15/10/2003 09:41 GMT+7

Nỗi khổ của các bác tài

NHÓM PV TUỔI TRẺ
NHÓM PV TUỔI TRẺ

TT (TPHCM) - Bị cảnh sát giao thông “bắn” súng đo tốc độ đang là nỗi ám ảnh đối với các bác tài - dù xe tải, xe khách hay xe chất lượng cao - trong suốt những chặng đường dài. Ở công ty xe khách tuyến TP.HCM - miền Tây, có khoảng 30 tài xế nhưng chỉ còn một người là bằng lái chưa bị bấm lỗ nào, còn lại đều bị bấm một, hai lỗ và thậm chí nhiều người đã bị thu hồi bằng lái phải nghỉ việc. Bấm lỗ là coi như lấy đi nồi cơm của họ...

7MExBbRy.jpgPhóng to
Một đoàn xe nối đuôi nhau chạy như rùa bò.. khi bắt đầu bước vào địa phận tỉnh Sóc Trăng. Ảnh Phương Nguyên
TT (TPHCM) - Bị cảnh sát giao thông “bắn” súng đo tốc độ đang là nỗi ám ảnh đối với các bác tài - dù xe tải, xe khách hay xe chất lượng cao - trong suốt những chặng đường dài. Ở công ty xe khách tuyến TP.HCM - miền Tây, có khoảng 30 tài xế nhưng chỉ còn một người là bằng lái chưa bị bấm lỗ nào, còn lại đều bị bấm một, hai lỗ và thậm chí nhiều người đã bị thu hồi bằng lái phải nghỉ việc. Bấm lỗ là coi như lấy đi nồi cơm của họ...

Bác tài cũng... khóc!

Đa phần tài xế xe khách là lái thuê kiếm sống, mỗi lần bị phạt, bấm lỗ, thu giữ bằng lái 1-3 tháng là khoảng thời gian mà gia đình họ phải sống vất vả, gieo neo. Vừa rồi, một tài xế của Công ty xe khách SG buồn đến cùng cực sau khi bị bấm ba lỗ và thu hồi giấy phép lái xe, đã mời bạn bè đến chia tay nhưng không ngờ đó lại là buổi... chia tay vĩnh viễn.

Anh Phan Văn Tài, tài xế của Công ty vận tải hành khách P, vừa bị bấm lỗ trên tuyến đường Cần Thơ - TP.HCM, đã nghẹn lời: “Tôi là lao động chính trong gia đình, lâu nay vợ và đứa con nhỏ phải sống lây lất vì bằng lái đã bị tạm giữ cách đây hai tháng rồi. Bây giờ tôi phải chạy vạy từng bữa cơm để chờ tới ngày nhận lại bằng lái”. Anh Tài nói không thể nào hiểu nổi một chiếc xe hơi đời mới lại có thể chạy suốt 170km mà chỉ chạy bằng số 3, số 4, vì chỉ có hai số này mới phù hợp nhất với tốc độ 30-50km/g.

Uất ức nhất có lẽ là trường hợp của tài xế T.V.L., bị bắn vượt tốc độ qui định trong khi đồng hồ trên xe “đứng kim” ở số 40km/g. Anh kể: “Đang chạy thì có hai cảnh sát giao thông (CSGT) chạy môtô kè theo, ra hiệu tấp vào lề và chìa ra “cây súng” với số báo gần 60km/g. Tôi nói không chạy vượt tốc độ thì một anh cảnh sát liền nạt: “Đồng hồ của anh không được kiểm tra nhưng súng của chúng tôi đã được kiểm tra”.

Thế là vì cuộc sống kiếm cơm nên tôi đành phải chấp nhận ký vào biên bản vì lỗi chạy vượt tốc độ đến 20%, chịu phạt 750.000 đồng nếu không muốn bị tạm giữ giấy tờ chờ giải quyết”.

44glTqeY.jpgPhóng to
CSGT đang làm nhiệm vụ ở một khúc cua, đậu xe ngay dưới tán cây mà theo giới tài xế đó là "núp lùm". Ảnh L.A.Đ
“Công ty có khoảng 70 tài xế thì 80% trong số đó đã bị bấm lỗ bằng lái. Bây giờ anh em tài xế rất hoang mang, vì lái xe là nghề lao động chính của họ, bị giam bằng lái cũng đồng nghĩa với việc họ mất công ăn việc làm” - anh Đến, phụ trách trạm trung chuyển Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn tại Cần Thơ, tâm sự với những lời lẽ không kém phần lo lắng, đồng thời nói thêm: “Riêng phần công ty, giờ giấc tour, chuyến đã không còn giữ đúng như trước nữa vì chẳng biết bao giờ xe về tới bến, vòng quay xe bị kéo dài, hành khách không còn tin tưởng vào ba chữ chất lượng cao”.

“Săn”... tài xế

Từ khi nghị định 15 ra đời thì hiện tượng chặn, bắn tốc độ xe bắt đầu có dấu hiệu thường xuyên hơn. Để đối phó việc này, giới tài xế cũng có những cách thông báo cho nhau biết lúc nào có công an, xuất hiện ở chỗ nào. “Nhưng tụi tôi nghĩ ra một cách đối phó thì CSGT nghĩ ra tới hai cách chặn bắt. Để bắn tốc độ và phạt các tài xế, CSGT không đứng đàng hoàng ngoài đường nữa mà núp khuất trong bụi cây, đám cỏ, trong quán cà phê và thậm chí họ còn leo lên cây trứng cá để rình bắn tốc độ tụi tôi. Còn ở An Giang, họ leo cả lên trên lầu, mui xe tải mà bắn xuống” - tài xế Nguyễn Thanh N. đầy bức xúc.

Không chỉ có bấy nhiêu “chiêu”, CSGT còn tăng cường làm việc thâu đêm suốt sáng, vừa di chuyển trên xe vừa bắn tốc độ, nhất là tuyến đường Cần Thơ - Vĩnh Long. Một lần chúng tôi đi xe khách “chất lượng cao” về TP.HCM lúc 2g sáng, xe đang chạy bon bon, bất ngờ trong bụi cây ven đường có bóng một CSGT nhảy vụt ra. Anh tài xế chỉ còn biết đạp thắng và buông một câu than trời: “Chết em rồi”. Như một phản xạ, anh móc túi đếm ngay 750.000 đồng và nhảy xuống xe.

“Chuyện chấp hành luật giao thông thì tài xế nào cũng hiểu, nhưng nhiều tuyến đường qui định tốc độ không hợp lý. Như tuyến Cần Thơ - Vĩnh Long đường rộng thênh thang, nhưng giới hạn tốc độ tối đa chỉ có 50km/g đối với xe khách 15 chỗ và 40km/g đối với xe tải, xe khách lớn thì không ổn. Làm sai thì chúng tôi chịu phạt, nhưng chạy chưa tới tốc độ qui định cũng vẫn bị phạt thì quả là một điều vô lý. Anh em tài xế chúng tôi bị phạt kiểu này quá nhiều rồi” - tài xế Nguyễn Thanh Bình bức xúc nói vậy.

Khổ vì... biển báo hạn chế tốc độ

D153uXDO.jpgPhóng to
Biển báo hạn chế tốc độ
Anh Võ Thanh Hoàng, giáo viên Trường trung học Kỹ thuật công nghiệp Đồng Nai, kể: chiều 22-9-2003, sau khi hoàn tất một vài công việc tại TP.HCM, trên đường quay về, xe đang ngon trớn, đến ngang biển báo 10km/g thì đột ngột bị CSGT thổi lại, chẳng hiểu mình phạm lỗi gì, thắc mắc thì được hướng dẫn xem biển báo tốc độ, đến chừng đó mới tá hỏa vì biết đã phạm luật.

Bị phạt nhưng cả “tâm” lẫn “khẩu” đều không phục. Anh Hoàng nói: “Tức mà không nói được gì, vì có biển báo, nhưng ai đời giữa xa lộ cao tốc mà lại gắn biển báo tốc độ 10km/g bao giờ. Biển báo qui định như thế này chẳng khác nào cái bẫy... Ai theo cho nổi”. Chẳng phải riêng anh Hoàng, nhiều tài xế kêu oan vì những biển báo kiểu “gài” để bắt bí.

Cũng theo ghi nhận của các bác tài, trên quốc lộ 51 (từ Biên Hòa đến ranh Đồng Nai, dài 120km) được ngành giao thông đặt 14 biển báo qui định tốc độ tối đa từ 15-20km/g, với những bác tài thì tốc độ cho phép kiểu “đi bộ” như vậy là quá thấp, điều khiển xe rất khó. Và mỗi lần qua đây, tài xế nào sơ suất không căng mắt quan sát biển báo là cầm chắc bị “phạt tiền, bấm lỗ, giam xe”...

Chiều 12-10, chiếc xe khách 15 chỗ từ TP.HCM ra miền Trung đang chạy với vận tốc 70-80km/g (vận tốc cho phép 50km/g) bỗng xuống ga, đạp thắng cho xe chạy thật chậm khi chuẩn bị vào địa bàn tỉnh Bình Thuận. 7-8 chiếc xe các loại đang chạy phía sau cũng theo đó nối đuôi nhau tạo thành một đoàn xe thư thả trên đường.

Tài xế giải thích rằng xe đang qua trạm CSGT (đóng gần trại cải tạo Z30D của Bộ Công an), nếu rướn ga chút xíu là “ăn đạn”. Anh tài xế này nói thêm: “Tôi không hiểu nổi. Trước đây chạy từ Đà Nẵng vào TP.HCM hơn 1.000km với xe cũ, đường hư, phải qua đèo qua dốc mất gần 20 giờ.

Những tưởng khi mở đường, tránh đèo, mua xe mới thì thời gian di chuyển sẽ giảm còn 15-16 giờ. Ai ngờ Nhà nước chỉ cho chạy tối đa 50km/g thì thời gian sẽ là... ba ngày”. Anh còn phân tích rằng xe của anh (Mercedes) được thiết kế với vận tốc 160km/g thì ít ra cũng được chạy phân nửa vận tốc đó; chạy chậm thì xe gầm máy, hao xăng và xe dễ hư, không có gì là lợi cả.

NGƯỜI DÂN LÊN TIẾNG

Chủ xe kiêm tài xế xe khách Nguyễn Huệ Phương, chuyên chở khách hợp đồng:

Từ đoạn đường Dầu Giây - Đồng Nai trở ra qui định xe tải chạy 60km/g; xe con, Toyota 12 và 24 chỗ chạy 80km/g, xe chở khách tụi tui luôn phải “đeo đít” xe tải. Qua tuyến muốn vượt thì bị công an thổi phạt ngay.

Trước đây chúng tôi chạy TP.HCM - Nha Trang chỉ mất 8 tiếng cho khoảng 400km. Nhưng hiện nay chạy theo biển báo tốc độ thì phải mất 27 tiếng. Từ TP.HCM đi Cần Thơ trước kia chỉ cần 3-4 tiếng, nay phải 7 tiếng chưa chắc đến được. Còn từ TP.HCM đến Phan Thiết trước đây chỉ mất hai tiếng rưỡi, nay phải chạy hết nửa ngày mới đến. Đường quốc lộ thì phải cho ra đường quốc lộ.

Ông Nguyễn Lự - chủ doanh nghiệp vận tải trên 20 chiếc xe:

Các tài xế của tôi rất bức xúc ở chỗ phải chạy sao cho đúng mà biển báo cắm lại không hợp lý. Nếu xe nhỏ thì việc liên tục tăng tốc rồi lại thắng, chạy không hết số... mức độ hao mòn, hại máy do không đúng tốc độ còn ở mức chịu được. Với các loại xe tải nặng, xe container chở hàng như chúng tôi mức độ hủy hoại xe là rất lớn, tỉ lệ hư hỏng phương tiện kỹ thuật xe rất cao.

Không hãng bảo hành nào chấp nhận xe chúng tôi sử dụng trái với qui chuẩn quốc tế như thế. Theo chỉ định kỹ thuật xe và các thông số khác, xe chạy “ép ga, ép số” sẽ đặc biệt không an toàn về kỹ thuật máy, dễ vỡ những bộ phận như hệ thống côn, hệ thống thắng. Ngoài ra, nếu các tài xế thường xuyên chạy theo tốc độ qui định trồi sụt như hiện nay sẽ bị trễ nải hàng hóa, thiệt hại về mặt kinh tế, tắc nghẽn lưu thông.

Tài xế Phạm Văn Thương:

Chúng tôi khẩn thiết kiến nghị ngành giao thông vận tải có xem xét, kiểm tra, sửa đổi việc cắm biển báo, biển tốc độ. Đường quốc lộ của chúng ta tuy không được như nước ngoài nhưng cũng phải được sử dụng theo đúng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, ngành công an phải xem xét thực hiện cho đúng việc bắn tốc độ và xử phạt. Hiện nay có hiện tượng công an giao thông chạy môtô theo để bắn tốc độ ở những đoạn đường trống, sau đó điện thoại về trạm trước. Trạm này thổi xe và nhận chỉ số tốc độ từ người cảnh sát chạy môtô lên. Chúng tôi không rõ việc xử phạt như vậy đúng hay sai!

NHÓM PV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên