27/10/2016 12:04 GMT+7

Nơi “chữa bệnh” cho máy bay tiêm kích

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Lần đầu tiên sau gần 20 năm sử dụng, Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn quy trình sửa chữa và tăng tổng niên hạn máy bay tiêm kích Su-27 thay vì phải đưa ra nước ngoài.

Thiếu tướng, Phó tư lệnh Quân chủng phòng không - không quân Nguyễn Văn Đảm (phải) bắt tay chúc mừng hai phi công bay thử thành công su-27 số hiệu - Ảnh: VĂN BẮC
Thiếu tướng, Phó tư lệnh Quân chủng phòng không - không quân Nguyễn Văn Đảm (phải) bắt tay chúc mừng hai phi công bay thử thành công su-27 số hiệu - Ảnh: VĂN BẮC

Đó là bước đột phá mang tính chiến lược của Nhà máy A32 (Cục Kỹ thuật - Quân chủng phòng không - không quân). Thành tựu này còn góp phần tiết kiệm đáng kể ngân sách cho đất nước.

Ở Nhà máy A32, sự đoàn kết của tập thể là điều lớn nhất, để lại dấu ấn sâu sắc nhất. Chúng tôi đã đồng lòng cùng nhau hoàn thành các nhiệm vụ rất khó khăn

Đại tá TRƯƠNG MINH ĐỨC

100 quyển hồ sơ “bệnh án”

Trước đây, suốt một thời gian dài, việc sửa chữa, tăng hạn sử dụng máy bay Su-27 phải phụ thuộc vào nhà máy nước ngoài và các chuyên gia của họ.

Đại tá Trương Minh Đức (giám đốc Nhà máy A32), một trong những người trực tiếp thực hiện dự án sửa chữa, tăng niên hạn máy bay Su-27 số hiệu 8526 cho biết sau gần 20 năm sử dụng, máy bay phát sinh nhiều hỏng hóc, đã hết giờ bay và hết niên hạn bay.

Đại tá Đức kể khi bắt đầu sửa chữa Su-27 có rất nhiều khó khăn. Thử thách đầu tiên là việc tháo rời, tháo rã toàn bộ máy bay để kiểm tra tất cả linh kiện, phụ kiện từ khung, thân, vỏ, sườn máy bay đến những cái nhỏ nhất như: đinh vít, kẹp, vòng bi, dây bảo hiểm...

“Trước giờ các nhà máy khác chưa tháo kiểu đó, chỉ tháo cục bộ thôi, tức hỏng bộ phận nào tháo bộ phận đó. Có hơn 100.000 linh kiện, phụ kiện! Không có một khiếm khuyết hay hỏng hóc nào thì máy bay mới được phép lên trời” - đại tá Đức nói.

Riêng công đoạn tháo dỡ, tháo rời đã mất hai tháng. Rồi mất thêm một tháng tẩy rửa toàn bộ. Và 3-4 tháng cho công đoạn lắp ráp rồi hiệu chỉnh. Thậm chí nhiều trang thiết bị lần đầu tiên kỹ sư, công nhân mới được nhìn thấy.

Chiến đấu cơ 8526 đã được đưa đến “khám chữa bệnh” ở 11 phân xưởng của nhà máy. Mỗi phân xưởng đều ghi chép lại rất chi tiết, cẩn thận.

Tất cả phải tuân thủ quy trình hết sức nghiêm ngặt. Chỉ cần một sai sót nhỏ, một linh kiện không đúng niên hạn, một đinh ốc đặt sai vị trí sẽ dẫn tới nguy cơ mất an toàn rất cao.

Mỗi mảng kỹ thuật đều có hồ sơ chi tiết từ lúc trước khi tháo gỡ, lắp ráp đều phải chụp ảnh lưu để so sánh. Hồ sơ “bệnh án” của chiếc Su-27 này lên đến gần 100 quyển!

15 năm chuẩn bị

Và thời khắc trông đợi là ngày bay thử máy bay Su-27 số hiệu 8526 ngay tại sân bay Đà Nẵng vào tháng 5-2016.

Buổi bay thử mang tính lịch sử này do Nhà máy A32 phối hợp với sư đoàn không quân 372 và Quân chủng phòng không - không quân tổ chức. Su-27 số hiệu 8526 mang trên mình màu sơn mới, kiêu hãnh gầm vang và lao lên bầu trời. Sau ba chuyến bay thử, các phi công đánh giá máy bay rất tốt.

“Đó là giây phút hạnh phúc nhất của những người lính thợ chúng tôi. Sau khi 8526 hạ cánh, có những người công nhân nói với giám đốc: Lúc nãy máy bay bay lên mà em nổi hết da gà” - đại tá Trương Minh Đức chia sẻ.

Sau khi ra xưởng, máy bay Su-27 số hiệu 8526 có thêm 8-9 năm sử dụng nữa. Tiêm kích 8526 đã được bàn giao cho trung đoàn 940 để quay lại làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

“Thế giới chỉ có Nga, Ukraine, Belarus, Trung Quốc sửa chữa được Su-27 và Việt Nam là nước tiếp theo” - đại tá Minh Đức tự hào.

Đại tá Đức cho biết để sửa chữa được Su-27, Nhà máy A32 đã chuẩn bị từ 15 năm trước.

“Chỉ riêng tài liệu tiếng nước ngoài và tiếng Việt đã có gần 700.000 trang. Trang thiết bị thì có cái chúng tôi nhập khẩu và có cái cán bộ, kỹ sư nhà máy tự làm. Quan trọng nhất là chuẩn bị về con người. Nhà máy đưa cán bộ kỹ sư ra nước ngoài học, đưa công nhân đến các trường kỹ thuật của không quân để đào tạo” - đại tá Đức nói.

Để chuẩn bị cho thế hệ kế thừa, nhà máy đang mở lớp cho hơn 50 con em cán bộ công nhân đã tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật các trường dân sự bên ngoài. Họ đã học xong cao đẳng hàng không 12 tháng và đang được đào tạo tiếp tại Nhà máy A32, bổ sung vào các vị trí còn thiếu.

Năm 2015, nhà máy đã sửa chữa, bay thử thành công và bàn giao 13 máy bay cho các trung đoàn bay chiến đấu. Đặc biệt, hằng năm A32 có ít nhất 40 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng.

Nhà máy có một tổ sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ gồm các kỹ sư dưới 35 tuổi, chuyên giải quyết các “khâu căng việc khó”. 100% kỹ sư đều biết tiếng Nga và đang được theo học các khóa tiếng Anh, vi tính để bổ sung thêm kỹ năng.

Trong đó trung tá Lê Công Cư, tổ trưởng tổ đường ống, được mệnh danh là “bàn tay vàng” của nhà máy.

“Đó là người đã khiến chuyên gia Nga cũng phải “ngả mũ” khi làm mới phím tỏa nhiệt, chế tạo được bộ làm mát xe thủy lực của máy bay Su-27 và Su-30MK2” - trung tá Lê Văn Bắc, một cán bộ của nhà máy, cho hay.

Thành lập từ tháng 6-1966, Nhà máy A32 mang nhiệm vụ sửa chữa máy bay, vũ khí, khí tài cho các trung đoàn bay chiến đấu và một số hệ thống trên tàu hải quân. Đây là đơn vị kỹ thuật đầu tiên của quân chủng được Bác Hồ về thăm.

51 năm qua, A32 đã sửa chữa và tăng niên hạn cho hơn 500 lượt máy bay với 14 loại: Mig-15, Mig-17, Mig-19, Mig-21..., Su-22, Su-24 và tiến tới Su-27, Su-30MK2.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên