21/05/2015 09:43 GMT+7

Nợ công níu mạnh bầu sữa ngân sách

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TT - Tăng trưởng GDP bốn tháng đầu năm 2015 đạt 6,03 là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ những năm gần đây. Tuy nhiên nghĩa vụ trả nợ công năm 2015 lên đến 31% tổng thu ngân sách.

Lương thấp mà mức nợ cao

Liệu bề gắp mắm, làm sao thì làm.

Phải tăng cường hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Có cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài để tiêu thụ nông sản; thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông lâm, thủy sản và các ngành nghề sử dụng nhiều lao động; thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại
Phó thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Đó là con số được xem là ấn tượng nhất trong năm năm qua của nền kinh tế. Tăng trưởng cao nhưng nợ công cũng cao.

Nghĩa vụ trả nợ công trong năm 2015 cũng lên đến 31% tổng thu ngân sách, vượt mức dự kiến trong chiến lược đề ra. Phân tích của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra cho thấy nền kinh tế vẫn còn những dấu hiệu bất ổn.

Tăng cao nhưng không bền vững

Ông Nguyễn Văn Giàu - chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng mức tăng trưởng này chưa thật sự bền vững, do tác động về giá dầu thô đối với nền kinh tế ở mức thấp.

Đồng thời yếu tố chính góp phần cho tăng trưởng là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng (khai thác dầu thô, than đá).

Trong khi đó mức tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở mức thấp, chỉ tăng 2,14% so với mức tăng 2,68% cùng kỳ năm trước.

“Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đóng tàu đánh bắt thủy sản, nhà ở cho người thu nhập thấp... được đánh giá là chính sách đúng đắn, kịp thời nhưng triển khai chậm chạp, gặp nhiều vướng mắc gây phiền hà, chưa như mong đợi của người dân” - ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá trong bốn tháng đã nhập siêu 3 tỉ USD, tương đương 6% tổng kim ngạch xuất khẩu (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội là 5%) là một tín hiệu không mấy tốt lành.

Dự báo xuất khẩu năm 2015 sẽ khó khăn hơn, nhất là nhiều nước giảm giá mạnh đồng tiền so với đồng USD, dẫn đến thâm hụt thương mại năm 2015 ở mức cao.

Về nợ công - vấn đề đã cảnh báo từ nhiều kỳ họp trước, phân tích của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy năm 2015 nghĩa vụ trả nợ công sẽ ở mức rất cao, chiếm đến 31% so với tổng thu ngân sách nhà nước. Trong khi đó chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì nghĩa vụ trả nợ công không được quá 25% so với tổng thu ngân sách nhà nước.

Những khó khăn của nền kinh tế cũng được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra trong báo cáo của Chính phủ. Nổi lên là số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng 4,5% (so với cùng kỳ năm 2014); thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản phục hồi chậm...

Phát triển mạnh kinh tế biển

Báo cáo trước Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình hình biển Đông có những diễn biến phức tạp là một trong những lý do làm cho việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để khắc phục khó khăn này, Chính phủ đã đưa ra giải pháp là cần phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo.

Cụ thể là tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở hậu cần nghề cá, tránh trú bão, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và hoạt động dài ngày trên biển. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân định cư lâu dài trên các đảo và hoạt động kinh tế trên biển. Đồng thời “tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống” - Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Phân tích thêm một số mặt trong tình hình kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra nhiều mặt hạn chế như: việc kiểm soát xe quá tải trọng làm hư hại cơ sở hạ tầng chưa triệt để, tình trạng tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp cả về số vụ và số người chết, người bị thương, nhất là trong các dịp nghỉ tết, lễ dài ngày.

Tình trạng đình công ở một số doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, làm tác động xấu đến môi trường đầu tư. Đặc biệt, việc bức xúc của người dân sống tại khu vực Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Tuy Phong, Bình Thuận) do bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường cho thấy chưa có cách tiếp cận tốt, chưa kịp thời lắng nghe và giải quyết sớm kiến nghị chính đáng của người dân từ phía chính quyền và nhà đầu tư.

Cử tri quan tâm đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Tại kỳ họp, ông Nguyễn Thiện Nhân - ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch Ủy ban MTTQ VN - đã đọc báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII.

Theo đó, một vấn đề được cử tri quan tâm nhiều là Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014. “Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nghiên cứu, xem xét để có giải pháp đáp ứng các nguyện vọng, nhu cầu đa dạng trong việc lựa chọn hình thức trợ cấp bảo hiểm xã hội, phù hợp với quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và điều kiện thực tế” - ông Nguyễn Thiện Nhân trình bày.

Tương tự, cử tri và nhân dân cũng phản ảnh về Luật bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 còn một số bất cập, như việc bắt buộc mua thẻ bảo hiểm y tế đối với tất cả thành viên trong hộ gia đình là chưa phù hợp. Đề nghị Chính phủ có hướng dẫn về việc quy định mua bảo hiểm y tế bắt buộc, tạo điều kiện cho nhân dân được khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên tùy theo mức độ bệnh của người bệnh... 

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên