Những viên thuốc ngừa thai

CAO THẢO 09/10/2015 21:10 GMT+7

TTCT - Ở trên căn hộ mười chín có một tổ chim câu nhỏ. Bà già Quế rất ghét tổ chim câu này. Ngày nào bà cũng leo cầu thang lên gác mái tìm cách phá tổ, thậm chí có bữa bà còn cầm theo một cây gậy dài chọt cho rớt tổ chim câu.

Nhưng mà căn gác mái kia lại là phòng ngủ của Vân - cháu gái bà. Sáng nó dậy trễ không cho bà vô trong, còn chiều nó đi ra ngoài thì cửa phòng đóng lại. Nói chung bà ít gặp nó mà cũng ít có cơ hội thật sự để phá tổ chim câu đó.

Minh họa: Vũ Đình Giang
Minh họa: Vũ Đình Giang

Người ta gọi bà là bà già Quế. Năm nay bà đã ngót nghét bảy mươi tuổi, nhưng tác phong còn khỏe mạnh, đi lại đàng hoàng, trí óc minh mẫn. Chỉ có một điều bà không nhớ nổi chính là ngày tháng năm sinh của mình. Ở tuổi bà chuyện đó không hiếm, người ta ghi sổ ngày mất, không ai nhớ ngày sinh. Bà không có chồng, nhận một đứa con gái nuôi, rồi nó đẻ cho bà đứa cháu ngoại là Vân.

Con gái nuôi ở ngay tầng hai, luôn dặn bà đừng làm phiền Vân, nó đang tuổi nhạy cảm thích riêng tư hơn chia sẻ, bà phải để cho nó có khoảng không riêng. Bà già Quế lẹt quẹt đôi dép nói bà thiệt ra đi chọt tổ chim câu chứ chọc gì nó mà phải lo.

Nhà có ba tầng, ba người phụ nữ ở với nhau, coi vậy nhưng cũng ít khi gặp mặt. Mỗi người một nết sinh hoạt, mỗi người một phách, những cuộc đời chung một điểm về nhưng đi đến ngõ ngách khác nhau. Bà già Quế không mưu cầu con cháu sum vầy, bà sinh ra cô đơn, dậy thì cô đơn, đến nỗi cuối cùng phải lượm con ai đó về nuôi. Bà chỉ biết hai đứa nó một ruột thừa một ruột dư sống khỏe mạnh lâu lâu nghe tiếng xe, mở cửa nhìn tụi nó mệt lử đi về phòng là an tâm. Cho đến hôm kia đột nhiên cả ba gặp nhau ở bàn ăn.

Trong căn nhà ở Sài Gòn, bàn ăn là cái vô tích sự nhất trong nhà. Một ngày có bao nhiêu quán xá mở ra. Người Sài Gòn bận rộn lắp đầy những chiếc ghế ăn kia nên không còn bao tử mà ăn ở nhà. Bàn ăn nhiều khi là chỗ đọc báo của các ông các bà cao tuổi, thi thoảng là chỗ cho bọn trẻ ngồi tán điện thoại. Nói chung, việc cả ba người nhà bà già Quế tựu lại bàn ăn rất hiếm.

Bữa đó con gái nuôi bà tìm ra mấy viên thuốc ngừa thai trong phòng Vân.

Bà già Quế có vẻ lúng túng. Từ hồi dậy thì đến giờ bà chưa từng có dịp sử dụng thuốc ngừa thai. Một thân một mình bà cắm đầu tự làm nuôi cái miệng cái bụng, cũng không nhớ ra cơ thể mình ngoài việc muốn ăn no mặc ấm thì còn nhu cầu khác. Thứ nhu cầu trừu tượng như vậy nhiều khi muốn nhớ khó hơn là quên đi.

Bà biết những viên thuốc ngừa thai để làm gì, bà cũng hiểu sao con gái nuôi trở nên căng thẳng lôi Vân từ trong phòng xuống bàn ăn để nói chuyện. Vân còn trẻ. Nó mới hai mươi lăm tuổi, xong đại học vừa đi làm được vài năm nhưng khuôn mặt nhìn không khác một đứa nhỏ cấp III. Mắt nó đẹp giống mẹ. Da thì hơi có chút mụn lấm tấm, môi hơi dày, môi dưới chẻ. Y chang ba nó. Ba nó cưới mẹ nó được thời gian thì ly dị. H

ai người chia nhau nhiều thứ, chặt làm tám làm tư đủ thứ, trừ Vân. Nó được nguyên vẹn trao cho mẹ quyền làm chủ. Bà già Quế đoán chắc Vân có bạn trai rồi nên mẹ nó lo vụ thuốc ngừa thai kia.

- Thì con uống cái đó.

- Con hỏi bác sĩ chưa mà dám uống?

- Bác sĩ kê thuốc cho con mà.

- Ừ được rồi.

Hết chuyện. Mặt hai mẹ con căng thẳng vậy mà nói nhau vài câu rồi Vân lại bỏ lên căn gác còn mẹ nó leo lên lầu hai. Mấy viên thuốc ngừa thai để quên trên bàn. Bà già Quế cầm vỉ thuốc nhìn màu xanh xanh nhỏ nhỏ. Bà tự hỏi sao mẹ con Vân lại để nó bỏ lên gác. Không phải cần làm lớn chuyện sao? Bà còn định hỏi nó một trăm câu như tại sao nó uống? Nó uống khi nào? Bạn trai nó là ai? Mặt mũi nhìn sao? Ông bác sĩ thì liên quan gì đến cuộc đời một đứa cháu gái hai mươi lăm mà biết việc tường tận hơn bà hơn mẹ nó.

Bà già Quế cảm thấy bồn chồn, nỗi bồn chồn này ngày xưa bà hay có mỗi lúc làm ăn nhìn muốn nát cuốn sổ không thấy đồng lời nào chui vô. Bà quyết định lên lầu hai gặp con gái nuôi. Mọi ngày bà cũng hay lên đập cửa kêu nó đóng tiền điện nước, hôm nay giữa tháng bà lại lên đập cửa. Con gái nuôi có vẻ ngạc nhiên, nó vội vàng kéo bà vào cái bàn nhỏ bên trong.

Bà già Quế ngồi cách con gái một chút xíu, nhìn thấy nó trắng trẻo nhưng mặt hơi xương có vẻ hốc hác. Phòng con hơi nóng so với bà. Con gái bà già Quế chịu lạnh rất dở. Thời tiết mát mát chút là nó đã bắt đầu co ro, cho nên bà để nó ở lầu hai ít bị gió lùa gió hắt.

- Sao con không hỏi con bé cho ra lẽ?

- Lẽ gì hả má?

- Thì mấy viên thuốc ngừa thai mà...

- Má không biết rồi, tụi nhỏ giờ mà cấm nó càng làm. Ít ra nó có ý thức bảo vệ mình.

Bà già Quế hơi kích động. Bảo vệ bản thân bằng cách lao vào chỗ nguy hiểm rồi cuống cuồng tìm cách mặc áo giáp? Lý lẽ này bà nghe không thuận tai. Bà đoán là cách giáo dục con cái tân thời. Giáo dục con cái tân thời hay để nó tự tung tự tác rồi đi theo kiểu vừa tỏ ra quan tâm nhưng lại ơ thờ. Cái này bà làm không được. Bà già Quế còn đang chưa biết trả lời con gái nuôi thế nào thì nghe nó gật gù:

- Mà má cũng đừng can dự vô. Cứ để Vân nó tự quyết.

Thỉnh thoảng bà già Quế có đọc báo. Báo chí dạo này nhiều mục tâm sự, phần lớn liên quan đến những vấn đề về thế hệ tuổi tác. Bà ít thấy ai lên tiếng cho mình. Những người lạc hậu có lý lẽ của họ. Lý lẽ nào cũng nên được lắng nghe nhưng vì nó đã lạc hậu thành ra nó sai. Thí dụ như bây giờ, bà già Quế thật sự muốn nói với đứa con gái nuôi là một đứa nhỏ như Vân không biết lúc nào cần ngăn cấm. Nhưng thôi, bà chép miệng định đi xuống nhà thì đứa con gái nuôi lại buông ra một câu cuối.

- Hồi đó con mà biết xài những thứ thuốc này không chừng cũng chẳng có vụ ly dị vớ vẩn.

Bà nghe xong thì thủng thẳng leo cầu thang xuống phòng mình. Không phải bà không biết ngày xưa đứa con gái lấy chồng vì lỡ mang bầu. Nhưng Vân đẻ ra là đứa trẻ ngoan ngoãn, lớn lên nó lại càng xinh xắn, không phải là điều đáng mừng sao?

Vân mở cửa dắt xe ra khỏi nhà. Con bé nhìn rất đẹp như vẻ đẹp độ tuổi của mình, lúc nào nó cũng vui vẻ ở nhà, giống như nó đã trút bỏ hết những tâm tình khác lúc vào cửa, khi nó khóa cửa nhà bước vô sân nó khóa luôn nỗi ưu tư buồn bã của cuộc đời mình. Điều này làm bà già Quế thấy lo.

Mười lăm tuổi bà đã lăn lộn ở đời, ngõ ngách nào cũng từng đi qua, bà biết đời này không có ngõ ngách nào là vui vẻ. Càng đi sâu chỉ càng thêm nặng lòng. Con bé như vậy vì nó có quá nhiều thứ để lo nghĩ chứ không phải vì nó hoàn toàn an nhiên. Mẹ nó hình như cũng giống bà, có điều, lại cách nuôi dạy con tân thời, mẹ nó cứ làm như không nhận thấy gì hết. Nó cười thì cười lại, nói vui vẻ thì vui vẻ lại.

- Còn mấy viên thuốc trên bàn ăn kìa con.

- Con biết rồi ngoại.

- Mà... ừ ngoại tò mò, uống đó chi vậy con?

Vân nhìn bà già Quế cười cười. Khi nó cười như vậy bà lại nhớ hồi xưa lúc nó mấy tháng tuổi, người đầu tiên nó vui vẻ cười chính là bà. Nụ cười lúc đó như một bầu trời quang tạnh, mở ra nhiều hi vọng. Còn bây giờ nó nhìn bà cười, cũng không biết nên bám vào đâu mà tin tưởng. Bà già Quế kiên quyết bám theo câu chuyện của mình.

- Mấy thuốc đó đâu phải thuốc bổ mà muốn là uống. Bây có chuyện gì đi uống cái đó?

- Ngoại lo xa quá. Hông phải như ngoại nghĩ đâu.

- Chứ tao phải nghĩ sao?

- Thôi con trễ giờ. Bữa khác nói chuyện nha ngoại.

Vân đi ra ngoài, mở cửa rổn rảng khóa. Tiếng xe nó phóng rất xa mà bà già Quế còn chưa an tâm, vẫn định nói gì với nó. Ngày xưa bà cũng đi qua nhiều việc nhưng bây giờ lại cảm giác mình thiếu kinh nghiệm không biết làm sao thế nào.

Thật ra năm bà hai mươi lăm tuổi cũng có hứa hẹn với một người. Người này đã có vợ đang tiến hành thủ tục ly dị. Bà già Quế tuy là phụ nữ dày dặn từng trải nhưng bà không tin vào việc ăn ở già nhân ngãi non vợ chồng. Bà trước sau khẳng định chỉ thân mật sau khi cưới. Người đàn ông chuẩn bị ký đơn ly dị, nói với bà đợi vài ngày anh ta sẽ sang cưới.

Trong lúc tiến hành ly dị, người vợ gửi đứa con trai chung vài tuổi qua chơi với ba, giống như tạm biệt nhau. Hai cha con đi chơi thăm thú, rồi tai nạn xảy ra. Cả hai đều tử nạn trong bệnh viện. Người phụ nữ kia đến nơi nhận xác khóc rũ người như miếng áo phủ mặt kẻ xấu số.

Bà già Quế cứ đứng mấp mé đợi chị ta đi khuất mới tới lượt mình khóc. Khóc vội vàng rồi lại quay về nhà, lo tang chay phúng điếu đã có chị ấy, cả hai người vẫn là vợ chồng nên chị quản luôn phần thân xác anh ấy.

Bà già Quế về sau không yêu ai nữa. Người ta nói bà sợ mất mát này nọ, bà chỉ thấy mình quá bận rộn. Bận rộn sống và bận rộn quên đi cái đám tang người thân không được thắp nhang ấy. Bây giờ cháu gái bà cũng tuổi hai mươi lăm, không biết quen ai nặng nợ ra sao nhưng có lẽ đã đi xa cái ranh giới lạc hậu bà tự đặt ngày xưa.

Tối đó bà già Quế không đi ngủ sớm. Buổi chiều bà leo lên căn gác nhỏ tìm cách chọt tổ chim câu. Ăn chút cơm cho qua rồi ngồi coi tivi đợi Vân về. Con bé hay về trễ mấy ngày cuối tuần.

11g khuya Vân về. Tóc tai nó lung tung hết lên có lẽ vì lái xe khuya gió thổi mạnh. Mặt nó hơi bạc đi vì bụi đường. Ánh mắt có vẻ ngạc nhiên khi thấy bà già Quế ra tận cửa để mở. Tiếng chìa khóa rổn rảng trong đêm.

- Ngoại đợi con đến giờ này.

- Biết khuya sao ngày nào cũng về khuya?

- Ngoại ơi, con có việc đi tới đi lui không để ý.

- Được rồi. Ăn cơm chưa?

- Ăn rồi. Ngoại ngủ đi.

- Nói ngoại nghe tiếp chuyện hồi sáng đi.

- ...

- Ngoại đâu phải bà già dưới quê cù lần lạc hậu. Ngoại cũng dân sống ở đây cũng buôn bán qua lại nhiều. Sao con không kể ngoại nghe.

Vân đi lấy ly nước uống, sẵn tiện thò tay lấy vỉ thuốc còn để nguyên trên bàn. Cô ngồi xuống bên bà ngoại.

- Ngoại, con uống thuốc này để làm trễ kỳ kinh của con.

- Chi vậy?

- Cuối tuần con đi chơi với bạn, không muốn bị. Ngoại nghĩ nhiều quá.

- Vậy chứ...

- Không ai yêu con đâu ngoại. Nhìn còn không muốn thì ngoại lo gì ba chuyện này.

Vân bỏ lên nhà. Nó đi từng bước khập khiễng. Hồi mới dọn qua căn nhà này cả bà già Quế lẫn mẹ nó đều có ý nhường căn phòng đầu tiên ít bậc thang. Nó không chịu, nó đòi ở trên gác mái gần tổ chim câu, có cái cửa sổ to nhất nhà. Hồi đẻ ra nó sinh thiếu tháng, chân cẳng rất yếu.

Cả bà già Quế và mẹ nó đều nghĩ lớn lên sẽ khá hơn, rồi họ cũng lo bận rộn nuôi nó lớn lên. Chân nó càng ngày càng yếu, đến năm bốn tuổi mới đi lết từng bước. Lúc này hai người dẫn nó đi gặp bác sĩ thì đã muộn. Con bé mãi mãi không thể đi đứng bình thường, một chân của nó gần như vô dụng, nhiều khi cả chân kia phải lê theo thân hình lẫn cái chân ấy. Khi nó đi có lúc nhấp nhô như những con sóng nhỏ, có lúc thấp thỏm như nỗi lo của bà già Quế...

Bà cứ mong có ngày nó để người ta yêu nó. Như bà yêu nó, nó là đứa trẻ xinh xắn nhất bà từng thấy. Nhưng cuối cùng vẫn chỉ một nụ cười xa xỉ ban phát cho tất cả mọi câu hỏi mọi quan tâm. Bà già Quế không biết làm gì với nụ cười ấy.

Tình yêu với tuổi trẻ có lẽ cũng không gần với tình yêu lạc hậu bà có ngày xưa. Bà còn định dặn cháu cách lựa chọn bạn trai, hay cách nhìn cho ra tấm chân tình người khác. Bà định với mấy viên thuốc tránh thai nhỏ bé kia sẽ làm từng đó việc. Cuối cùng, vẫn là bà không nắm bắt kịp, chỉ nhìn thấy dáng đứa cháu gái cô đơn bước chậm chạp lên cầu thang. Bà ngồi yên trong đêm vừa buồn vừa loay hoay.

Lâu rồi bà không thức khuya đến vậy.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận