị “thọt lét” cười.

Trở lại trường hợp của "hotboy trà sữa" Lê Tấn Lợi, đúng là anh này có duyên. Tuy nhiên, cái chân chất, thật thà và màn đối đáp lém lỉnh của chàng trai Long An này chỉ mang lại cho người xem cảm giác anh ta thông minh, nhạy bén trong cách ứng xử thôi, chứ chưa thể là hiện tượng thi vòng nào đậu vòng đó như vừa diễn ra.

Trong đêm Gala, xem các tiết mục của chàng hot boy này, bản thân tôi nhận thấy bấy nhiêu thôi vẫn chưa đủ để người xem cười, nhưng không hiểu sao Trấn Thành cười suốt năm vòng để Tấn Lợi ôm giải thưởng 150 triệu!?

Tưởng mình khó tính, sáng sớm nay trước khi viết câu chuyện này gởi Tuổi Trẻ Online, tôi có trao đổi với nhiều bạn bè và nhận được sự đồng tình của đa số.

Thậm chí có người còn nói ở vòng thứ năm nếu ban tổ chức nghiêm túc hơn, tiết mục gọi vợ chưa cưới là "mập đ..." sẽ bị cắt đi. Còn đằng này nhờ từ đ... khó nghe này lại được giám khảo Trấn Thành phì cười và sau đó chính Trấn Thành lại nói: "có ai lên truyền hình mà thả chữ đó như nó không"?

Trước đó, không phải "vạch lá tìm sâu" nhưng cách gọi vợ chưa cưới là "nó" này "nó" nọ được phát sóng truyền hình cũng làm cho những khán giả khó tính cảm thấy "dị ứng"!

Có thể nói ở thời buổi “trăm thứ hài” đua nhau nở rộ, chỉ cần bật ti vi là thấy hài, người người, nhà nhà đều diễn hài được, từ đó dẫn đến nhiều tiết mục “không ngại” văng tục hoặc diễn đồng tính, trai giả gái õng ẹo..., thì việc hotboy trà sữa tung ra những "chiêu" dễ dãi như trên đã phân tích cũng là điều dễ hiểu. 

Tuy vậy, đối với những tiết mục "nói tục" để khiến ban giám khảo cười tôi cho rằng điều đó rất tai hại.

Xem phần cuối tiết mục mà Lê Tấn Lợi diễn và được phát sóng vào tối 22-2, tôi không thể hiểu vì sao Trấn Thành có thể cười "hồn nhiên" và dễ dãi như thế.

Đặt ví dụ nếu là một khán giả xem truyền hình với các con của mình, Trấn Thành sẽ giải thích thế nào khi các con hỏi: "Mập đ... là gì vậy ba? Sao chú ấy gọi vợ của chú là nó? Ở trong trường con học, cô giáo nói gọi người khác bằng con, bằng thằng, bằng nó là không ngoan..."

Viết lên những suy nghĩ của mình, tôi không có ý đả kích người dự thi các chương trình game show hay cá nhân "hotboy trà sữa" Lê Tấn Lợi. Bởi ở góc độ nào đó, những người dự thi này cũng được hưởng lợi vật chất từ tiền thưởng của các nhà tài trợ khi đoạt giải.

Nói một cách công bằng, sau một cuộc thi có khi số tiền thưởng mà những người tham gia giành được có giá trị còn hơn cả tài sản, kèm theo đó là sự nổi tiếng và được tung hô như một hiện tượng... do đó ai mà không ham. 

Nhưng, điều quan trọng đối những người dự thi là có mấy ai đủ tỉnh táo để nhận ra rằng đôi khi vì một lý do nào đó mà các giám khảo chương trình đã gieo cho họ sự ảo tưởng về một tài năng xuất chúng, trong khi họ hoàn toàn không có điều đó, để từ đó phải đánh đổi những giá trị khác.

Ngoài ra, một vấn đề khác cần đặc biệt bàn bạc, trao đổi thêm là trách nhiệm của những người làm văn hóa và kiểm duyệt văn hóa.

Các vị có bao giờ tự hỏi: "Chúng ta được lợi gì những chương trình như vậy"? 

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn có thể trao đổi với tác giả trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

 

VÕ HẢI NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên