Nỗi buồn… tiếng Anh

DƯƠNG THỊ HOÀNG OANH 09/08/2016 03:08 GMT+7

TTCT - Trong một xã hội toàn cầu như hiện nay, ai cũng công nhận rằng sử dụng tiếng Anh tốt đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giúp xã hội phát triển, hội nhập quốc tế, giúp tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến, tìm được việc làm có thu nhập cao và ổn định, có phương tiện tự nâng cao trình độ, “hiểu người, hiểu ta” về văn hóa, giáo dục, phong cách sống và làm việc.

Minh họa
Minh họa

Tiếng Anh đã trở thành môn thi tốt nghiệp trung học bắt buộc. Một Dự án quốc gia nâng cao năng lực ngoại ngữ (2006-2020) với số tiền gần 10.000 tỉ đồng được triển khai.

Hàng ngàn cơ sở đào tạo tiếng Anh của cả công và tư xuất hiện cùng nỗ lực và chi phí khổng lồ của phụ huynh, tất cả là để có được công cụ ngôn ngữ quan trọng này. Nhưng khoảng cách giữa nhận thức tầm quan trọng đến việc có một vốn tiếng Anh khả dĩ, có thể ứng dụng trong giao tiếp ở cuộc chơi toàn cầu này vẫn là một khúc mắc lớn.

Thực tế thi cử đáng buồn...

Thông tin ban đầu về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2016 môn tiếng Anh thật đáng thất vọng. Các dữ liệu ban đầu ở những điểm thi cho thấy điểm thi trung bình môn tiếng Anh là thấp nhất.

Tại cụm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phổ điểm tập trung của thí sinh (TS) ở môn tiếng Anh chủ yếu đạt 2,5 - 4,5 trên tổng 10 điểm. Tại cụm thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chỉ 19,62% TS đạt trung bình môn tiếng Anh, trong đó 70% TS chỉ đạt 2,63 điểm. Ở cụm thi Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, trên 50% TS đạt điểm trung bình nhưng trừ môn tiếng Anh.

Tại cụm Tây Ninh, điểm trung bình môn tiếng Anh chỉ ở mức 3, 4, với mức điểm 2,5 là phổ biến nhất. Tại những cụm thi do các sở GD-ĐT phía Bắc chủ trì thì điểm rất thấp ở môn tiếng Anh, phần lớn TS chỉ đạt mức điểm dưới trung bình với rất nhiều điểm 2. Tình hình tại các cụm thi Đà Nẵng, Quảng Ngãi cũng rất đáng bi quan với rất nhiều TS điểm 0 phần tự luận.

Thực tế điểm thấp như thế không hoàn toàn bất ngờ khi xét về thái độ miễn cưỡng trong việc phải thi tiếng Anh. Đó là một chỉ báo đáng báo động về nhiều vấn đề không ổn trong việc tổ chức thực hiện chính sách, trong dạy và học ngoại ngữ.

Cũng như mọi năm, đề thi tiếng Anh năm nay không có nhiều cải biến mới, dài 6 trang với cấu trúc: trả lời các câu hỏi trắc nghiệm mang tính thụ động (80%), yêu cầu tái cấu trúc câu (5%) và phần tự luận (15%).

Đó là một cấu trúc đề rất nặng kiểm tra về phát âm, trọng âm, cấu trúc ngữ pháp, cách dùng các cụm thành ngữ, tìm lỗi sai trong câu (chủ yếu lỗi ngữ pháp), kiểm tra từ... Phần còn lại tập trung kiểm tra đọc hiểu có độ khó tăng dần, kiểm tra khả năng viết lại câu dựa trên cấu trúc gợi ý và cuối cùng là tự luận (1,5 điểm) yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn 140 từ.

So sánh với đề thi của các hệ thống kiểm tra tiếng Anh (Anh) quốc tế IELTS, kiểm tra trình độ tiếng Anh (Mỹ) TOEFL về độ khó thì nếu muốn thi đạt trong các kỳ thi quốc tế này, độ khó của đề thi tốt nghiệp năm nay là chấp nhận được.

Nhưng vấn đề là các hình thức thi trình độ ngoại ngữ phổ biến không chỉ kiểm tra trình độ ngoại ngữ đơn thuần, mà còn dùng làm thước đo kiểm tra trình độ tư duy biện luận của ứng viên trong việc ứng dụng ngôn ngữ để giải đáp các tình huống, hoặc trả lời những bài tập trong các phần thi đưa ra cũng như kiểm tra khả năng nghe, đọc, viết và nói theo phong cách tư duy biện luận bằng ngoại ngữ.

Theo số liệu và ý kiến của các giáo viên chấm thi, khi phần tự luận có yêu cầu sáng tạo hơn một chút, phần lớn TS bị điểm rất thấp hoặc điểm 0.

Ngôn ngữ - sinh ngữ

Việc hướng tới đạt chuẩn trong các kỳ thi quốc gia/quốc tế không phải là mục đích cuối cùng của việc dạy và học tiếng Anh, biến sinh viên của chúng ta thành “thợ thi” (đạt được điểm thi cao bằng mọi cách), mà đó cũng chỉ là phương tiện để học sinh/sinh viên sử dụng tiếng Anh thông thạo trong mọi tình huống yêu cầu cần thiết trong nước và trên thế giới.

Như vậy, điều quan trọng nhất là phải đổi mới mạnh mẽ trong dạy và học cũng như thái độ đối với môn ngoại ngữ, nhất là ở các vùng xa xôi và vùng còn khó khăn, thì mới có thể đạt được các yêu cầu về hội nhập cho nguồn nhân lực của đất nước. Theo đó, nên ưu tiên giải quyết một số vấn đề:

1/ Ngôn ngữ là một sinh ngữ nên phải được dạy - học hướng tới chuẩn đầu ra giao tiếp thật sự, phải được kết hợp giữa học và hành, được thực hành luôn luôn để hình thành thói quen ứng xử được, đáp ứng các yêu cầu giao tiếp (lưu loát, chuẩn xác, thích hợp với bối cảnh, đối tượng giao tiếp và ứng đối nhanh nhạy).

Vì học sinh vẫn còn tâm lý ứng phó trong các kỳ thi, nên việc thiết kế nội dung và hình thức đề thi cần tạo ra một động lực thúc đẩy các em chủ động tập trung vào các kỹ năng để giải quyết đề thi tốt và ứng dụng được trong thực tế giao tiếp.

2/ Các đề thi cần được thiết kế theo dạng giao tiếp, kiểm tra đầy đủ các kỹ năng theo hướng ứng dụng để tạo sự chuyển biến trong rèn luyện kỹ năng của học sinh. Việc học - dạy tiếng Anh hiện nay vẫn cơ bản được đối xử như một môn học chung, học thuộc hay học các quy tắc ngôn ngữ theo lối từ chương, chưa vận dụng trong các tình huống giao tiếp thực tế như kỹ năng giao tiếp yêu cầu.

3/ Giáo viên - học sinh đa số còn dạy - học theo cách đối phó, cố gắng đáp ứng các yêu cầu trong đề thi mà chưa quan tâm đúng mức đến các đặc điểm của việc dạy - học ngoại ngữ (có thời gian, phương pháp, kế hoạch học tập, kiên trì theo học ngoại ngữ bền bỉ, ứng dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào có thể được, thường xuyên cập nhật kiến thức cũng như thực hành).

Các “Góc tiếng Anh” (English Corner) nên được thiết lập và duy trì hoạt động thường xuyên nhằm tạo ra và mô phỏng các tình huống giao tiếp cả bốn kỹ năng với sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật truyền thông, nhà trường, giáo viên, học sinh, gia đình và các tổ chức hội, đoàn…■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận