12/09/2017 15:35 GMT+7

Nói ngược, nói xuôi - Đừng cố quá mà thành quá cố

DUYÊN TRƯỜNG
DUYÊN TRƯỜNG

TTO - Tiếng nước ta có một khả năng không phải xứ nào cũng có: nói ngược!

Nói ngược, nói xuôi - Đừng cố quá mà thành quá cố - Ảnh 1.

Xin nói ngay, chuyện nói ngược đang bàn không phải là kiểu vè nói ngược: 

Nghe vẻ nghe ve / Nghe vè nói ngược / Ngựa đua dưới nước / Tàu chạy trên bờ / Lên núi đặt lờ / Xuống sông đốn củi / Gà cồ hay ủi / Heo nái hay bươi / Nước kém ba mươi / Mồng mười nước nhảy... 

Đó là cái sự ngược đời, nghịch lý, trái với tự nhiên, không hợp lẽ thường mà ông bà ta xưa nay vẫn hay nói hay hát để ghẹo, để cười, để giễu cho vui là chính!

Đừng cố quá mà thành quá cố!

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy, trong tiểu thuyết Con chim joong bay từ A đến Z vừa xuất bản, có viết: Sếp Khoa (tên một nhân vật) hôm nay hành vi rất... vi hành! 

Đây chính là kiểu nói ngược, diễn đạt theo các nhà ngôn ngữ học, là lối chơi chữ bằng phương thức đảo từ. Trường hợp này là đảo vị trong phạm vi một từ hai tiếng.

Nhờ vào đặc nét loại hình ngôn ngữ đơn âm, tiếng Việt còn có thể làm... hơn thế nữa: đảo vị trong tổ hợp từ, đảo vị các thành phần của câu (đảo ngữ/đảo cú, có thể kết hợp với đồng âm)!

Kho tàng thành ngữ, tục ngữ của ông cha ta không thiếu những câu nói ngược nói xuôi như thế: Sanh sự, sự sanh; Cá ăn kiến, kiến ăn cá; Giúp người chẳng cầu người giúp; Cười người chớ có cười lâu / Cười người hôm trước hôm sau người cười...

Các nhà sư phạm thường dặn nhau nằm lòng phương châm giáo dục: Học mà chơi, chơi mà học! Dân mê hát karaoke vẫn hay "động viên" nhau, mà có khi là để "thanh minh" trước khi cầm lấy micro: Hát hay không bằng hay hát! 

Thầy thuốc có lúc phải "nhắc nhở" những bệnh nhân của hội chứng nghiện công việc: Đừng cố quá mà thành quá cố! 

Có chàng trai trong lúc hoang mang vì người yêu dính bầu, buột miệng mà hát như mếu, nhại theo ca từ của ca khúc Bây giờ tháng mấy của Từ Công Phụng: Bây giờ mấy tháng rồi hỡi em! 

Còn dân chơi đời mới thuộc vào hạng không phải dạng vừa đâu thì hầm hố tuyên bố: Khi đã máu, đừng hỏi bố cháu là ai. Khi đã có thai, đừng hỏi ai là bố cháu!...

Cụ Nguyễn Đình Chiểu trong Lục Vân Tiên từng có câu thơ: Hại nhân, nhân hại rành rành chẳng sai. 

Nhà thơ Lê Giang, trong bút ký "Bút đàm" với má, có kể rằng: "Mấy bà đồng nát mua được mấy thứ rồi lấy làm hả hê, rao mua đồ cũ, đồ bỏ om sòm cả cái hẻm của má ở từ ngày chạy giặc tới ngày... giặc chạy".

Gần đây, ấn tượng không kém là một mẩu tranh biếm trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần (28-6-2017) châm chích cái sự quan chức ta vốn thường xuyên phải... làm lại những việc đã làm lộn bằng một cái tựa cực gọn: Lộn, lại - Lại, lộn...

Khả năng "xáo chữ" của tiếng Việt

GS.TS Nguyễn Đức Dân trong Ngôn ngữ báo chí - Những vấn đề cơ bản (NXB Giáo Dục, 2007) đã giới thiệu những tiêu đề hay, trong đó: 

Có những tiêu đề được đặt theo cách nói ngược: 

- "Ăn xin - không đơn thuần là xin ăn" (Pháp Luật, 8-8-1993)

- "Bội thu nhưng thu chưa bội" (Sài Gòn Giải Phóng, 23-3-1993)... 

Còn PGS.TS Trịnh Sâm, trong Tiêu đề văn bản tiếng Việt (NXB Giáo Dục, 1998), khi bàn về những điều kiện thiết lập một tiêu đề văn bản hay có dẫn chứng về một bài báo trên Tuổi Trẻ (30-11-1993) với tít chính là Lịch 94 từ cú "việt vị" đầu tiên, hậu quả dài dài và một tít phụ là: "Cấm! không cấm!... Không cấm được!... Không được cấm".

Cái tít này bỗng nhắc nhớ đến câu chuyện hồi thế kỷ trước, khi các cụ nhà ta đã bàn về một "mệnh lệnh": Cấm không được hút thuốc! trở thành một "phản đề" khi ta nói ngược: Thuốc hút được không cấm!

Lý giải tường tận, dẫn chứng phong phú về chơi chữ trong đảo từ, đảo ngữ, đảo cú, có thể tìm thấy trong Thú chơi chữ (Lê Trung Hoa - Hồ Lê, NXB Trẻ, tái bản lần thứ nhất, 2013). 

Từ chuyện xưa đến chuyện nay, có chữ Hán có chữ Nôm, cả trong thành ngữ, tục ngữ, câu đối và thơ ca... 

Sách còn dẫn ra khả năng "xáo chữ" của tiếng Việt, chẳng hạn với năm chữ: anh, tôi, nó, thấy và đến, dân ta có thể bày ra đến 94 câu có nghĩa (kèm theo một số dấu câu, khi nói thì có nhấn giọng/ngắt nhịp)! 

Bạn hãy thử xem nào!

Riêng dân chơi Internet đã "xáo chữ" thành công câu: Không thầy đố mày làm nên thành một tục ngữ mới: Làm thầy mày không nên đố! 

Còn dân nhậu thời nay đã cho "lội ngược dòng" tên ca khúc Đêm thành phố đầy sao của nhạc sĩ Trần Long Ẩn mà hát lên rằng: Sao đầy phố thành đêm!

Thiệt là hết biết! (tức: Biết hết là thiệt!).

Một bài thơ "sản sinh" thêm năm bài

Độc đáo là bài thơ thất ngôn bát cú Cửa sổ đêm khuya của Hàn Mặc Tử được dẫn ra trong sách Thú chơi chữ:

Hoa cười nguyệt gọi cửa lồng gương

Lạ cảnh buồn thêm nợ vấn vương

Tha thiết liễu in hồ gợn sóng

Hững hờ mai thoảng gió đưa hương

Xa người nhớ cảnh tình lai láng

Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng

Qua lại yến ngàn dâu ủ lá

Hoa dàn sẵn có dế bên tường

Xin bạn hãy đọc ngược lại đi, từ phải sang trái, từ dưới lên trên, sẽ được một bài thất ngôn mới.

Chưa hết, nếu bạn bỏ hai chữ cuối câu của cả bài sẽ thành thơ ngũ ngôn. Khi đọc ngược vẫn được một bài thơ ngũ ngôn.

Và nếu bỏ hai chữ đầu của mỗi câu rồi đọc xuôi và đọc ngược, chúng ta lại có hai bài ngũ ngôn thuận nghịch khác nữa.

Một bài thơ mà "sản sinh" thêm năm bài thơ nữa! Quả là công phu chữ nghĩa!

DUYÊN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên