20/01/2013 05:10 GMT+7

Nỗi đau

 Truyện 1.185 chữ của NGUYỄN HỮU ĐỨC
 Truyện 1.185 chữ của NGUYỄN HỮU ĐỨC

TT - Bệnh nhân X đang ngồi trước mặt ông, nét mặt chợt thư giãn không còn vẻ đau.

0ZGzkVXj.jpgPhóng to
Minh họa: Trần Ngọc Sinh

- Thưa bác sĩ, cả tuần vừa rồi, chu kỳ đau rồi hết đau rồi lại đau cứ tiếp diễn như vậy.

Ông ngồi lắng nghe với sự chăm chú, tỉnh thức lạ thường. Chính ông đang bị cơn đau vùng thượng vị chợt nhói lên hành hạ, đồng thời cơn đau làm mất đi sự máy móc trong khám bệnh vốn có cả chục năm nay. Bây giờ bệnh nhân X không chỉ là “bệnh” mà là “con người” làm ông phải chú tâm khám phá.

Cách đây một tuần, bệnh nhân X đã đến phòng mạch của ông để khám bệnh. Lúc đầu, phản xạ khám bệnh của ông xuất hiện như mọi khi. Rất kiệm lời, chỉ hỏi những câu ngắn ngủi với âm lượng biểu lộ sự thờ ơ. Kèm theo là sử dụng ống nghe, nghe tim nghe phổi một cách vô hồn. Trong khi đó, suy nghĩ gọi là chẩn đoán đã được lập trình chạy loang loáng qua đầu ông. Bệnh nhân X kể đang đau ở vùng thượng vị và đau xảy ra khá lâu. Đau khi đói và làm đang ngủ phải thức giấc vào rạng sáng và đau đến độ bủn rủn tay chân thì đúng là triệu chứng của tổn thương tá tràng rồi. Phải nội soi dạ dày để xác định xem tổn thương ở tá tràng hay ở dạ dày, và nhất là làm CLO-test để xem có nhiễm H. pylori hay không. Đúng lúc đó thì ông thấy nhói đau ở vùng thượng vị của mình giống y như sự mô tả của bệnh nhân X. Cũng đúng lúc đó, mặt bệnh nhân X giãn ra có vẻ thư thái. Ông ta kêu lên: “Dạ bớt đau rồi!”. Còn ông dù rất đau nhưng sự chuyên nghiệp trong hành nghề bắt ông ra vẻ không việc gì để tiếp tục khám bệnh. Bệnh nhân X được nội soi dạ dày và sinh thiết niêm mạc. Đúng như ông dự đoán, bệnh nhân X bị loét tá tràng với H. pylori “dương tính”. Trong thời gian khám sau đó, ông nhận thấy điều lạ thường xảy ra là có những lúc bệnh nhân giảm hoặc hết đau thì chính ông lại cảm thấy đau. Ông nghĩ thôi rồi, chính ông đã mắc cái bệnh mà bấy lâu nay ông chữa trị cho người ta! Đột nhiên, bệnh nhân X trở thành mối quan tâm, một cách lạ kỳ, bắt ông phải xử lý công việc một cách tận tâm chứ không theo kiểu đối phó như “câu cá” đã trở thành thói quen từ lúc ông bắt đầu hành nghề cho tới nay. Ông nói năng mềm mỏng với bệnh nhân X và nhận thấy khi nói những lời thân ái, tỏ thái độ ân cần, giải thích sự việc cặn kẽ thì cơn đau của ông giảm xuống. Cùng lúc đó, nụ cười lại rạng rỡ trên môi bệnh nhân X làm ông nghĩ rằng ông ta giả vờ, vì nếu theo đúng quy luật đã xảy ra, cơn đau của ông giảm xuống thì cơn đau của bệnh nhân X tăng lên. Trong khi viết đơn thuốc đầu tiên cho bệnh nhân X và hẹn tuần sau tái khám, ông nghĩ phải nhờ gấp một đồng nghiệp nội soi và chẩn đoán bệnh cho ông.

Đồng nghiệp đã khám kỹ, săm soi khá lâu hình ảnh nội soi và kết luận: “Chẳng thấy gì hết, niêm mạc đường tiêu hóa trên của ông rất ngon lành, trông mượt mà như của bọn trẻ”. Ông thầm nói: “Nếu chẳng có viêm loét thì bị rối loạn tiêu hóa giống loét rồi!”. Ông tự ghi đơn thuốc cho mình để trị chứng “rối loạn tiêu hóa giống loét” mà ông nghĩ đang hành hạ từ hôm qua đến nay. Kỳ lạ thay, đơn thuốc là sự vận dụng hiểu biết mới nhất của ông về điều trị không làm giảm bớt chút nào các cơn đau theo chu kỳ cứ tiếp tục. Sự chuyên nghiệp trong hành nghề y của ông không hề suy suyển, ông tiếp tục làm các việc chuyên môn trong khi vẫn theo dõi các cơn đau đang chịu đựng. Ông thấy đau đúng là cực hình và lần đầu tiên trong đời hành nghề, ông đã theo dõi cơn đau đúng bài bản với sự toàn tâm toàn ý lạ thường. Ông lấy giấy ghi lại các thời điểm đau, mô tả cảm giác đau với chữ thường ghi nhất là “đau bủn rủn tay chân”.

Bệnh nhân X đã đến tái khám đúng hẹn.

- Thưa bác sĩ, cả tuần vừa rồi, chu kỳ đau rồi hết đau rồi lại đau cứ tiếp diễn như vậy.

Ông hỏi bệnh nhân X với vẻ mặt chăm chú chứ không thờ ơ như thói quen bấy lâu nay: “Phải ông đau trong một giờ, sau đó giảm đau một giờ rồi lại tiếp tục đau một giờ...?”. Bệnh nhân X đã trố mắt ngạc nhiên khi ông nói cụ thể hơn, bảy giờ đau, tám giờ hết đau, chín giờ đau lại... “Dạ, đúng y như vậy”.

Chợt cơn đau trong bụng ông dịu xuống rồi dứt hẳn. Ông nhìn đồng hồ đeo tay. Quái, cơn đau của ông không theo chu kỳ nữa rồi. Ông ngạc nhiên hơn là bệnh nhân X cho biết chưa bị đau trở lại. “Dạ, mới hết đau có năm phút thôi mà bác sĩ”.

Điện thoại của ông reo lên. Ông xin lỗi bệnh nhân X để nghe giọng nói của bác sĩ Y vang lên một cách vui vẻ. “Nè ông bạn thân, mình mới mổ một ca quá đặc biệt. Đang mổ thì bệnh nhân bị tai biến bất ngờ xuất huyết ồ ạt ngoài dự kiến, đến độ chính mình phải hiến máu để cứu bệnh nhân. Mình rút ra một điều, nỗi đau cũng giống như máu, có thể chia sẻ. Nỗi đau tự nhiên không mất đi, nếu được chia sẻ thì sẽ giảm. Còn máu chia sẻ thì sẽ làm giảm nỗi đau. Cảm nhận về nỗi đau, ta không phải là ta mà ta chính là thế giới đó ông bạn”. Lạ chưa, ông cảm thấy bác sĩ Y không còn phát biểu khác người như ông thường nghĩ.

Gương mặt thư giãn không còn vẻ đau của bệnh nhân X khiến ông trở về với thực tại. Hay là, nếu bệnh nhân X không còn đau và chính ông dứt hẳn cơn đau như hiện nay thì có thể đơn thuốc ông ghi cho bệnh nhân X bắt đầu có tác dụng rồi. Hay là cơn đau tự nhiên mất hẳn không như lời bác sĩ Y vừa nói... Đúng lúc đó, điện thoại ông lại reo, giọng cô con gái bên kia vang lên có vẻ đau đớn: “Ba ơi, con đang học bài thì bụng chợt đau dữ dội như đang bị loét đây!”.

 Truyện 1.185 chữ của NGUYỄN HỮU ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên