29/10/2016 14:38 GMT+7

​Những thói quen tốt cho thận

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.H
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.H

Thận là cơ quan chủ yếu của hệ tiết niệu có cấu trúc hình hạt đậu nằm cạnh cột sống, trong hố thắt lưng.

Hệ tiết niệu chịu trách nhiệm sản xuất, trữ và thải nước tiểu ra khỏi cơ thể. Thông qua việc bài tiết nước tiểu, cơ thể thải ra ngoài các chất độc và giữ thăng bằng cho môi trường bên trong cơ thể. Ngoài ra, thận cũng còn là một tuyến nội tiết tham gia vào việc tạo máu và điều hòa huyết áp động mạch.

Suy thận là tình trạng giảm hoạt động của thận, làm cho thận không đảm bảo được các nhiệm vụ của mình, ảnh hưởng đến hoạt động của toàn cơ thể.

Một số nguyên nhân gây suy thận

- Tiểu đường được xem là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận ở các nước phát triển. Suy thận được xem là biến chứng mạn tính của tiểu đường, đặc biệt ở các bệnh nhân kiểm soát đường huyết kém hoặc có các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Biểu hiện sớm của tổn thương thận do tiểu đường là tiểu đạm vi thể. Cần làm xét nghiệm vi đạm niệu để tầm soát sớm biến chứng thận trên bệnh nhân tiểu đường.

- Huyết áp cao nếu không được kiểm soát, điều trị tốt sẽ dễ gây biến chứng suy thận. Giai đoạn sớm của tổn thương thận do cao huyết áp cũng là tiểu đạm vi thể.

- Thuốc: một số thuốc nếu dùng lâu dài với liều không thích hợp có thể gây suy thận như: nhóm thuốc kháng viêm không steroid (aspirin, diclofenac…), thuốc kháng sinh (Gentamycin, Amikacin…), thuốc chống lao, thuốc hóa trị, thuốc cản quang…

- Bệnh lý thận - niệu: sỏi thận, thận ứ nước, nhiễm trùng thận nếu không được điều trị kịp thời cũng có khả năng gây suy thận.

- Các trường hợp nhiễm trùng nặng như nhiễm trùng máu cũng có thể gây tổn thương nhiều cơ quan, trong đó có thận.

Ngoài ra, các nguyên nhân khác như chấn thương dập nát cơ, ong đốt, rắn cắn… cũng có thể gây suy thận. Lối sống cũng có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chức năng của thận như việc ăn quá nhiều muối, đường, chất đạm, chất mỡ hoặc ăn ít rau quả, ít vận động, stress. Các yếu tố như thuốc lá, thực phẩm, nước, môi trường... cũng ảnh hưởng nhiều đến thận.

Các triệu chứng của bệnh thận:

Giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể không có triệu chứng. Các triệu chứng của bệnh thận sẽ biểu hiện rõ khi chức năng thận giảm trên 90%. 

Các triệu chứng của suy thận có thể bao gồm:

Tăng huyết áp; mất cảm giác ngon miệng; ngứa; tiểu đêm, tiểu nhiều lần; khó ngủ; khó thở; phù; đau đầu; buồn nôn và nôn; mệt mỏi; thiếu tập trung.

Các biện pháp phòng ngừa suy giảm chức năng thận

Cần chú ý đến các yếu tố nguy cơ gây suy thận. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ gây suy thận, cần kiểm tra chức năng thận định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý và điều trị kịp thời. 

Các triệu chứng của suy thận có thể mơ hồ, không đặc hiệu và có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ của suy thận:

- Tuổi từ 60 tuổi  trở lên: tuổi cao làm suy giảm chức năng thận.

- Tiểu đường: lượng đường trong máu quá cao khiến thận phải làm việc quá nhiều, dần dần dẫn đến mất khả năng làm việc. Nếu bạn bị tiểu đường, cần kiểm soát tốt đường huyết.

- Cao huyết áp: nhiều nghiên cứu đã cho thấy tăng huyết áp gây suy thận và ngược lại, suy thận lại gây tăng huyết áp. Do đó cần kiểm soát tốt huyết áp.

- Hút thuốc lá: lối sống có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chức năng của thận, trong đó có việc hút thuốc lá.

Những thói quen tốt cho thận

- Duy trì mức cholesterol máu bình thường.

- Duy trì cân nặng lý tưởng, tránh thừa cân, béo phì bởi vì béo phì sẽ tăng nguy cơ bệnh tiểu đường và tăng huyết áp. Đây là những yếu tố nguy cơ chính của suy thận.

- Tránh hút thuốc lá: lối sống có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chức năng của thận, trong đó có việc hút thuốc lá .Các nhà khoa học đã chứng minh rằng hút thuốc lá là một yếu tố gây ra tiểu đạm làm tổn thương thận. Những người hút thuốc lá tăng nguy cơ suy thận gấp 3 lần những người không hút thuốc lá.

- Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên – ít nhất 30 phút tập thể dục mỗi ngày.

- Tránh uống các loại thức uống nhiều năng lượng, có cồn.

- Nên ăn các thức ăn có lợi như ít muối, ít chất béo, ăn nhiều cá, rau quả.

- Không tự ý dùng thuốc bừa bãi.

- Khám định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 1 năm để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý có khả năng gây suy thận.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.H
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: thói quen thận